“Thầy bói xem voi” là một thành ngữ cực kỳ quen thuộc, đi vào lối sống, lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nó xuất phát từ truyện ngụ ngôn cùng tên. Truyện kể về năm ông thầy bói cùng bị khiếm thị, mỗi người sờ một bộ phận của con voi rồi đưa ra kết luận hết sức buồn cười. Cuối cùng không ai chịu ai, dẫn đến đánh nhau toác đầu chảy máu. Bởi vậy thành ngữ này muốn ám chỉ và phê phán những người có cái nhìn chủ quan, phiến diện bảo thủ. Đó là những người không chịu xem xét kỹ lưỡng vấn đề mà vội vàng đưa ra kết luận sai lầm. Sờ một cái vòi, một cái đuôi hay một cái tai không thể đánh giá về tổng thể con voi to lớn như nào, hình dáng ra sao. Tương tự vậy một vụ tranh cãi, vị thẩm phán không thể chỉ nghe mỗi bên vị kiểm sát hay chỉ nghe bên luật sư để kết tội. Từ đó, câu thành ngữ nhắc nhở mỗi người luôn phải biết nhìn bao quát, toàn cảnh trên nhiều phương diện tựa như một khối vuông rubik có rất nhiều mặt, mỗi lần xoay vần lại thấy một diện mạo khác.