Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Trong những sáng tác của Người thì em thích nhất chính là thơ Cảnh Khuya.
Bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra và Người đang ở chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, vừa cô đọng, hàm súc lại vừa gần gũi với mọi người. Ngay nhan đề Cảnh Khuya đã nói lên khoảng thời gian mà Bác Hồ viết bài thơ này chính là vào lúc đêm khuya.
Hai câu thơ đầu là bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”
Mở đầu bài thơ không phải là những cảm nhận về cảnh vật mà là âm thanh núi rừng. Đó là âm thanh của tiếng suối. Dường như trong đêm khuya thanh vắng thì âm thanh của tiếng suối lại càng trở nên rõ ràng hơn. Bác lắng nghe và cảm nhận được nó giống như tiếng hát từ đâu đó ở đằng xa vọng lại. Âm thanh của tự nhiên trong trẻo và tươi đẹp biết nhường nào khiến cho nhân vật trữ tình không khỏi thao thức. Đến câu thơ thứ hai người đọc mới cảm nhận được sau sắc cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng. Trong thơ của Người thì hình ảnh ánh trăng luôn thường trực. Nhà thơ có sự chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác để phác họa cảnh đẹp của đêm trăng. Chỉ một câu thơ với bảy chữ nhưng người đọc có thể mường tượng ra được cả khung cảnh của một đêm trăng. Ở đó có ánh trăng rọi sáng, có bóng cây cổ thụ và hoa. Một câu thơ khiến cho người đọc có nhiều cách liên tưởng. Chúng ta có thể tưởng tượng đến cảnh mà ánh trăng rọi xuống những cây cổ thụ và ánh sáng xuyên qua những tán lá chiếu lên những khóm hoa nở trong đêm tối. Cũng có thể những bông hoa ấy chỉ là những bông hoa kết từ ánh sáng của vầng trăng chiếu rọi trên mặt đất. Qua đó có thể thấy sức gợi tả của câu thơ.
Đến hai câu thơ cuối chính là những vần thơ nói về tâm trạng của nhân vật trữ tình hay chính là Bác Hồ trong lúc bấy giờ:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”
Điệp từ chưa ngủ đã nhấn mạnh tình cảnh cũng như tâm trạng của nhân vật trữ tình lúc bấy giờ. Giữa lúc đêm khuya nhưng Người lại thao thức, không ngủ được. Có lẽ do cảnh đẹp nơi núi rừng Việt Bắc quá choáng ngợp khiến cho Bác không thể nào ngủ được mà phải nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp ấy. Con người dường như hòa nhập vào cảnh vật đẹp như tranh vẽ ấy tạo nên sự hài hòa. Tuy nhiên đến câu cuối người đọc mới vỡ lẽ, Người còn thức giờ này không phải chỉ do cảnh quá đẹp mà còn vì “Nỗi lo nước nhà”. Một người luôn luôn vì dân, vì nước, luôn trăn trở cho vận mệnh của đất nước không lý nào chỉ thao thức vì cảnh đẹp ngay trong thời điểm cam go của cuộc chiến đấu. Đất nước còn đang chịu ách đô hộ, nhân dân còn lầm than, khổ cực. Chính vì vậy nỗi lo lắng cho dân tộc luôn thường trực và khiến Người không ngủ được. Tóm lại, bằng ngôn từ giản dị nhưng lại giàu tính biểu tượng kết hợp với nghệ thuật tả cảnh khiến cho chúng ta như được tận mắt chứng kiến cảnh đẹp của núi rừng Việt Bắc trong một đêm khuya. Qua đó cũng bộc lộ tài năng văn chương cũng như tấm lòng của Hồ chủ tịch.
Qua bài thơ Cảnh Khuya ta thấy được tình yêu thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó còn thấy được tấm lòng vì dân, vì nước của Người.