“Biển trời của chúng ta, đảo gọi ngàn tiếng ca
Từng ngày con sóng vỗ, một màu xanh bao la
Biển trời biết mấy yêu thương, đảo là gấm vóc quê hương
Ngàn năm cha ông mở cõi, giờ đây ta quyết giữ gìn”
Đây chính là những lời ca trong bài hát “Biển đảo quê hương”, đúng như bài hát nói, biển trời, đảo chính là gấm vóc quê hương. Cha ông ta đã dựng xây, mở mang bờ cõi, và nhiệm vụ của thế hệ chúng ta chính là giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo cho dân tộc.
Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Việt Nam có một không gian biển rộng lớn, không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho các thế hệ người Việt mà còn là nơi hình thành nên các cơ tầng văn hóa Việt và cũng là nơi lưu giữ các trầm tích văn hóa Việt tự bao đời nay.
Biển đảo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển dân tộc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành nền văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với lân bang và xác lập chủ quyền và an ninh biển quốc gia. Biển đảo là nhà của rất nhiều ngư dân, những người phải đi mây về gió, chống chọi với bão tố. Đây cũng là nguồn lợi du lịch của những thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu… Với một hệ sinh thái biển đặc sắc, Việt Nam tự hào là một điểm đến kỳ thú đối với bạn bè năm châu.
Thế nhưng, hiện nay, biển đảo đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tiên là từ vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Các số liệu thống kê cho thấy, hàng năm có khoảng 70% chất thải đổ ra biển có nguồn gốc từ đất liền khi các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện, thuốc bảo vệ thực vật…. mà lượng lớn chất thải này chưa được xử lý, thông qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, trăm sông đổ về biển hoặc xả trực tiếp ra biển, mang theo một lượng lớn các chất bồi lắng, nhựa, hóa chất, kim loại, cặn dầu, thậm chí cả những chất phóng xạ. Tiếp theo là do ý thức của người dân khi đi tắm biển, đi tham quan, họ vô tư vứt rác, vứt chai nhựa xuống biển mà không quan tâm đến hệ sinh thái. Ngoài ra, vấn đề nghiêm trọng hơn cả đó là sự mất an ninh của biển đảo, sự đe dọa của các nước đến vấn đề chủ quyền. Ngoài kia, những người chiến sĩ hải quân nơi hải đảo xa xôi đang ngày đêm bảo vệ độc lập chủ quyền cho đất nước, cho giấc ngủ của chúng ta.
Để có thể giữ gìn, bảo vệ biển đảo cho đất nước, em nghĩ cá nhân mỗi học sinh cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức về biển đảo, cập nhật tình hình thời sự về vấn đề môi trường, an ninh chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tích cực học tập kiến thức quốc phòng, an ninh, sẵn sàng nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quốc phòng; Tích cực tham gia các phong trào của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phong trào mùa hè xanh, phong trào thanh niên tình nguyện hướng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Nhà trường nên tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, thông qua đó giáo dục các bạn học sinh về tình yêu quê hương, đất nước.
Mỗi cá nhân là một cánh tay góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Tình yêu quê hương không phải thứ để ép buộc, mà là tình cảm của mỗi người trong quá trình trưởng thành, phát triển. Như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết:
“Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”