Trong thi ca hiện đại Việt Nam, người đưa bướm vào thơ một cách dày đặc và cấp cho bướm nhiều giá trị biểu tượng mới mẻ chính là Nguyễn Bính. Trong toàn bộ 270 bài sáng tác trước 1945, có tất cả 75 lần tín hiệu “bướm” xuất hiện. Nghĩa là cứ đọc trung bình 3,6 bài thơ của thi sĩ chân quê, ta lại bắp gặp một cánh bướm. Nhà thơ dùng 3 cách khác nhau để gọi tên cho “bướm” là: bướm, bươm bướm, điệp. Về định danh theo màu sắc có hai loại bướm cơ bản là bướm vàng (10 lần xuất hiện) và bướm trắng (cũng 10 lần xuất hiện).
Về định danh theo tính chất, có các loại bướm như: bướm xưa, bướm yêu, bướm lười, bướm xuân xanh, bướm già, bướm láng giềng, bướm giang hồ, bướm tiên, bướm non, bướm dại.Tiếp theo là những lần “bướm” xuất hiện sau động từ với tư cách là đối thể chịu tác động hoặc cùng hoạt động, bao gồm: nuôi bướm, bắt bướm, nhập vào bướm, yêu dấu bướm, rước bướm, đón rước bướm, rắc bướm lên hoa, vườn trần theo bướm, thấy bướm, mơ đuổi bướm, chim nhắc bướm, bùa mê bướm. Bướm cũng một lần xuất hiện sau động từ tồn tại: Có hai chị bướm đi chơi chợ (Bướm đi chợ). Trong những kết hợp danh từ + bướm, chúng tôi thấy có sự góp mặt của giấc bướm, lời bướm và nước bướm, xứ bướm: Giấc bướm ngại sang đò bến lạnh (Mùa đông nhớ cố nhân), Gió chuyền lời bướm xuống nhân gian (Bao nhiêu đau khổ của trần gian, trời đã dành riêng để tặng nàng), Em ạ ngày xưa vua nước bướm/Kén nhân tài mở điệp lang khoa (Truyện cổ tích), Bao nhiêu xứ bướm qua lầu/Nàng toan gieo quả kim cầu cho ai? (Lạy giời cấm cửa rừng mai)
Cuối cùng là những trường hợp bướm xuất hiện với tư cách của chủ thể hành động. Cánh bướm ở đây thêm một lần nữa được hiện lên với các sắc màu vô cùng sinh động, thể hiện sự nhân cách hoá cao độ của nhà thơ trong việc tri nhận bướm với những hành động và cảm xúc của con người: lũ bướm tưởng hoa, bướm lại sang, bướm khép cánh, bướm hãy vào đây, bướm quả quyết yêu hoa, bướm vẽ vòng, bướm hẹn về, bướm nói điêu, bướm lại ong qua, bướm cánh nghiêng nghiêng, bướm vờn hoa, bướm rũ trăm năm, bướm tha phương, bướm cưới hoa hồng, bướm có bằng lòng, bướm dậy thì, bướm đi tu, bướm chê hoa vàng, bướm chẳng chung tình, bướm dạy nàng thêu, bướm lại đưa tin, bướm ra công vẽ bùa, bướm ủ hoa…
Một trong những độc đáo của Nguyễn Bính là dùng bướm để biểu thị cho người đàn ông mà trước hết là cho chính mình: Bao giờ bến mới gặp đò/Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau(Tương tư), Thuở trước loài hoa chửa biết cười/Vô tình con bướm trắng sang chơi/“Khác nào tôi đã sang chơi đấy”/Rước bướm dừng chân. Hoa hé môi.(Hương cố nhân), Ai đem rắc bướm lên hoa/Rắc bèo xuống giếng rắc ta vào nàng(Rắc bướm lên hoa). Nhìn chung, cánh bướm trong thơ Nguyễn Bính luôn được đặt trong mối quan hệ với tình yêu, trở thành biểu tượng của tình yêu và thể hiện một nhân sinh quan về tình yêu. Trong hầu hết các lần xuất hiện, cánh bướm trong các thi phẩm của Nguyễn Bính đều mang tính bi kịch. Nếu không phải là những thân phận tàn tạ (Bướm tiên khi đã lọt vào vườn hoang, Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng) thì cũng là những tình yêu dở dang, thiếu vắng, không trọn vẹn. Trong một hồi tưởng về tình yêu thuở học trò, ta có một chuyện bướm xưa(bài Trường huyện), trong nỗi nhớ quắt quay, ta có hành động nuôi bướm làm con để nhớ người(bài Nuôi bướm), trong giấc mơ về một tình yêu, thi nhân mơ thấy hai con bướm, khép cánh tình chung ở giữa trời, trong bi kịch của một chuyện tình, nhà thơ lại nguyện cầu: Hồn trinh còn ở trần gian/Nhập vào bướm trắng mà sang bên này. Ngay chính bản thân mình, Nguyễn Bính cũng tự cho là một cánh bướm giang hồ (bài Tương tư). Và những cánh bướm cũng là sự gian dối (bướm nói điêu), sự đổi thay (Vườn trần theo bướm phấn hương bay). Tóm lại, trong thơ Nguyễn Bính, cánh bướm đồng nghĩa với sự mong manh, không vĩnh viễn.
Trong âm nhạc ca khúc Việt Nam, cánh bướm xuất hiện trong những ca khúc nổi tiếng của Trần Tiến và Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Nếu như ở bài Sao em nỡ vội lấy chồng, cánh bướm gắn với sự tiếc nuối của một thời thiếu nữ (Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi, lấy chồng sớm làm gì) thì ở Gửi gió cho mây ngàn bay, ta bắt gặp trở lại sự song hành tuyệt đẹp của hoa – bướm trong một ngợi ca về sự quyến rũ của mùa thu: Gửi gió cho mây ngàn bay/Gửi bướm đa tình về hoa/Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư về đây với thu trần gian...