Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã gợi tả được vẻ đẹp đặc sắc của hai cô con gái nhà họ Vương. Nguyễn Du sinh năm 1765, mất năm 1820. Tên chữ là Tố Như, Thanh Hiên. Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Các tác phẩm chữ Nôm của ông, "Đoạn trường tân thanh" (Truyện Kiều) là tác phẩm xuất sắc nhất. Ông là một đại thi hào, một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. "Truyện Kiều" là bức tranh hiện thực về mọt xã hội bất công, tàn bạo, là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người, tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa, tiếng nói khẳng định, đề tao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người như khát vọng về quyền sống, khát vọng tự do,, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc,... "Truyện Kiều" là kiệt tác hàng trăm năm nay đã được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Viết "Truyện Kiều", ngay từ những dòng thơ đầu tiên của đoạn trích "Chị em Thúy Kiều", đã cho ta cảm nhận rất rõ về lòng nhân đạo và tài năng của Nguyễn Du.
Ở "Truyện Kiều", là đỉnh cao viên mãn của Nguyễn Du, làm nên khúc ca âm tuyệt xướng không chỉ ở giá trị nội dung mang tính nhân đạo, hiện thực mà còn ở nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm, trong đó nổi bật là nghệ thuật miêu tả và khắc họa tính cách nhân vật rất tài tình. Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật đó. Bố cục đoạn trích tương đối chặt chẽ, hoàn chỉnh. Đây là đoạn trích nằm ở phần đầu của Truyện Kiều, bút lực của tác giả Nguyễn Du tập trung đi vào miêu tả hai bức chân dung tuyệt mĩ của chị em Thúy Kiều, đằng sau nét bút miêu tả tinh tế ấy là tấm lòng an ủi, là tâm trạng đặc biệt của Nguyễn Du đối với nhân vật của mình.
Trước hết, Nguyễn Du giới thiệu chung về hai chị em trong gia đình : "Đầu lòng hai ả tố nga/ Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân" . Tiếp đến, bằng hình ảnh ước lệ tượng trưng , phép tu từ nghệ thuật ẩn dụ, vế đối nhỏ (tiểu đối) :"Mai cốt cách tuyết tinh thần/Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười", tác giả đã giới thiệu khái quát về vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mỹ từ ngoại hình đến tích cách, tinh thần của chị em Thúy Kiều. Mượn những hình ảnh từ thiên nhiên gợi lên dáng vẻ yểu điệu, trong trắng, cả mai và tuyết đề đẹp, nét đẹp của nhị Kiều ngay từ phút đầu đã làm xao xuyến lòng người, đã tạo ấn tượng sâu sắc. Cả hai đều đẹp "Mười phân vẹn mười", trong cái đẹp chung ấy có cái đẹp riêng của từng người :"Mỗi người một vẻ".
Bốn câu thơ tiếp theo : "Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da", Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân. Vẫn bằng hình ảnh ước lệ tượng trưng, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa và liệt kê, vẻ đẹp ngoại hình, bức chân dung của Thúy Vân hiện lên rõ nét, được miêu tả khá vẹn toàn : Nàng có khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, đôi lông mày thanh tú, tóc như mây, da như tuyết, vẻ đẹp của nàng là vẻ đẹp lý tưởng, tác giả lấy thiên nhiên để so sánh với vẻ đẹp của nàng, làm cho ta dễ liên tưởng, dễ hình dung. Vẻ đẹp của nàng mang dáng vẻ hoàn hảo, tròn đầy, phúc hậu, dịu dàng, đoan trang. Từ vẻ đẹp đó, ta cũng liên tưởng đến cốt cách của nàng : trong sáng, thánh thiện, phúc hậu, đoan trang, hiền thục. Đặc biệt, chỗ tài tình của tác giả Nguyễn Du là từ việc miêu tả ngoại hình, tác giả hé lộ tính cách và dự báo số phận tương lai của nhân vật, mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da - vẻ đẹp của Thúy Vân khiến cho thiên nhiên sẵn sàng nhường nhịn, như dự báo trước tương lai êm đềm, bình yên, tròn trịa. Quả đúng như vậy, sau này, khi viết về cuộc sống của Thúy Vân, Nguyễn Du đã viết : "Một nhà phúc lộc gồm tài/ Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần/ Thừa ra chẳng hết nàng Vân/ Một cây cù mộc đầy sân quế hòe".