Nông Quốc Chấn là nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, người dân tộc Tày ở Bắc Cạn. Từ một ông giáo hiền lành, sớm được giác ngộ cách mạng, được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh, ông trở thành một cán bộ trung kiên, một nhà hoạt động văn hóa, một nhà thơ xuất sắc của Đảng và dân tộc.
Bài thơ "Dọn về làng" được sáng tác trong chiến dịch Biên giới thu – đông 1950, là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nông Quốc Chấn. Nguyên tác bằng tiếng Tày, sau đó được tác giả dịch ra tiếng phổ thông theo thể thơ tự do. Năm 1951, tại Đại hội liên hoan học sinh sinh viên thế giới tại Béc-lin, bài thơ đã được tặng giải Nhì, đã được dịch sang tiếng Pháp, giới thiệu trên Tạp chí Châu Âu.
Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tương phản giữa quá khứ đau thương với niềm vui chiến thắng và giải phóng để ca ngợi sự hồi sinh, sự vươn dậy của quê hương và của đồng bào các dân tộc Cao-Bắc-Lạng.
Mở đầu bài thơ "Dọn về làng" là tiếng gọi mẹ cất lên; gọi mẹ để báo tin vui, tin mừng chiến thắng:
"Mẹ! Cao – Lạng hoàn toàn giải phóng
Tây bị chết bị bắt sống hàng đàn
Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
Người đông như kiến, súng đầy như củi".
Đoạn thơ làm sống lại cảnh tượng chiến trường Biên giới năm 1950. Gọng kìm đường số Bốn của giặc bị chặt đứt, bị phá tung. Quân ta đánh chiếm đồn Đông Khê, tiêu diệt hai binh đoàn Sác – tong và Lơ – pa, hàng ngàn giặc Tây "bị chết bị bắt sống". Hai so sánh "Người đông như kiến, súng đầy như cũi" đã nói lên thật hay sức mạnh và khí thế chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta thuở ấy.
Từ niềm vui chiến thắng, đứa con đau đớn nhớ lại những năm dài gian khổ, đau thương dưới ách kiềm kẹp, chiếm đóng của lũ giặc Pháp hung tàn.
Trên bước đường trở về làng cũ để "sửa nhà phát cỏ", để "Cày ruộng vườn trồng lúa ngô khoai", đứa con bồi hồi nhớ lại:
"Mấy tháng năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy,
Chạy hết núi khe, cay đắng đủ mùi".
Những lễ tết lâu đời phải "quên đi! Những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc phải "quên" đi. Bàn thờ tổ tiên nguội lạnh hương khói. Trải bao cay đắng vì phải chạy giặc triền miên: "Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi".
Quên sao được những kỉ niệm thương đau một thời gian khổ với bao thiên tai, dịch họa. Mưa rừng mù mịt, gió bão, sấm sét, lán sụp, cửa nát, vắt bám đầy chân. Giặc lùng sục, đốt lán, cướp bóc, gây ra bao thảm cảnh:
"Súng nổ kia! Giặc Tây lại đến lùng,
Từng cái lán nó đốt đi trơ trụi
Nó vơ hết quần áo trong túi"…
Đoạn thơ như một đoạn phim ghi lại cảnh chạy loạn giữa rừng sâu của đồng bào các dân tộc vùng biên giới phía Bắc đất nước ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Biện pháp liệt kê và tự sự mở ra một không gian nghệ thuật với bao chi tiết hiện thực rất sống và cảm động. Cảnh người mẹ chạy giặc, vừa địu con, vẫy em, vừa "Tay dắt và, vai đeo đầy tay nải – Bà lòa mắt không biết lối bước đi". Cảnh người cha bị giặc bắt, "Cha chửi Việt gian, cha đánh lại Tây" rồi bị giặc giết một cách dã man:
"Súng nổ ngay đì đùng một loạt,
Cha ngã xuống nằm lăn trên mặt đất".
Cảnh chôn cất người chồng, người cha thân yêu đầy nước mắt:
"Lán anh em rải rác không biết nơi tìm
Không ván, không người đưa cha đi chôn cất
Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng.
