kể tấm gương văn học thời trần
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra dưới thời Trần, sử sách đã trân trọng ghi chép tên tuổi lừng lẫy của nhiều vị danh tướng. Nhưng, cũng trong ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, bên cạnh các vị danh tướng và gắn bó chặt chẽ với các vị danh tướng còn có hàng loạt những tấm gương anh hùng tiết tháo. Họ chưa bao giờ là tướng, nhưng chính họ cũng lập được không ít kỳ công, làm rạng rỡ truyền thống ngoan cường và bất khuất của cả dân tộc. Tên tuổi của họ sống mãi trong ký ức bất diệt của nhân dân.
YẾT KIÊU VÀ DÃ TƯỢNG
Nguyên nghĩa, Yết Kiêu là chó ngắn mõm, Dã Tượng là voi rừng. Nhưng, đây lại là tên người. Cả hai đều là gia nô và với thân phận đó, việc họ phải mang những cái tên như đã kể trên cũng là điều dễ hiểu. Khi vận nước lâm nguy, từ dưới đáy của xã hội, họ đã hiên ngang ra trận với dũng khí bừng bừng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ, quyển 5, tờ 45-a) đã viết về Yết Kiêu và Dã Tượng như sau:
“Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) có người gia nô là Yết Kiêu và Dã Tượng, từng được đối đãi rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (tên một địa điểm ở sông Lục Nam - NKT ), còn Dã Tượng thì đi theo hầu (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Đến lúc quan quân thua trận, thủy quân tan cả (Đây chỉ những trận đánh đầy khó khăn của quân đội nhà Trần trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285). (Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) định theo đường núi để rút lui. Dã Tượng liền nói:
- Yết Kiêu mà chưa thấy Đại Vương thì nhất định không chịu dời thuyền.
(Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) liền trở lại Bãi Tân thì chỉ thấy còn mỗi mình Yết Kiêu cắm thuyền chờ ở đó. (Hưng Đạo) Vương (Trần Quốc Tuấn) vui mừng mà nói rằng:
- Ôi! Chim Hồng, chim Hộc sở dĩ có thể bay cao, bay xa là nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu như không có sáu trụ xương cánh ấy thì chim Hồng, chim Hộc cũng chỉ như chim thường thôi.
Nói xong, bèn hạ lệnh cho chèo thuyền đi, kỵ binh giặc đuổi theo mà không kịp”.
Yết Kiêu và Dã Tượng đã nêu một tấm gương sáng ngời về lòng trung thành đối với chủ, về dũng khí của người lính và về ý thức kỷ luật chiến đấu rất cao. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đánh giá rất đúng về vai trò của họ. Những danh tướng như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sở dĩ có thể ví được với chim Hồng, chim Hộc, bởi vì chính những người như Yết Kiêu, như Dã Tượng, thực sự là chỗ dựa tin cậy, là “sáu trụ xương cánh” của chim Hồng, chim Hộc đó thôi!
NGUYỄN ĐỊA LÔ
Tuy cũng đều là gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhưng khác với Yết Kiêu và Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô có tên họ đầy đủ hơn. Năm 1285, khi đạo quân của Toa Đô vừa từ Chiếm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện (Con của Tĩnh Vương Trần Quốc Khang, tức là anh em con chú con bác với vua Trần Nhân Tông) đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng. Sự kiện này đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn.
Toa Đô lập tức sai người dẫn Trần Kiện về Yên Kinh (Trung Quốc ). Nhưng khi bọn Trần Kiện vừa đến biên giới phía Bắc, các đội dân binh ở đây, dưới sự chỉ huy của một số thủ lĩnh kiệt xuất như Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh đã đón đánh cho tơi bời. Gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Nguyễn Địa Lô cũng có mặt trong cuộc tập kích này. Và chính Nguyễn Địa Lô đã bắn chết Trần Kiện.
HÀ BỔNG, HÀ ĐẶC VÀ HÀ CHƯƠNG
Hà Bổng, Hà Đặc và Hà Chương đều là thủ lĩnh của các đội dân binh ở vùng Việt Bắc ngày nay. Hà Bổng nguyên là chu trại Quy Hóa (mạn phía Bắc của Phú Thọ ngày nay). Năm 1258, Uriangkhadai đem quân sang cướp nước ta. Giặc bị ta đánh cho tơi bời ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay) nên đã tháo chạy tán loạn. Khi chúng chạy qua vùng Quy Hóa, lập tức bị Hà Bổng đem đội dân binh của mình ra đánh quyết liệt. Giặc đã hốt hoảng lại càng thêm hốt hoảng, chúng chạy thục mạng, không dám cướp lương ăn, vì thế, bị nhân dân đương thời mỉa mai gọi là “giặc Phật”. Sau chiến thắng, Hà Bổng được phong tới tước Hầu.
Hà Đặc và Hà Chương là hai anh em. Năm 1285, khi quân Nguyên thua trận phải tháo chạy, hai ông đã đem đội dân binh của mình ở huyện Phù Ninh ra đánh quyết liệt. Hà Đặc chẳng may bị trúng tên mà mất, em ông là Hà Chương không chút nản chí, vẫn tiếp tục chỉ huy dân binh đánh giặc đến cùng. Ông bị giặc bắt, nhưng nhân lúc giặc canh gác sơ hở, ông đã trốn thoát được, đã thế, còn lấy được không ít quân trang của chúng, ông dùng quân trang đó cho quân sĩ của mình, khiến giặc bị bất ngờ nên đã bị đánh rất đau.
CÔNG CHÚA AN TƯ
Công chúa An Tư là con út của Trần Thái Tông, em út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Năm 1285, quân Nguyên tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai, vận nước bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Giặc có quân số áp đảo, lại đã tạo được thế tấn công từ hai phía Nam và Bắc, nên rất hung hăng.
Khi Trần Kiện bỏ đi đầu hàng, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn nữa. Bấy giờ, vua Trần Nhân Tông và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã có hai quyết định rất đặc biệt. Một là cử sứ giả đến doanh trại của Ô Mã Nhi để dò xét thực lực cụ thể của giặc và hai là tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát Hoan. Việc đi dò xét thực lực cụ thể của Ô Mã Nhi được trao phó cho Đỗ Khắc Chung, còn việc tìm cách hạn chế bớt sự hung hăng của chủ tướng giặc là Thoát Hoan thì được trao phó cho Công Chúa An Tư.
Tháng 2 năm 1285, Công chúa An Tư được vua Trần sai người mang đến cho Thoát Hoan. Công Chúa An Tư ra đi với nhiệm vụ kết hợp giữa do thám tình hình với việc làm sao cho Thoát Hoan say đắm, để rồi sao lãng bớt việc đánh phá ta. Sử cũ chép rằng:
“Sai người đem Công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông đến cho Thoát Hoan là muốn làm thư giãn nạn nước vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 47-a).
Thoát Hoan là một tên cáo già, không có gì có thể làm cho hắn mê muội được, nhưng việc Công Chúa An Tư dám vì nước mà ra đi, quả là đáng cho đời đời trân trọng. Trong chiến tranh, có những người đánh giặc bằng đại dũng, có những người đánh giặc bằng đại trí, có những người đánh giặc bằng đại nghĩa, nhưng cũng có những người đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của mình. Công chúa An Tư quả là đã đánh giặc bằng tấm thân ngàn vàng của chính mình vậy
Sau, tung tích của Công Chúa An Tư không rõ ra sao.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |