Chứng tích duy nhất còn sót lại
Tôi đến Hiroshima vào đúng dịp tháng 8, cả thành phố đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 67 năm ngày quả bom nguyên tử thả xuống vùng đất này. Dọc con đường dẫn đến khu tưởng niệm, rất nhiều người nước ngoài đến tham quan những gì còn sót lại sau khi quả bom “little boy” phát nổ.
Lần đầu tiên đặt chân đến thành phố này, tôi không thể hình dung đây là nơi mà quả bom nguyên tử từng san bằng. Hiroshima bây giờ là một thành phố hiện đại, nhà cao tầng kết hợp với những trung tâm thương mại, cùng hệ thống giao thông công cộng hết sức hợp lý khiến du khách vô cùng hài lòng khi vừa đặt chân đến. Tuyến tàu điện từ ga Hiroshima đến Công viên Hòa Bình luôn đông khách.
Tháng 9 năm nay, người ta sẽ kỷ niệm 100 năm ngày chiếc tàu này lăn bánh. Từ ga Hirosima, ngồi trên xe điện khoảng 15 phút là tới Công viên Hòa Bình. Công viên tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima nằm ở ngã ba sông Honkawa và Motoyasu ngay bên cạnh trung tâm thành phố và tại đây cũng là điểm rơi của quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người viết là một tòa nhà bị bung mái, vách tường loang lổ được bảo tồn bằng một bờ rào bằng sắt bao quanh trông rất cũ kỹ. Phía sau chứng tích này, rất nhiều người già ngồi hoài niệm quá khứ và kể cho du khách nghe thảm họa mà họ và người thân của mình phải gánh chịu.
Ông Takana, một thầy giáo về hưu cho biết ngày nào ông cũng ngồi bên hông tòa nhà để kể cho các em nhỏ nghe những gì đã xảy ra ở nơi này. “Khi quả bom nổ, tất cả nhà cửa, cây cối trong vòng 5 dặm đều bị thiêu đốt, sụp đổ, cháy tan thành tro, toàn thể khu vực trở thành bình địa. Riêng tòa nhà này hoàn toàn bị hư hỏng, chỉ còn lại 4 bức tường và chiếc vòm sắt cong queo bởi sức nóng hơn 9.000 độ C của bom tỏa ra”.
Cầu nguyện cho hòa bình
Phải nói rằng người Nhật làm công tác bảo tồn rất tốt, những gì còn sót lại đều được đưa vào bảo tàng, mái vòm của ngôi nhà được tái tạo và sơn lại màu nguyên thủy. Theo thời gian, căn nhà cũng rêu phong và xỉn màu.
Rời chứng tích này, chúng tôi đến tượng đài Hòa Bình, nơi cô bé Sasaki Sadako (bị ung thư bạch cầu do nhiễm chất phóng xạ năm lên 10 tuổi và qua đời chỉ 2 năm sau đó) hằng ngày xếp những con hạc giấy cầu nguyện hết bệnh và hòa bình.
Xúc động trước sức chiến đấu với bệnh ung thư đến phút cuối cùng, các bạn học của cô bé và người dân thành phố đã quyên góp tiền để xây dựng đài tưởng niệm Sadako và tất cả trẻ em là nạn nhân của quả bom nguyên tử ở Hiroshima.
Năm 1958, tượng đài Hòa Bình của trẻ em được khánh thành với ý nghĩa khơi gợi niềm tin và hy vọng. Bên trên tượng đài có bức tượng của Sadako đang dang rộng tay cầm một con hạc lớn, phía dưới khắc dòng chữ: "Đây là lời kêu gọi của chúng tôi. Đây là lời cầu nguyện của chúng tôi. Hòa bình cho thế giới". Vào dịp kỷ niệm ngày thả bom, câu chuyện về cô bé yêu hòa bình Sadako lại được kể cho trẻ em Nhật để nhắc nhớ tới tình yêu cuộc sống cũng như hiểm họa vũ khí hạt nhân. Câu chuyện về Sadako còn là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học và âm nhạc.
Ngày nay, bên dưới tượng tài có rất nhiều con hạc giấy được những người tham quan kết thành chữ “PEACE” - Hòa Bình như để cùng nhắc nhở nhau về một thế giới không có chiến tranh. Giữa quảng trường là đài tưởng niệm những nạn nhân tử nạn vì bom nguyên tử với kiến trúc đơn giản nhưng ấn tượng.
Một vòm hình chữ “V” ngược bằng đá hoa cương, phía trên là một đài lửa. Ngọn lửa này được lấy từ tàn tích còn sót lại của quả bom nguyên tử. Đối diện tượng đài là Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Bên trong bảo tàng là một “kho tư liệu” với những vật dụng bị cháy sém còn sót lại của các nạn nhân và nhiều thứ khác.
Trong suốt quá trình tái thiết sau chiến tranh, những di tích còn sót lại đều được giữ gìn, bảo vệ rất cẩn thận bởi người dân thành phố. Nó như là lời nhắc nhở về sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và là biểu tượng của ước mơ hòa bình cho thế giới, cũng như mong muốn loại bỏ hết thứ vũ khí giết người hàng loạt này.