Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Quê hương, khái niệm trừu tượng, thiêng liêng nhưng lại hết sức bình dị, thân thiết với mỗi chúng ta. Đó là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi ấy có ông bà, cha mẹ, nơi ta tha thiết gắn bó khi gần và quay quắt nhớ lúc chia xa. Mỗi một miền quê đều có một nét riêng, ta gọi đó là hồn quê, có khi đó là lũy tre xanh, là hàng dừa trước ngõ, là con đường đất đỏ đến trường…
Với Tế Hanh, chàng trai mười tám tuổi xa quê, nhớ về quê hương, một làng chài giáp sông, ven biển của mình, ông lại nhớ:
Cánh buồn giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng, bao la thâu góp gió.
Đây là hai câu thơ đẹp, Tế Hanh đã viết bằng cả tấm tình mến yêu tha thiết làng quê mình. Nhà thơ đã sử dụng, nghệ thuật so sánh, cánh buồm trên con thuyền ra khơi với mảnh hồn làng.
Cánh buồm là vật thể hữu hình, được so sánh với hồn làng, hồn vía của làng chài: cái vô hình, vô ảnh; cái cụ thể với cái trừu tượng, cái vật chất với cái tinh thần, cái bình dị với cái thiêng liêng. Nhà thơ đã linh hồn hóa cánh buồm, thể hiện sự cảm nhận tinh tế, chính xác về hồn quê hương, gợi rất đúng hồn quê thân thuộc.
Đến với huế thơ, ta sẽ đến với chùa Thiên Mụ, đến với dòng sông Hương dịu dàng pha lẫn trầm tư y còn đến miền quê quan họ vùng đồng bằng Bắc Bộ là ta lại đến với hương nếp thơm nồng, tranh Đồng Hồ gà lợn nét tươi trong: Đây chính là hồn quê hương. Còn với Tế Hanh quê hương ông là:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.
Thì điệu hồn ấy phải hoành tráng, lãng mạn giống như cánh buồm giương. Đó là hồn của miền quê biển, giản dị mà sức vóc tung tỏa biết bao. Phải chăng Tế Hanh đã hóa hồn mình vào cánh buồm đó để nghe thấy hồn làng trên một cánh buồm giương.
Thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám đã có những hình ảnh đẹp, lãng mạn miêu tả về cánh buồm:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lưới giữa mây cao với biển bằng
Ở đây Tế Hanh cũng miêu tả cánh buồm no gió, nhưng nhà thơ đã nhân hoá nó với dáng vóc của chàng trai mười tám khỏe mạnh, vạm vỡ đẹp lãng mạn đến say người.
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Cánh buồm cảng là do có gió thổi vào nhưng ở đây có sự đảo ngược, cánh buồm ấy mang dáng vóc của một chàng lực sĩ rướn thân trắng, ưỡn căng lồng ngực mênh mông, hít một hơi dài chủ động thu hết sóng gió bao,la của biển khơi để bay lên, ngang tầm với không gian mênh mông của đại dương. Hình ảnh thơ thật hào hùng, kỳ vĩ, mơ mộng đầy chất lãng tử, thi nhân. Đẹp biết bao cánh buồm ấy, như một sinh thể che chở bảo vệ cho con thuyền, cho làng chài bằng tất cả sức mạnh tích tụ từ biển khơi. Nó phập phồng hơi thở, sự sống, nhịp đập của trái tim biển cả.
Biển không chỉ cho ta cá như lòng mẹ, biển quê hương còn cho ta nguồn thơ đầy sức sống. Rõ ràng đây là hai câu thơ được viết ra từ tấm lòng tha thiết gắn bó miền quê giáp sông, ven biển, mặn mòi hương vị biển. Câu thơ đẹp nhưng quả thật nó linh diệu, lung linh giữa khả giải và bất khả giải.