“Leo lên đỉnh núi cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em.”
* Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.
* Từ việc giải thích “leo lên đỉnh núi cao”; “nhìn ngắm thế giới”; “không phải để thế giới nhận ra các em”, học sinh nêu khái quát nội dung ý kiến.
“Leo lên đỉnh núi cao” :
+ Nghĩa đen: là quá trình chinh phục những khó khăn, trở ngại trên đường đi để lên đến đỉnh núi, chiếm lĩnh điểm cao nhất của ngọn núi.
+ Nghĩa bóng: Là quá trình vượt qua những khó khăn, trở ngại về vật chất và tinh thần để đạt tới thành công, đích đến cuối cùng của cuộc hành trình, kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài.
“Nhìn ngắm thế giới”:
+ Nghĩa đen: Đứng từ đỉnh núi nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, quan sát toàn cảnh.
+ Nghĩa bóng: Là cách em nhìn ngắm lại hành trình đã đi qua, những thất bại và những lần vấp ngã của bản thân và của những người cùng chung hành trình với mình để từ đó rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm cho những hành trình tiếp theo.
“Thế giới nhận ra các em”: Là những thành tích của các em được mọi người ghi nhận.
“Không phải để thế giới nhận ra các em”: Là lời khuyên các em không nên đề ra mục tiêu phấn đấu là cố gắng, nỗ lực đạt được những thành tích, những thành công để nghe người khác ca tụng, thán phục, để mọi người ghi nhớ, nể phục thành tích mà các em đạt được.
Ý nghĩa của câu nói: Tuổi trẻ cần sống và cảm nhận rõ ràng điều mình đang làm, tận hưởng cái giây phút của thực tại, chứ không phải là quan tâm người khác đang nhìn bản thân chúng ta như thế nào.
* Bàn luận:
- Leo lên đỉnh núi cao: là mục tiêu, định hướng phấn đấu của mỗi người. Ở đó thể hiện những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Điều đó cũng là cách để thể hiện bản thân, thể hiện bản lĩnh của mỗi người.
- Khi leo lên đến đỉnh núi, mỗi chúng ta không nên tự cho rằng mình là người duy nhất làm được điều đó hay bản thân mình đã làm được điều mà người khác không thể thực hiện. Từ đó ta có tâm lý tự cao, tự đại, cho rằng là mình hơn người khác, mình đã làm được điều đặc biệt, mình là “trung tâm” của vũ trụ. Quan niệm đó là sai lầm. Đó chính là lí do khiến chúng ta tự đánh mất mình.
- Ngược lại: Khi chúng ta đạt đến đỉnh vinh quang, đạt được những thành công chúng ta nên ngắm nhìn lại những nỗ lực, những trải nghiệm mà mình đã trải qua, những thất bại và những lần vấp ngã, chúng ta không nên “ngủ quên trên chiến thắng”. Chúng ta cần phải biết nhìn nhận lại hành trình đã đi qua, cách mà chúng ta “đứng dậy” sau những thất bại, vấp ngã để rút cho mình những bài học kinh nghiệm. Chúng ta cần biết cách chinh phục nhiều “ngọn núi” trong cuộc đời mỗi người.
- Leo lên đỉnh núi cao không phải để “thế giới nhận ra các em” là vì: Cuộc sống là muôn màu, muôn vẻ, nếu coi việc ghi được những thành tích cao để người đời ca tụng là thể hiện lối sống bằng lòng thoả mãn với những gì mình đang có mà không còn ý thức vươn lên nữa.
=>Bài học nhận thức và hành động:
- Rút ra bài học phù hợp cho bản thân.
- Làm thế nào để chinh phục những “đỉnh núi”
+ Trang bị những kiến thức rèn luyện sức khoẻ, phương pháp chinh phục những kĩ năng, kiến thức.
+ Rèn luyện ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm và thói quen tốt mỗi ngày của bản thân