Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết một câu chuyện cho cuộc thi nhìn lại quá khứ

1 trả lời
Hỏi chi tiết
1.242
2
0
Anh Đỗ
04/11/2019 20:30:31
  • Cháu phải 30 tuổi mới lấy vợ cơ, bà phải sống đến lúc cháu lấy vợ nhé!
  • Có chứ, ông không sống được đến lúc cháu lấy vợ thì bà phải sống chứ.

———-
Thói quen gọi điện cho bà đã hình thành trong cậu từ bao giờ không biết nữa. Chỉ biết tuần nào cũng vậy, cậu phải nhấc máy gọi điện cho bà ít nhất một lần. Thậm chí sợ quên, cậu còn nhờ cô bạn gái cứ cuối tuần là nhắc cậu gọi điện cho bà.
  • Anh có cảm thấy tiếc điều gì trong quá khứ không?
Cô bạn gái bất chợt quay sang hỏi.
  • Sao tự yên em lại hỏi thế?
  • Em muốn hỏi thôi, anh trả lời đi.
  • Anh không, đối với anh quá khứ chỉ để nhìn lại thôi.
Đó là câu trả lời cậu đã định sẵn trong tâm trí mỗi lần có người hỏi về quá khứ, ‘có muốn trở về quá khứ không?, ‘có muốn thay đổi điều gì trong quá khứ không?’… Thật tâm cậu vẫn luôn cho rằng mọi việc xảy ra trong quá khứ đều có lý do của nó. Hiện tại là kết quả của những lựa chọn của bản thân mỗi người. Dù đúng, dù sai, mọi thứ vẫn đang trôi theo đúng dòng chảy của nó. Nếu cho cậu được quyền lựa chọn quay trở về và sống lại những tháng ngày trong quá khứ, cậu sẽ không chần chừ đưa ra câu trả lời ‘không’. Cậu sẽ không đánh đổi cuộc sống hiện tại với những mối quan hệ, những tình cảm đang có lấy bất kỳ khoảnh khắc nào cả. Không phải vì mọi thứ ở hiện tại đối với cậu đã là quá hoàn hảo, mà cậu không dám quên những gì đã xảy ra trong quá khứ, có những việc xảy ra cậu không muốn phải chứng kiến lại một lần nào nữa, cũng có những khoảnh khắc cậu không muốn thay đổi khác đi.
Nhưng câu hỏi của cô người yêu lần này lại khiến cho cậu vấn vương nhiều. Có thật là cậu không cảm thấy tiếc bất cứ điều gì trong quá khứ? Có phải đối với cậu quá khứ chỉ để nhìn lại?
———-
Đối với một thằng con trai 24 tuổi như cậu bây giờ, có lẽ còn quá sớm để nhắc đến việc nhìn lại quá khứ. Thông thường với đám thanh niên trạc tuổi cậu, khi được hỏi ‘nếu được, cậu muốn thay đổi điều gì trong quá khứ?’, hẳn là việc đầu tiên vụt qua tâm trí sẽ là một mối tình không thành nào đó. Đối với cậu, việc khiến tâm trí cậu day dứt không phải là một bóng hồng nào cả, người duy nhất khiến cậu cảm thấy đau đáu trong lòng là ông nội cậu.
Mọi người trong gia đình đều bảo cậu là thằng cháu giống ông nội nhất, cũng là thằng cháu mà ông nội quý nhất. Cũng phải thôi, cậu là thằng cháu duy nhất gắn bó với ông nội 10 năm tuổi thơ mà. Nghe các bác, các cô trong nhà kể thì ông nội là người cả đời sống vất vả vì con, vì cháu. Đối với các con thì ông cực kỳ nghiêm khắc nhưng đối với các cháu thì ông lại hết mực chiều chuộng. Thật vậy, có lần cậu nghe mẹ kể hồi bé bố với các bác, các cô bị ông nội đánh đòn nhiều lắm. Bác đi đánh nhau trong làng về ông đánh, bố mang gạo đi đánh bạc ông đánh, có cô út mỗi lần đánh ông phải cầm chổi đuổi khắp sân vì cô vừa chạy vừa khóc ăn vạ. Đối với các cháu, nó chưa thấy ông đánh hay quát mắng các cháu gay gắt bao giờ cả. Các cháu theo bố mẹ lên thành phố ở, hè nào ông cũng mong các cháu về chơi. Sợ các cháu buồn ông còn thuê cả dàn máy tính về nhà cho các cháu ở nhà chơi không trốn ra quán đánh điện tử nữa. Các cháu trong nhà ai cũng quý ông nội, nhưng chắc hẳn cậu là đứa có nhiều kỉ niệm với ông nội nhất.
