Người ta thường nói những người có lối sống giản dị thì mọi thứ xung quanh họ cũng hết sức giản dị. Và điều đó cũng đúng với trang phục của Bác. Đường đường là một Chủ tịch nước đáng ra Bác phải có nhiều quần áo, trang phục để thay nhằm đi dự các buổi họp, các buổi giao lưu đàm phán với nước khác. Thế nhưng trong tủ quần áo của Bác chỉ có bộ áo kaki bạc màu và đôi chân Bác luôn mang theo đôi dép cao su. Có lẽ Bác không quá chú trọng đến hình thức bên ngoài của mình, cái gì không cần thiết thì đều tiết kiệm, tiền Bác tiết kiệm để xây dựng đất nước, để cho dân có cơm no, áo ấm. Câu chuyện về sự giản dị của Bác cũng khiến nhiều người cảm động. Đã có nhiều cán bộ, những người xung quanh Bác góp ý về cách ăn mặc, họ cho rằng Bác nên mặc sao cho sang trọng nhưng khi nghe Bác giải thích về sự giản dị của Bác thì tất cả lại lặng im, họ chẳng còn biết phải nói gì hơn nữa, tất cả đều xúc động và cảm phục trước suy nghĩ của Bác.
Đời sống hằng ngày của Bác rất giản dị và cách Bác giao tiếp với mọi người cũng hết sức chân thành, cởi mở. Bác thường gần gũi với nhân dân và không hề nghĩ rằng mình là một Chủ tịch nước có địa vị cao, trong suy nghĩ của mình, Bác là đồng bào của nhân dân, Bác coi dân như gia đình, như những người thân yêu của mình vậy. Bác trực tiếp tham gia vào lao động sản xuất. Trên đời làm gì có vị Chủ tịch nước nào dám xắn tay áo lội xuống ruộng cấy cày cùng dân, làm gì có vị lãnh đạo nào không cần ghế cao đệm êm để ngồi mà rút dép làm ghế ngồi để trò chuyện cùng dân. Đó chẳng phải những cuộc hỏi đáp giữa lãnh đạo với nhân dân mà là những câu chuyện dí dỏm của những người đồng bào thân thiết kể cho nhau nghe. Sự giản dị và mộc mạc của Bác đã làm rung động trái tim bao người khi Bác sẵn sàng nhường cơm cho các chiến sĩ bị ốm. Bác sẵn sàng chịu khổ với nhân dân, cả cuộc đời Bác không lúc nào đặt mình lên cao hơn người khác, cả cuộc đời đầy khó nhọc vì dân vì nước.
Bác Hồ là tấm gương sáng ngời ẩn chứa bao đức tính quý báu của dân tộc, không những giản dị mà Bác còn rất khiêm tốn. Trong cuộc đời, Bác đã sáng tác ra một số lượng văn thơ đồ sộ và giàu ý nghĩa nhưng chưa khi nào Bác tự coi mình là một nhà văn. Văn thơ Bác thấm đậm sự tinh tế, giản dị. Có những bài thơ của Bác ngay cả người giàu trí tuệ, am hiểu văn hóa, văn học, vẫn chưa hiểu hết. Ðể dịch "Ngục trung nhật ký" của Bác, Viện Văn học đã tập trung những nhà Hán học uyên thâm, những nhà thơ xuất sắc, vậy mà dù đã cố gắng nhưng không ít bài dịch vẫn lạc giọng nguyên tác. Không phải là nhà nghiên cứu phê bình, dịch thuật thiếu tài năng, càng không phải thiếu tình với thơ Bác, mà chỉ do thơ Bác giản dị quá, tự nhiên đến mức không ngờ.
Ẩn sâu trong Bác là tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm với tinh thần cao tột độ. Trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của mình, Bác đã trải qua bao khó khăn gian khổ, Bác phải tự làm việc nuôi sống bản thân mình, tự học tập, tìm tòi để hiểu và giao tiếp được với người nước ngoài. Học hai ngôn ngữ đã khó, vậy mà Bác đọc thông viết thạo cả mười mấy ngôn ngữ, Bác học không chỉ để giao tiếp, xin việc kiếm tiền nuôi bản thân mà học để tiếp thu kinh nghiệm của các nước đi trước để về giải cứu dân tộc. Người cũng lấy văn thơ của mình làm vũ khí để phanh thây tội ác của lũ giặc Pháp giả nhân giả nghĩa đang hoành hành ở nước ta. Có lẽ vì sức mạnh thơ văn của Bác ảnh hưởng quá lớn nên nhiều Người bị cầm tù, bị bắt giam vì lý tưởng, vì công lý của mình.
Cứ thế cả cuộc đời Người đi buôn ba khắp nơi, đôi chân Bác giá lạnh vì sương gió, đôi tay tê tái vì nắng mưa. Thế nhưng vượt lên tất cả Người vẫn tiến lên phía trước, cả đời cống hiến vì dân vì nước; trung thực, dũng cảm, ý chí sắt đá, lòng yêu thiên nhiên, yêu con người cùng với lối sống thanh bạch, giản dị đã tạo nên một vị lãnh tụ vĩ đại, một đấng cứu thế mang trong mình đủ mọi đức tính tốt đẹp mà mãi sau này chúng ta vẫn luôn noi theo để học hỏi.