Con cởi áo liệm thân cho bố,
Mẹ con ẳm cha đi nằm ở chân rừng
Máu đẫm tay, nước tràn đầy mặt…"
Tất cả những cảnh đau đớn và thương tâm ấy được nhà thơ tái hiện lại một cách chân thực với nhiều máu và nước mắt. Sau tiếng khóc nghẹn ngào là tiếng thét căm thù uất hận vang lên:
"Mày sẽ chết! Thằng giặc Pháp hung tàn,
Băm xương thịt mày, tao mới hả".
Qua đó, ta càng thấy rõ: máu không thể nào dìm được chân lí; súng đạn của quân giặc cướp nước không thể nào khuất phục được nhân dân ta.
Phần thứ hai của bài thơ nói lên niềm vui giải phóng, quê hương được hồi sinh, sức sống của dân tộc trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ.
Có bao âm thanh giữa không gian rộng lớn Cao – Bắc – Lạng. Có tiếng "cười vang", tiếng "người nói", tiếng cười con trẻ "ríu rít" cắp sách đến trường. Có tiếng ô tô "kêu vang"; có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa. Có bao hình ảnh náo nức đáng yêu:
"Hôm nay, Cao – Bắc – Lạng cười vang,
Dọn lán, rời rừng, người xuống làng,
Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
Cuốc đất, dọn cỏ mẹ khuyên con".
Cuộc sống hồi sinh, cuộc sống bình yên đã trở lại với bà con làng bản: "Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá". Phải nhiều máu đổ xương tan mới có ngọn khói lam chiều đáng yêu ấy.
Nếu ở phần đầu bài thơ, tác giả nhắc lại sáu lần chữ "không" (không biết lối bước đi, cha không biết nói rồi, không ai chống gậy khi bà cụ qua đời, không biết nơi tìm, không ván không người đưa cha đi chôn cất) để phản ánh bao nỗi đau đè nặng lòng người, thì ở đoạn hai, điệp ngữ "không" bốn lần xuất hiện để làm nổi bật một hiện thực kháng chiến, đó là sự hồi sinh và sự vươn mình đứng thẳng dậy của dân tộc ta, của đồng bào các dân tộc Cao – Bắc – Lạng:
Từ nay không ngập cỏ lối đi.
Hổ không dám đẻ con trong vườn chuối
Quả trong vườn không lo tự chin, tự rụng
Ruộng sẽ không thành nơi máu chảy thành vũng.
Một lần nữa, Nông Quốc Chấn đã thành công ở phép liệt kê, nêu lên hàng loạt chi tiết rất thực, rất sống để thực hiện niềm vui chiến thắng và sự hồi sinh của quê hương sau ngày giải phóng.
Bốn câu thơ cuối bài là lời từ biệt mẹ già của đứa con lên đường đi chiến đấu. Mẹ ở lại hậu phương, con ra tiền tuyến với quyết tâm "đuổi hết" giặc Pháp, giặc Mỹ. Hình ảnh "Mặt trời lên sáng rõ" mang hàm nghĩa nói về sự thắng lợi của kháng chiến, của cách mạng, sự đổi thay to lớn và niềm vui dâng lên trong lòng người.
Lời mẹ dặn biết bao yêu thương thiết tha, đằm thắm. Cuộc lên đường đầy khí thế và dào dạt niềm tin:
"Mặt trời lên sáng rõ rồi mẹ ạ!
Con đi bộ đội, mẹ ở lại nhà,
Giặc Pháp, Mỹ còn giết người, cướp của trên đất ta
Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ".
Cái hay của "Dọn về làng" là ở giọng thơ mộc mạc bình dị với bao chi tiết chọn lọc cảm động. Nỗi đau thương thời giặc giã, hình ảnh người bà, người cha, người mẹ trong khói lửa đau thương, niềm vui giải phóng và hình ảnh quê hương hồi sinh được nói lên một cách thật giản dị, cảm động đáng yêu. "Dọn về làng" là một trong những thành tựu đáng tự hào của thơ ca kháng chiến thời chống Pháp. Tự hào hơn nữa vì đó là lời ca, bông hoa rừng đẹp và thơm của đứa con thân yêu người dân tộc Tày. Hơn nửa thế kỉ sau, bài thơ vẫn để lại cho chúng ta nhiều xúc động.