Mười năm sống với ông bà ở quê đến giờ, cậu vẫn nhớ những câu chuyện ông kể. Trong các câu chuyện ông từng kể, cậu thích nhất những câu chuyện về làng thời chiến: Kị bị bọn Pháp treo cổ ở núi Thung vì theo cách mạng như nào, 72 người dân trong làng bị chúng nó dồn vào hang núi thiêu sống như nào… Rồi cậu nhớ kỉ niệm về những lần ông chở cậu đi chơi trên chiếc mini Nhật:
  • Bây giờ ông cháu mình sang nhà ông ngoại cháu hay sang nhà ông Tấp nhỉ.
  • Để khi nào ông ra quán gắn cái đệm vào yên xe cháu ngồi cho êm nhé.
  • Không, ông phải chở cháu đi xem đá bóng, vừa nãy ông bảo chở cháu đi rồi mà.
  • Đèo mẹ bóng đá có gì mà xem.
  • Khôi ơi, ông làm cho cháu cái gậy Tôn Ngộ Không này.
  • Mai bà Thi về cho nhà mình con chó con đấy.
  • Thế ạ, cháu sẽ đặt tên nó là Ruếch chú chó thám tử.
  • Tối nay bố cháu về, ra giường ngoài mà ngủ với ông.
  • Học giỏi thi đỗ Đại rồi ông cho cháu cái cặp da của ông.
Nghe ông nhắc đến cái cặp da ấy có vẻ tự hào lắm. Cậu không biết cái cặp da của ông có gì đặc biệt mà ông muốn để dành cho cậu, vì hồi ấy cậu chỉ thích cặp Songoku, 7 viên ngọc rồng thôi. Rốt cục thì, cái cặp da ấy, ông đã không cho cậu được nữa rồi.
Hè năm lớp ba, bố xây được nhà trên thành phố và đón ba mẹ con lên ở cùng. Cậu còn một đứa em gái nữa, năm ấy vừa tròn một tuổi. Cuộc sống tù túng trên thành phố khiến cho cậu cảm thấy nhớ quê hơn bao giờ hết. Vì ngoài thời gian đi học còn đâu những lúc khác ở nhà, bố mẹ đi làm toàn nhốt cậu ở trong nhà, cậu không được tự do thoải mái đi chơi như hồi còn ở quê. Từ năm ấy, hè năm nào, tết năm nào cậu cũng đòi về quê chơi với ông bà. Ở quê khi ấy chỉ còn ông bà. Dần dần việc đón các cháu về quê mỗi dịp đã trở thành một thói quen, thành một cái để ông bà mong ngóng.
Sang đến năm lớp 10, cậu thi trượt vào trường chuyên. Kể từ khi ấy, cậu lao đầu vào học như một thằng mọt sách. Áp lực học hành khiến cho cậu không để ý gì đến xung quanh nữa. Dần dần, cậu cũng không mong đến mỗi dịp được về quê chơi như trước. Hè năm lớp 10, bố mẹ mua cho ông một chiếc điện thoại, cậu đem về quê cho ông. Ông năm ấy cũng gần 60 tuổi rồi. Người già thì khó tiếp cận với công nghệ, cậu hướng dẫn ông sử dụng điện thoại đến phát cáu.
  • Ông muốn gọi cho ai thì đầu tiên ấn vào nút trên cùng bên phải, xong rồi ấn phím lên xuống ở đây…
  • Từ từ để ông lấy quyển sổ ghi vào đã, đèo mẹ không chốc lại quên.
Thời gian đầu ông còn hay quên sạc pin điện thoại đến sập cả nguồn. Cô út ở Uông Bí hay về mỗi lần thấy thế lại bảo để con sạc điện thoại cho ông nhưng ông nhất quyết không cho động vào điện thoại của ông:
  • Đèo mẹ máy ông hỏng rổi, mày để yên đấy để lúc nào thằng Khôi về nó sửa cho ông.
Từ lúc ông có điện thoại cũng là lúc cậu ít về quê hơn hẳn, một phần cũng là vì áp lực học hành khiến cho cậu quên đi mọi thứ, kể cả tình cảm và nỗi nhớ mà ông nội dành cho cậu. Cậu lại là thằng ít nói và không biết quan tâm đến mọi người, mỗi lần ông gọi điện đều chỉ nói được vài câu như thế này:
  • Alo ông ạ!
  • Alo, cháu đấy hả?
  • Dạ vâng ạ.
  • Thế cháu đang học đấy hả?
  • Cháu vừa đi học về xong ạ.
  • Ừ hôm nay bố mẹ cháu về thăm ông bảo cháu đi học không về được.
  • Vâng cuối tuần nhưng cháu vẫn phải đi học thêm ông ạ.
  • Thế bao giờ cháu về, ông nhớ cháu quá…
Ông nội chưa bao giờ nhắc đến nỗi nhớ và tình cảm của bản thân. Ông cũng là con người cứng rắn, ít khi nói chuyện tình cảm. Kể từ khi cậu lên cấp ba thì ông khác, hay là sự cô đơn của tuổi già khiến cho ông khác đi. Cậu không nhận ra, đáng lẽ ra cậu phải nhận ra điều ấy ngay từ lúc đó. Nhưng lúc bấy giờ, cậu có để ý đến điều gì xung quanh ngoài việc lao đầu vào học để chứng tỏ mình sau thất bại ở kì thi tuyển vào trường chuyên. Dường như mỗi lần ông gọi cho cậu cũng chỉ để nghe giọng cậu, mỗi cuộc hội thoại với ông chỉ vỏn vẹn chưa đầy hai phút.
– A lô..Thằng Khôi đấy hả?..Cháu đang làm gì đấy?..Cố gắng học hành vào cháu nhá..Ông nhớ cháu quá..ừ thế thôi cháu nhá…
– A lô..Thằng Khôi đấy hả..Thế bao giờ cháu đươc nghỉ hè..Ừ ông nhớ cháu quá…

Ông vẫn nói rằng ông nhớ cậu lắm mỗi lần ông gọi điện. Và cậu quên mất gọi về cho ông, dù chỉ một cuộc điện thoại.
Ông bắt đầu yếu đi và mắc bệnh khó thở từ những năm cậu học cấp ba. Đến lúc cậu đi học Đại học rồi, ông yếu hẳn. Cô bác và bố mẹ cậu đưa ông đi khám, thuốc thang chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tuổi già thì không ai chữa được. Mỗi lần về thăm ông, cậu lại thấy ông ngồi thở phì phò, nghe thương lắm. Các cô, các bác trong gia đình đều bảo ông cả đời sống vất vả vì con vì cháu, đến lúc các con làm ra tiền rồi ông lại đổ bệnh. Năm ấy cậu đi học Đại học, ông cũng ít gọi cho cậu hẳn. Cậu không nhận ra được điều ấy, vì cậu vốn là một thằng ít quan tâm đến mọi người, và cậu cũng đang mải mê với cuộc sống mới, với những mối quan hệ mới trên Hà Nội nữa.
28 tết năm ấy, cả gia đình cậu đang trên xe về quê thì nhận được điện từ bác Tuấn báo ông khó thở nên đã đưa ông lên viện Thụy Điển gấp. Bác sĩ bảo phải để ông ở viện theo dõi. Thế là năm ấy ông phải ăn tết trên viện. Từ 28 đến mùng 5 tết, mấy đứa cháu thay nhau ở với ông trên viện. Cậu ở với ông từ mùng 1 đến mùng 5. Cậu cảm thấy tiếc vì phải ăn tết ở trên viện. Nhưng sau tết năm ấy, có một điều làm cho cậu cảm thất tiếc hơn. Không phải tiếc, mà là hối tiếc mãi về sau này. Cậu chẳng thể ngờ được, cậu còn có nhiều cái tết nữa để sum họp cùng gia đình, tụ tập cùng bạn bè. Còn đối với ông nội, đó lại là cái tết cuối cùng của ông, mà ông lại phải nằm viện. Khi ấy, cậu chưa đủ trưởng thành để có thể đặt mình vào hoàn cảnh của ông, để có thể thể hiện được sự quan tâm của người cháu đối với ông nội của mình.
