Trong văn học, nếu nội dung tư tưởng là hồn cốt của tác phẩm thì nghệ thuật chính là phương tiện hữu hiệu nhất, qua đó nhà văn bộc lộ ý đồ của mình, nâng tầm giá trị tác phẩm. Chuyện người con gái Nam Xương đã thể hiện rất thành công các biện pháp nghệ thuật, đặc biệt là xây dựng nên một tình huống truyện đặc sắc, góp phần lớn vào phản ánh tư tưởng của tác phẩm.
Vũ Thị Thiết vốn là một người con gái vừa xinh đẹp lại giàu đức độ, nàng luôn biết vun vén cho gia đình. Khi Trương Sinh ra trận, nàng một mực lo toan, chăm sóc mẹ già, con nhỏ mà chẳng một lời oán thán. Đáng nhẽ, một con người như thế xứng đáng được hưởng hạnh phúc, nhận được sự trân trọng và yêu thương của chồng. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc lại không mỉm cười với nàng, khi gặp phải một tình huống đầy éo le, tình huống thắt nút gây nên cái chết đầy oan khuất của nàng.
Đó là khi Trương Sinh trở về, cùng đứa con thơ ra thăm mộ mẹ, Đản đã buột miệng nói một câu ngây thơ, tâm hồn đầy sáng trong của đứa trẻ đó thốt ra một lời thắc mắc giản đơn: "Ơ hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít... Trước đây thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả".
Nhưng không ngờ, chính câu nói tưởng như vô tình ấy lại khiến Trương Sinh nổi máu ghen tuông mà hành hạ nàng, đánh đuổi, ruồng rẫy nàng. Điều này giúp bộc lộ rõ tính cách của Trương Sinh, một kẻ nóng nảy, hống hách, thiếu suy nghĩ. Bởi trong câu nói của Đản có sự vô lý khi không có một người cha nào chỉ nín thin thít, không bao giờ bế con của mình cả. Nhưng Trương Sinh mặc nhiên không hề dừng lại để phân tích, thậm chí chút suy nghĩ về câu nói của đứa con thơ cũng không có mà nhẫn tâm hành động bồng bột, trách cứ người vợ mình từng yêu tha thiết bấy lâu. Trong tình huống này, ta thấy bé Đản càng ngây thơ, hồn nhiên bao nhiêu thì Trương Sinh lại càng đa nghi, độc đoán bấy nhiêu, thậm chí hắn còn không nghe cả lời giải thích, tiếng kêu oan thảm thiết của vợ mình.
Thứ hai, câu nói của đứa trẻ như một câu đố mẹo thách thức trí tuệ và sự kiên nhẫn của Trương Sinh, nhưng đáng tiếc, nó không được giải quyết ngay tức khắc mà dẫn đến một hậu quả vô cùng nghiêm trọng, cái chết bằng cách trẫm mình xuống sông để minh oan cho sự trong sạch của Vũ Nương.
Thứ ba, cũng trong tình huống ấy, khi cậu bé chỉ vào cái bóng trên tường và bảo đó là cha Đản cũng là lúc Trương Sinh hiểu ra mọi chuyện thì đã quá muộn rồi. Dù dằn vặt, đau khổ, vẫn không thể vẹn nguyên lại như ban đầu được. Như vậy, trong câu nói hàm chứa một sức mạnh lớn đẩy mọi chuyện lên cao trào, khi mở nút thì mọi chuyện không thể cứu vãn được nữa.
Thứ tư, thông qua tình huống truyện, tư tưởng của tác phẩm được thể hiện rõ nét, đó là sự tố cáo xã hội đầy rẫy những bất công, khi mà người phụ nữ chịu nhiều nỗi oan khuất không nói nên lời, những câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản, thậm chí chỉ là một câu nói vu vơ, ngây thơ của đứa trẻ cũng có thể trở thành một câu chuyện nguy hại. Đồng thời nói lên tiếng nói thương cảm và ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, hết mực yêu thương chồng con, để bảo vệ danh dự sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của chính mình.
Tình huống truyện tuy khá đơn giản nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, cho thấy tài năng trong cách kể chuyện của Nguyễn Dữ.