Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Truyền kì mạn lục, một tác phẩm nổi tiếng của tác giả Nguyễn Dữ, truyện ngắn đã thể hiện sự xót thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến xưa, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Vũ Nương.
Nhân vật Vũ Thị Thiết được Nguyễn Dữ miêu tả trong hai bối cảnh chính, đó là trước khi Trương Sinh đi lính và sau khi Trương Sinh đi lính. Vũ Thị Thiết là một người con gái hiền lành, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Do vậy mà chung sống với người chồng đa nghi, ít học như Trương Sinh nàng luôn giữ gìn khuôn phép nên chưa bao giờ để vợ chồng phải đến thất hòa. Tuy nhiên, cuộc sống êm ả chưa bao lâu thì Trương Sinh bị gọi đi lính.
Khi Trương Sinh đi lính, Vũ Nương lại thể hiện được phẩm chất của một người vợ hết lòng yêu thương chồng, một lòng mong chồng bình an trở về. Nàng khuyên chồng phải lấy mình làm trọng, không mong chồng mang về ấm phong hầu mà chỉ mong mang về hai chữ bình yên “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấm phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ mong ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi….”
Khi chồng đi lính, ở nhà Vũ Nương chăm sóc cho con thơ, một lòng hiếu kính với mẹ già, chạy chữa thuốc thang, cầu khấn thần phật, an ủi mẹ chồng bằng những lời ngon ngọt. Vì không muốn con thiếu thốn tình cảm của người cha, Vũ Nương đã chỉ vào bóng mình ở trên tường và nói đó chính là cha của Đản. Qua hành động đó ta lại thấy Vũ Nương là một người mẹ giàu tình yêu thương, hết lòng vì con.