Bệnh khó thở của ông nội lúc đó, mãi về sau cậu mới biết là ông mệt lắm, nhưng ông không biểu hiện ra bên ngoài được. Mọi người đến thăm ông vẫn ngồi dậy nói chuyện bình thường, thậm chí ông vẫn nói to như mọi khi chứ không có vẻ gì thều thào của một người ốm cả. Vốn là một thằng khinh thường mọi loại bệnh tật, thuốc thang, cậu nghĩ ông chỉ suy nghĩ và lo quá thôi. Tết năm ấy cậu ở với ông, nhưng không giống như một người cháu chăm ông lúc bệnh nữa. Cậu mang cả laptop lên bệnh viện để chơi điện tử cho qua những ngày tết buồn chán trên viện. Hôm nào cậu cũng chơi đến khuya, sáng hôm sau bác sĩ vào khám thường nhật cho ông, cậu vẫn nằm kềnh ở giường người nhà.
  • Sáng rồi người nhà sao lại nằm thế kia, dậy đi chứ.
Ông thì vẫn quan tâm và bao che cho cậu
  • Cháu tôi đấy, nó học đại học, tối qua cháu nó thức học bài muộn đấy bác sĩ ạ.
Nhiều lúc ông thấy cậu ngồi chơi điện tử nhiều quá, lại đúng lúc tivi chiếu bản tin về nạn nghiện game của giới trẻ hồi bấy giờ, ông lại lo lắng hỏi:
  • Cháu ở trên Hà Nội có chơi điện tử nhiều thế không.
  • Cháu không, ở đây chán quá không có gì làm nên cháu chơi chứ không biết làm gì.
  • Thế à, ừ, thế thì được.
Lúc bấy giờ hai ông cháu bằng cân nhau, đều 45kg gì đó. Cả nhà bảo cậu giống ông cũng ở cái hao hao gầy nữa. Mấy hôm ông nằm việc, bà Thi ở gần nhà đều nấu cơm mang cho hai ông cháu. Ông đã ăn ít rồi. Mỗi bữa cậu cũng chỉ ăn bát cơm cùng với ăn vã hộp thịt chua bác Hằng mua từ Việt Trì về. Ở trên viện mấy hôm chán quá, cậu chỉ mong bác sĩ khám cho ông khỏe để cậu được về nhà. Đến mùng 5 bố mẹ lên viện thăm ông và đưa ông về nhà, cậu mừng lắm, đâu biết rằng đó là lần cuối cùng cậu được gặp ông.
Ra tết, cậu lại xách ba lô lên Hà Nội tiếp tục với cuộc sống sinh viên.
Ra tết, ông yếu hơn trước nhiều. Bố mẹ đưa ông lên Viện K ở gần nhà trên Hạ Long để chữa bệnh. Suốt quãng thời gian ấy, cậu ở trên Hà Nội không biết ông thăm khám như nào, chỉ biết qua mỗi lần mẹ gọi điện lên:
  • Khôi à, bố mẹ với các bác đưa ông lên Viện K gần nhà rồi con ạ, thấy ông có vẻ khó thở lắm. Con bận học thì không phải về đâu, có gì bố mẹ gọi cho nhé.
Cậu vẫn mải mê với cuộc sống riêng của mình, vẫn chủ quan mà quên mất gọi về hỏi thăm ông dù chỉ một cuộc điện thoại. Cậu chưa đủ trưởng thành và chưa đủ quan tâm để biết lo lắng, để biết đặt ra những câu hỏi, để biết mình phải làm gì. Nếu như ông chẳng còn mấy thời gian nữa thì sao? Nếu như cậu không còn được gặp lại ông nữa? Một tháng kể từ sau ngày bố mẹ đưa ông lên viện, cậu không biết rằng ông đã yếu đi rất nhiều. Bố mẹ và các cô, các bác phải thay nhau ở viện chăm ông. Lúc ấy ông không tự ăn, tự vệ sinh cá nhân được nữa. Ngày cuối cùng ở viện, ông nằng nặc đòi về nhà. Cả nhà can ông, muốn ông ở lại chữa trị nhưng không được, ông phát cáu:
  • Chúng mày ngu thế, không cho tao về để tao chết ở đường ở chợ à.
