II. Bài tham khảoTừ xa xưa, ông cha ta đã để lại biết bao kinh nghiệm và những bài học ý nghĩa cho con cháu, những bài học và kinh nghiệm ấy vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, ăn sâu vào mỗi người con Việt Nam cho tới ngày hôm nay. Có lẽ chính vì ý nghĩa và bài học chứa đựng trong những câu ca dao tục ngữ ấy mà ông cha ta đã khẳng định rằng “Tục ngữ là túi khôn của nhân dân”.
Túi là một khái niệm chỉ những vật dụng đựng đồ quen thuộc của đời sống con người, túi có thể được làm từ rất nhiều chất liệu như: vải, nilong, cói, giấy, da,… chúng thường được thiết kế đa dạng và phong phú phù hợp với mục đích sử dụng của con người. “Khôn” là một tính từ chỉ sự thông minh, trí tuệ, trí khôn của con người, nói theo cách khoa học đó là chất xám của con người.
Tuy nhiên mỗi người sẽ có chất xám – trí khôn khác nhau và không phải ai sinh ra cùng đều có thể có trí khôn khác người, những người như thế rất ít ỏi. Trí thông minh hay trí khôn đều phải nhờ vào sự kiên trì, học tập và nỗ lực rèn luyện của con người, bởi nó không phải ngẫu nhiên mà có. Vậy tại sao tục ngữ lại là túi khôn của nhân dân? Tục ngữ Việt Nam là tinh hoa của nhân loại, đó là những câu nói có nhịp điệu, mang tất cả những giá trị kinh nghiệm, bài học quý giá trong cuộc sống.
Những câu tục ngữ đó đã được đúc kết từ những kinh nghiệm hay nhất của những người khôn ngoan ở khắp nơi, mọi lĩnh vực cuộc sống. Chính vì vậy tục ngữ chính là túi khôn của nhân dân. Con người khác với các loài vật khác ở trí tuệ, từ trí tuệ đã phát sinh ra ngôn ngữ mà tục ngữ lại là thành tựu của ngôn ngữ, của trí tuệ và kinh nghiệm sống của loài người. Hơn nữa, tục ngữ trở thành túi khôn của nhân dân bởi chính nó là kinh nghiệm của nhiều thế hệ tổ tiên, ông cha ta đã từng trải qua lao động sản xuất, thế hệ đi trước đã từng sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất và đủ cả: thiên tai, bệnh dịch, nghèo đói, chiến tranh,…
Từ chính kinh nghiệm trải đời ấy mà ông cha ta đã dùng trí tuệ của mình đúc rút ra những kinh nghiệm, bài học rồi dùng tục ngữ để truyền lại cho thế hệ mai sau. Kho tàng tục ngữ của Việt Nam ta là một túi khôn rất lớn với rất nhiều khía cạnh cuộc sống đã được đề cập đến như: tục ngữ về lao động sản xuất, về thiên nhiên, về học tập, về cách đối nhân xử thế,… Điển hình các câu tục ngữ về thiên nhiên như “Nước chảy đá mòn”, câu tục ngữ về học tập như “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, rồi về đạo đức con người như “Thương người như thể thương thân”…
Có thể khẳng định rằng, tục ngữ chính là túi khôn của nhân dân, tục ngữ của Việt Nam nói riêng và cả tục ngữ của các nước trên thế giới nói chung là một túi khôn của cả nhân loại. Là người học sinh, thế hệ trẻ, chúng ta cần phải học hỏi, ra sức tìm hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị tục ngữ của dân tộc.