CÁCH DẪN TRỰC TIẾP VÀ CÁCH DẪN GIÁN TIẾP
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. – Người ta có thể dẫn lại lời nói hay ý nghĩ (lời nói bên trong) của một người. Dẫn lời cũng như dẫn ý đều có hai cách: trực tiếp và gián tiếp. Dẫn trực tiếp hay dẫn gián tiếp là tuỳ vào tình huống sử dụng.
– Cách dẫn trực tiếp: là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật; lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép.
Ví dụ:
Một tiếng đồng hồ sau, cô nói: “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ”.
(O Hen-ri)
– Cách dẫn gián tiếp: là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp; lời dẫn gián tiếp không đặt trong dấu ngoặc kép.
Ví dụ: Thầy giáo dặn chúng tôi ngày mai đến sớm 15 phút.
2. Trong giao tiếp, khi kể chuyện bằng lời nói, cách dẫn gián tiếp được dùng thường xuyên hơn. Còn lời các nhân vật trong truyện nói với nhau thường được dẫn trực tiếp, gọi là lời thoại và được đánh dấu bằng cách gạch đầu dòng ở đầu lời thoại.
3. – Về mặt vị trí, lời dẫn trực tiếp có thể đứng trước, đứng sau hoặc đúng cả phía trước và phía sau lời người dẫn.
– Lời dẫn gián tiếp tuy không bắt buộí đúng từng từ nhưng phải đảm bảo đúng ý. Khi dẫn gián tiếp, có thể dùng rằng hoặc là đặt phía trước lời dẫn (sau động từ trong câu).
– Khi chuyển đổi lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp, cần:
+ Bỏ dấu ngoặc kép;
+ Thay đổi từ xưng hô cho thích hợp;
+ Lược bỏ các tình thái từ;
+ Có thể thêm các từ rằng hoặc là trước lời dẫn.
Ví dụ: – Trước khi đi, mẹ tôi dặn: “Con nhớ nhắc em học bài nhé!”. (dẫn trực tiếp)
– Trước khi đi, mẹ tôi dặn là tôi nhớ nhắc em học bài. (dẫn gián tiếp)