Nam Cao được biết đến là một trong những cây bút sáng tác xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930-1945. Các tác phẩm của ông đều để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc thông qua các nhân vật, khung cảnh hiện thực của cuộc sống. Đặc biệt, tác phẩm truyện ngắn Lão Hạc đã thể hiện cái nhìn nhân đạo, sâu xa của Nam cao , đồng thời làm toát lên những vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân Việt Nam xưa
Lão Hạc được Nam Cao gửi đến với người độc bằng hình ảnh của một ông lão gầy còm, ốm yếu, sống trong một hoàn cảnh sống nghèo đói, cực khổ. Ấy nhưng, trong những bộn bề, thối rữa của hoàn cảnh xã hội, ở lão vẫn toát lên những vẻ đẹp hiền lành, chất phác và đáng quý của những người nông dân Việt Nam. Vợ lão mất sớm, để lại cho lão một tay nuôi nấng đứa con trai duy nhất. Sau biết bao trăn trở, khó khăn vì lão chẳng thể làm tròn nghĩa vụ của một người cha, lo cho con trai lão một đám cưới trọn vẹn. Vì thế, con trai lão phẫn chí đăng ký đi làm ở đồn điền cao su, để lại lão một mình với “ cậu Vàng”. Dù nghèo khổ nhưng lão vẫn quyết tâm giữ lại mảnh vườn cho con trai lão. Hằng ngày, lão tìm củ chuối, củ dáy ăn qua bữa, nhưng lão vẫn giữ vững ý chí không thể bán mảnh vườn ấy. Vì đó là tương lai , là hạnh phúc là niềm hi vọng duy nhất cho con trai lão có thể có một nơi xây dựng cuộc sống. Tuy nghèo, tuy đói, nhưng lão chẳng bao giờ ngửa tay xin ai một đồng hào. Lão vẫn giữ vững những phẩm chất “ đói cho sạch, rách cho thơm” mà biết bao thế hệ con người Việt Nam vẫn gìn giữ.
Không chỉ thế, lão còn là một người với tấm lòng nhân hậu vô cùng sâu lớn. Cuộc sống của lão chỉ quẩn quanh với bờ ao , hàng rậu, ngày ăn không đủ bữa nhưng ông vẫn luôn dành sự quan tâm, chăm sóc rất lớn cho cậu vàng. À, cậu vàng của lão chỉ là một chú chó, thế nhưng đó là cả thế giới của Lão. Lão chắm sóc nó hết sức chu đáo, cho nó ăn cơm trong bát như một nhà giàu. Lão xem nó như đứa con thứ hai, là chỗ dựa, niềm vui của lão. Thế mà, cái nghèo đói, bức thiết của xã hội đã dồn lão vào con đường không lối thoát. Cái ngày lão phải bán con chó đi đã khiến cho đôi mắt lão “ ầng ậc nước”. Lão cảm thấy mình như một kẻ lừa dối khi bán đi cậu Vàng. Nhưng biết làm sao đây, khi cuộc sống không cho phép ông có đủ sức để gắng gượng, nuôi giữ nó. Nhìn bộ dạng lão khi bán cậu vàng đi mà thương, xót xa biết bao nhiêu “ những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão hu hu khóc”. Tiếng khóc vỡ òa bởi những cảm xúc xót xa, nghẹn chát, bủa vây trong lòng ông là những sự than trách, dằn vặt bởi ông phải bán đi người bạn “ đời” tri kỉ của mình vì miếng cơm manh áo.
Tuy ông phải bán đi cậu vàng, nhưng ông vẫn là một người biết sống vì tình nghĩa và giàu lòng tự trọng. Ông mang hết những tâm tư, tình cảm, niềm tin gửi cho ông giáo, bởi ông tin người có nhiều chữ, có văn hay chữ tốt ắt phải là những người đáng tin tưởng. Mỗi khi ông giáo có ý muốn giúp đỡ, ông lại gạt phắt đi. Ông có cái tôi, lòng tự trọng của bản thân. Ông biết, cuộc đời của ông thì ông cần phải tự biết lo lắng, sắp xếp chứ không thể sống dựa dẫm, mong chờ phải lòng thương cảm của người khác.
Và rồi , cái kết đắng nhất của câu chuyện đó chính là Lão hạc chết, ông chết trong đau đớn nhưng đó dường như là một lối thoát duy nhất mà lão có thể tìm đến. Cái chết của lão khiến người đọc phải lặng đi, suy nghĩ về một kiếp người trong vô vàn những cuộc sống khác tại sao lão phải lựa chọn một cái chết đau đớn đến vậy. Lão tìm đến bả chó để chấm dứt những khổ đau, dằn vặt mà lão đã gây nên cho cậu vàng, cho con trai lão. Nhưng, sâu xa trong cái việc lão đi xin bả chó để tự tử ấy là vì lão không muốn đụng đến số tiền mà ông đã dành dụm cho con trai lão. Lão thà chết, chứ không thể để con trai lão trắng tay. Ông chết đi, nhưng ông hạnh phúc vì đã giữ trọn vẹn được mảnh đất cho con trai mình. Cái chết ấy đã chứng minh được đạo lý làm người mà ông đã gây dựng và gìn giữ biết bao năm tháng “ chết vinh còn hơn sống nhục”. Ông- một người nông dân nghèo, nhưng cái chí, cái tình của ông chẳng hề thấp hèn. Ông biết cách sống trong tư thế ngẩng cao đầu chứ không hề luồn cúi, van xin như những kẻ đang muốn sống “ ăn trắng mặc trơn”, ông không vì những món lợi vật chất, vì miếng ăn miếng mặc mà ích kỷ giữ của cải cho riêng bản thân mình.
Nam Cao đã viết nên một hình tượng Lão Hạc thực sự vô cùng xuất chúng. Ông thổi vào nhân vật Lão Hạc những suy nghĩ, cảm xúc vô cùng dung dị, chân thật nhưng lại lay động biết bao dòng cảm xúc của người đọc. Qua nhân vật ấy, ta cũng nhận ra được những bài học làm người và cách sống sao cho đẹp , “ bùn lầy mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.