“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Câu thơ của Nguyễn Du là đúc kết cả đời người bươn chải, chứng kiến bao kiếp phụ nữ nhọc nhằn, truân chuyên, bất hạnh thời phong kiến bấy giờ. Chân dung những người phụ nữ vẫn ấy đi vào thơ ca tựa nỗi ám ảnh xót xa trong tim mỗi người nghệ sĩ. Đọc qua một vài các tác phẩm văn học, trái tim sắt đá nhất cũng rung cảm trước thân phận bi kịch và cả vẻ đẹp thể chất, tinh thần đáng trọng của người phụ nữ phong kiến xưa.
Trước hết, người phụ nữ trong xã hội phong kiến hiện lên qua các tác phẩm văn học đầy đủ ở hai khía cạnh vẻ đẹp thể chất và vẻ đẹp tâm hồn.
Nói tới vẻ đẹp bề ngoài, ắt hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới nhân vật chị em Thúy Vân, Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Có ai quên được bóng dáng nàng Vân, nàng Kiều thướt tha, xuân sắc, e ấp như những nụ hoa thơm:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Người phụ nữ phong kiến xưa đẹp đoan trang, đài các tựa ngọc tựa ngà, yểu điệu như mây trời, thắm thiết như lụa óng… Nét đẹp nổi bật trong bút pháp ước lệ tượng trưng của Nguyễn Du khiến cho người ta say, người ta kính.
Người phụ nữ phong kiến không chỉ là những bông hoa đẹp, họ còn tỏa hương thơm. Thúy Vân, Thúy Kiều hay nàng Tố Như của thơ Nguyễn Du đều là những người con gái tài năng rất mực.
Nhưng còn đáng quý hơn, bên cạnh vẻ đẹp thể chất và tài năng, người ta yêu cái tâm hồn của những người phụ nữ phong kiến xưa. “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương có đoạn:
“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Người phụ nữ đảm đang, trung hậu, thủy chung, son sắt. Người phụ nữ với “tấm lòng son” thơm thảo như cô Tấm, trung liệt như Thúy Kiều, vị tha như Thúy Vân… Người phụ nữ giữ mãi tấm lòng trinh bạch, dù có rơi vào bể khổ thế nào họ vẫn không biến chất.
Song song vẻ đẹp người phụ nữ lại chính là thân phận của họ. Buồn thay! Thân phận người phụ nữ gắn liền với sắc vóc và tâm hồn ấy lại chịu số kiếp chảy trôi theo quy luật “hồng nhan bạc mệnh”. Người ta cứ ngỡ Thúy Vân với nét đẹp và tấm lòng phúc hậu kia sẽ được hạnh phúc. Nhưng nào ai thấu! Thúy Vân cũng là kẻ trong cảnh gia đình li tán, phải gánh “mối duyên thừa” của Thúy Kiều, đến cuối đời dứt lòng trả “tình yêu” và Kim Trọng cho chị. Thúy Vân nào có hạnh phúc? Nghe chuyện “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, thoạt đầu ta còn tưởng Vũ Nương sẽ hạnh phúc với gia đình chồng giàu sang, chồng yêu, mẹ chồng quý, con cái ngoan ngoãn. Rốt cục, nàng vẫn phải tự oán “kẻ mệnh bạc này duyên phận hẩm hiu” rồi gieo mình tự vẫn trong uất ức. Người ta vui vì nàng được giải oan ở cuối chuyện. Nhưng, điều đó có nghĩa lí gì khi sự thật rằng nàng đã chết! Nguyễn Dữ không thể để Vũ Nương “sống lại”, vì nó làm sai trái đi hiện thực cuộc sống phũ phàng. Nguyễn Dữ chỉ có thể gửi lại sau màn khói hương mờ đàn tế hồn oan Vũ Nương một thông điệp: người phụ nữ cần được nâng niu và trân trọng.
Tóm lại, hình ảnh người phụ nữ phong kiến được soi chiếu qua các tác phẩm văn học không chỉ hội tụ tại vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn mà còn là thân phận bèo bọt, đầy rẫy bi kịch dưới chế độ bạo tàn, bất công. Mỗi khi đọc thêm một tác phẩm văn học mới, tôi lại yêu và trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam hơn.