Bài thơ ''Ông đồ'' của Vũ Đình Liên mở ra khung cảnh mùa xuân với hoa đào và giấy đỏ. Ông đồ mặc áo the, đầu đội khăn xếp, cùng bút, nghiên, mực tàu, giấu đỏ và bàn tay tài hoa ''Hoa tay thảo những nét...Như phượng múa rồng bay'' đó chính là lời ngợi khen của mọi người dành cho ông đồ. Thế nhưng, mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết cứ thưa thớt dần. Ông đồ ngồi buồn bã dưới làn mưa bụi nhạt nhòa. Và rồi lặng lẽ, biến mất trong niềm thương tiếc và hoài niệm của nhà thơ. Có thể nói đây là một thi phẩm xuất sắc trong phong trào thơ mới 1932-1945. Thông qua hình tượng ông đồ tác giả đã gửi gắm niềm hoài cổ vào trong bài thơ. Với thể thơ ngũ ngôn hàm xúc cùng với biện pháp nghệ thuật nhân hóa, so sánh, tương phản đối lập, câu hỏi tu từ và kết cấu đầu cuối tương ứng. Bài thơ đã thể hiện sự tiếc nuối về một thế hệ nhà Nho muôn năm cũ - họ cô đơn tàn tạ trong hiện tại, tiếc nuối về một thời quá khứ vàng son đã nhạt phai, một đi không trở lại. Bài thơ có sức ám ảnh mạnh mẽ và cũng là tiếng lòng yêu nước thầm kín sâu sắc của Vũ Đình Liên. Nhà thơ chỉ ra sự đối lập mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại. Để rồi đứng trước hình tượng ông đồ đại diện cho cái di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn. Tác giả đau đáu, tiếc nhớ về một giá trị văn hóa cổ truyền bị lãng quên. Mượn hình tượng ông đồ, mượn tình trạng cụ thể : cảnh tượng vẫn còn đây nhưng người xưa đã vắng, tác giả muốn gửi gắm niềm tâm sự trước những biến đổi xoay vần của thời thế, phải chăng đó cũng là tâm trạng dễ hiểu của những người trí thức trong buổi giao thời.