Trong lịch sử Việt Nam, Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất " Đất địa linh kiệt", nơi sinh ra nhiều danh nhân của đất nước, trong đó tiêu biểu, sáng chói nhất là Chí sĩ Phan Châu Trinh, người mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Đặc biệt trong ba chí sĩ sáng lập phong trào Duy tân, thì đã có hai người quê ở Tiên Phước là Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng. Phan Châu Trinh, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại một làng quê nghèo vùng trung du - làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông; năm 1920 khi tách Hà Đông thành lập huyện thì nhập vào Tiên Phước (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, Quảng Nam)dấu ngoặc đơn, quê mẹ là làng Phú Lâm, huyện Tiên Phước và ông là anh em cô cậu ruột với chí sĩ Lê Cơ. Phan Châu Trinh vốn có tư chất thông minh, cần cù, hiếu học; sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến loạn, tuổi thơ ông trải qua nhiều gian nan cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc: Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, năm 1861 chiếm Nam Kỳ, năm 1873 chiếm Bắc Kỳ và năm 1885 chiếm kinh thành Huế, nước Việt Nam trở thành nước bị đô hộ, nhân dân Việt Nam trở thành người nô lệ. Trước cảnh đau thương ấy, phong trào Cần Vương bùng nổ, tại quê hương Quảng Nam, Nghĩa hội Quảng Nam là một trong những tổ chức hoạt động chống Pháp nổi tiếng mà cha ông là Phan Văn Bình đã tham gia, giữ chức vụ Quản cơ sơn phòng. Hòa mình với khí thế hừng hực đánh giặc, Phan Châu Trinh theo học võ nghệ với nghĩa quân, đến năm 1887, cha mất, phong trào Nghĩa hội bị dàn áp trong biển máu, Phan Châu Trinh về quê đi học lại. Năm 1892, Phan Châu Trinh kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khi ông theo học với thầy Mã Sơn - Trần Đình Phong, một nhà giáo có đức độ, chí khí, tận tâm đào tạo nhân tài cho Quảng Nam để sau này có điều kiện giúp dân, cứu nước. Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ Phó bảng nhưng phải về nhà vì đám tang anh ruột và ông ở lại dạy học.