Dường như người già luôn cảm nhận được cơ thể mình, biết được khi nào là ngày cuối cùng của mình vậy. Sáng sớm buổi sau hôm đưa ông về, cậu nhận được điện thoại từ mẹ:
  • Khôi à, ông mất rồi con ạ…
Ngày ông mất, ông chỉ còn có 36 cân. Nước mắt cậu rưng rưng trên quãng đường bắt xe về nhà, nhớ về những kỷ niệm với ông.
– Khôi ơi!…Không có ai ở nhà à, đèo mẹ nắng quá ông sang bên nhà bác Ánh ngồi chờ bố mẹ cháu về mở cửa. À ông mang na với nhãn ở quê xuống đây, có ăn na không xuống ông đút qua cửa cho ăn.

– Ông ơi mẹ cháu mua cho ông cái điện thoại này.

– A lô..Thằng Khôi đấy hả..Thế bao giờ cháu đươc nghỉ hè..Ừ ông nhớ cháu quá…
– A lô..Khôi đấy hả..Ông nhớ cháu quá..Thế cháu đang học đấy hả, ừ thế thôi cháu nhá…
– Khôi đấy hả..Ông vừa nghe mẹ cháu kể cháu được thủ khoa Đại học hả, khi nào cháu về ông thưởng cho cháu một triệu…
– A lô..Khôi đấy hả..Cố gắng học vào cháu nhá. Ông dạo này yếu lắm rồi, sáng dậy toàn thở thôi…

– A lô Khôi à, bố mẹ hôm nay đưa ông xuống bệnh viện ở gần nhà bà Thịnh rồi, ông dạo này yếu mà gấy lắm, cân được còn có 36 cân thôi…
– A lô Khôi à, hôm nay bố mẹ lại đưa ông nội về rồi, ông cứ đòi về, ông yếu lắm rồi…
– A lô Khôi à, ông nội mất rồi con ạ…

– Ông Khinh ơi về mà xem cháu nội ông về thắp hương cho ông đây này…
__________
Cậu là thằng cháu mà ông nội quý nhất. Cậu cũng là thằng cháu khiến ông tự hào đi khoe với khắp làng khi là thành viên đầu tiên trong họ đỗ Đại học, lại đỗ thủ khoa. Cậu đã học hành thực sự chăm chỉ để được như vậy, đâu biết được rằng cậu đã quên đi mọi thứ xung quanh, đâu biết rằng nếu đặt bản thân mình vào tuổi già của ông, sự thờ ơ, vô tâm của cậu hẳn đã khiến ông buồn vì thằng cháu nội như thế nào. Quãng thời gian cuối đời của ông khiến cho cậu luôn cảm thấy đau đáu trong lòng. Từ khi ông nội mất đến giờ cũng được 5 năm rồi, cậu cũng đã thay đổi và trưởng thành hơn nhiều. Không còn là một con người vô tâm, thờ ơ như trước nữa. Ông mất rồi, nhà chỉ còn bà. Thời gian đầu ông mất sợ nhà lạnh, cuối tuần nào cậu cũng bắt xe từ Hà Nội về Đông Triều ở với bà hai ngày cuối tuần. Rồi Tết đến cậu hẹn về quê ăn tết với bà nữa. Cậu cũng chủ động gọi điện hỏi thăm bà và cố gắng mỗi tuần đều gọi về cho bà. Cậu nhận ra rằng, trước khi trưởng thành và biết suy nghĩ, bất kỳ ai cũng đều coi tình cảm của người thân trong gia đình là điều hiển nhiên. Cho đến khi có biến cố xảy ra và họ bỗng nhẫn ra rằng mình sẽ không thể làm gì để bù đắp lại sự thờ ơ, vô tâm đã qua nữa. Quả thực, quá khứ đối với cậu đã không còn là thứ chỉ để nhìn lại nữa. Nếu thời gian có quay trở lại, nếu như có được đặc ân được thay đổi một điều gì đó trong quá khứ, cậu sẽ chọn quay trở về quãng thời gian ở cùng ông trong viện để có thể chăm sóc được cho ông, ít nhất là trong những ngày cuối đời.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k