Một số mẩu chuyện nhỏ về tác phong làm việc của Bác hồ nhưng nói lên tinh thần trách nhiệm cao của một lãnh tụ, của một người luôn sống có trách nhiệm và suy nghĩ vì người khác:
Câu chuyện thứ nhất:
Trong một cuộc họp, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp, khi đồng chí cán bộ đến, bác hỏi:
- Chú đến chậm mấy phút?
- Thưa bác, chậm 10 phút ạ.
- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người ở đây đợi.
- Chú quí thời gian của mình bao nhiêu thì nên quí thời gian người khác bấy nhiêu.
Câu chuyện thứ hai:
Năm 1953, bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go, mọi người nôn nóng được gặp Bác. Bỗng nhiên trời chuyển mưa đột ngột , mưa xối xả, kéo dài 2, 3 tiếng. Các đồng chí làm việc bên cạnh bác đề nghị Bác cho hoãn đến buổi khác, có đồng chí đề nghị tập trung lớp học tại địa điểm gần nơi bác ở nhưng Bác không đồng ý. Bác nói: : Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi cho tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ mình Bác và một vài người chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ”.
Câu chuyện thứ ba:
Đó là vào mùa Xuân, dịp Tết cổ truyền dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô tập trung tại Uỷ ban hành chính TP Hà Nội để lên chúc Tết Bác. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa, giữa lúc ban tổ chức còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi thì bỗng một chiếc xe đậu trước cửa, Bác Hồ từ trên xe bước xuống, lần lượt đi bắt tay từng người trong nỗi bất ngờ và cảm động của các đại biểu.
Thì ra thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của BTC và không muốn các đại biểu phải vì mình vất vả, Bác chủ động tự thân đến chúc Tết các đại biểu trước.
Qua ba câu chuyện kể trên, mặc dù với những lời phê bình nhẹ nhàng, những việc làm nhỏ bé, những suy nghĩ rất giản dị nhưngnói lên một nhân cách cao quí, một tư cách mẫu mực của vị lãnh tụ luôn nghĩ và làm việc vì người khác. Những cử chỉ, lời nói mộc mạc nhưng có giá trị nhân văn sâu sắc đó đó chỉ có thể xuất phát từ một người có lòng bao dung, nhân ái, sống và làm việc có tinh thần trách nhiệm “ mình vì mọi người”, điều mà tưởng chừng rất dễ khi phát ngôn.
Đối với chúng ta, những thầy cô giáo, những cán bộ quản lí trong ngành giáo dục, mỗi việc làm của chúng ta sẽ tác động đến hàng ngàn học sinh, những thế hệ tương lai của đất nước, vì vậy chúng ta càng cần phải suy ngẫm thật sâu sắc và học tập noi gương Bác để không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân, biết sống và làm việc thật sự văn minh và có trách nhiệm.