Cuộc sống tuy buộc vào cuộc đời mỗi con người không ít bất hạnh nhưng rồi chính nó cũng mang đến cho chúng ta thật nhiều hạnh phúc. Có những hạnh phúc vụt đến rồi vụt đi như một ánh chớp bất thần giữa đêm tối. Nhưng cũng có những hạnh phúc đã trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của một đời người, những hạnh phúc mà ai cũng đều khao khát. Những hạnh phúc ấy, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay và tất nhiên không phải người nào cũng được tận hưởng. Hạnh phúc gia đình có lẽ là hạnh phúc lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất trong số những hạnh phúc được đếm trên đầu ngón tay mà mỗi con người luôn tìm kiếm, luôn hướng đến. Gia đình, hai tiếng ấy thốt lên thật ngắn ngủi nhưng ý nghĩa của nó lại kéo dài cả cuộc đời. Chính vì vậy, để trình bày toàn bộ ý nghĩa của hai chữ gia đình - một từ tưởng như rất quen thuộc với mọi người, không phải là một việc đơn giản như nhiều người vẫn hình dung. Bởi chính sự quen thuộc nhiều khi lại khiến chúng ta dường như quên đi những ý nghĩa sâu xa của nó. Nếu hình dung xã hội là một khối vật chất không đồng chất thì mỗi con người là một nguyên tử và mỗi gia đình là một phần tử trong khối vật chất ấy. Tất nhiên cách hình dung ấy không phải là ý nghĩa của gia đình mà chỉ là một cách mô tả khái quát về nó mà thôi. Thực tế, gia đình bao gồm một số người có quan hệ huyết thống hoặc một số quan hệ ràng buộc khác với nhau. Thông thường một gia đình đầy đủ có hai đến ba thế hệ cùng chung sống. Ta cũng có thể xem gia đình là một tổ chức xã hội thu nhỏ giữa những người có các mối quan hệ đặc biệt với nhau, cũng có phân chia thứ bậc, có người trên có người dưới. Tuy nhiên, thứ bậc trong gia đình không phải là hình thức phân chia giai cấp trong xã hội mà chỉ là một cách sắp xếp được quy định trong đạo đức xã hội nhằm thể hiện tôn ti, trật tự trong gia đình. Sự sắp xếp ấy được thể hiện qua những mối quan hệ khác nhau trong gia đình, quan hệ giữa vợ với chồng, giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, giữa anh chị em với nhau,… với những mối quan hệ ấy, mỗi thành viên lựa chọn cho mình cách cư xử khác nhau đối với các thành viên khác nhau trong gia đình. Với người lớn hơn thì kính trọng hiếu thảo, với kẻ dưới thì nhường nhịn thương yêu… với cách cư xử của mỗi thành viên thể hiện nền nếp gia phong của gia đình. Một gia đình chỉ có thể tồn tại khi những tôn ti được giữ vững, khi từng thành viên ý thức được vai trò và bổn phận của mình trong gia đình. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình, ngoài những gì mà mình được hưởng còn phải hiểu được trách nhiệm của mình để giữ vững sự tồn tại của gia đình. Gia đình không chỉ được hiểu theo nghĩa triết học như trên mà đối với nhiều người, gia đình đơn giản là nơi họ dành trọn niềm tin yêu, nơi người ta được sống với chính mình, nơi người ta dừng chân khi mệt mỏi, và là nơi người ta có thể trốn tránh sự bon chen, xô bồ trong guồng quay rất khốc liệt của trận chiến mà ai sinh ra cũng phải đối mặt: cuộc đời. Đối với những con người ấy, gia đình như một khu vườn yên tĩnh, êm đềm giữa chốn đô thị náo nhiệt ồn ào. Cũng có những con người, một gia đình thực sự đối với họ mãi mãi chỉ là một giấc mơ xa xôi nhưng thật đẹp đẽ. Cũng có những con người vì một lí do nào đó gia đình trở thành địa ngục giữa nhân gian. Nếu cảm nhận gia đình bằng trái tim ta sẽ có rất nhiều cái nhìn khác nhau về gia đình mà trên trang giấy nhỏ hẹp này ta không thể trình bày hết được. Gia đình đã là một khái niệm rất khó trình bày trọn vẹn, hạnh phúc gia đình lại càng khiến người ta lúng túng hơn. Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gia đình vốn là cái người ta chỉ có thể cảm nhận chứ không thể nắm bắt, không thể nhìn thấy và càng không thể diễn tả bằng ngôn từ. Nhà triết học người Ý, Mông-xơ-lô-xi đã rất sáng suốt khi dám khẳng định: “dấu hiệu trước nhất của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình”. Bởi chỉ có tình yêu mới đủ sức làm nên sự hòa thuận, sự cảm thông, cũng như nuôi dưỡng tình thương giữa các thành viên trong gia đình. Một gia đình được gọi là hạnh phúc, khi mọi thành viên đều được tận hưởng một cách trọn vẹn cả đời sống vật chất và tinh thần và đều coi gia đình là tổ ấm. Hạnh phúc ấy được mỗi con người cảm nhận qua trái tim nhiều hơn lí trí. Tuy sự thể hiện hạnh phúc ở mỗi gia đình là khác nhau và cái nhìn về hạnh phúc cũng có thể không giống nhau nhưng bản chất về hạnh phúc không thay đổi. Bởi dù biểu hiện như thế nào nó đều mang lại cho con người niềm vui và là nguồn năng lượng tinh thần hết sức quan trọng để người ta bước đi trên đường đời. Một gia đình luôn xảy ra những mâu thuẫn chắc chắn không phải là một gia đình hạnh phúc, nhưng một gia đình hạnh phúc chưa hẳn đã là một gia đình không có mâu thuẫn. Đôi khi hạnh phúc gia đình được vun đắp bằng chính những mâu thuẫn. Sau những hiểu lầm, mỗi thành viên có thể hiểu và có được sự cảm thông cho nhau nhiều hơn. Những lời qua tiếng lại nhiều khi lại trở thành liệu pháp tinh thần rất hữu hiệu để duy trì hạnh phúc gia đình một cách bền vững. “Một điều nhịn, chín điều lành”, câu nói ấy có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng luôn luôn nhẫn nhịn luôn luôn cam chịu chưa hẳn đã là tốt, chưa hẳn đã là cách giải quyết đúng đắn trong nhiều trường hợp. Có những lúc im lặng chỉ là trốn chạy mâu thuẫn. Sự nín nhịn có thể được đền đáp bằng sự hòa thuận nhất thời trong gia đình, nhưng nếu lấy sự nín nhịn để che lấp mâu thuẫn trong một thời gian dài thì có thể nó làmầm mống của sự rạn nứt gia đình. Bởi sẽ có lúc sự nín nhịn kia vượt quá sự giới hạn chịu đựng của con người, sẽ có lúc con người không thể mãi mãi im lặng, và cố nhiên sự bùng nổ của cả một quá trình nín nhịn và cam chịu lâu dài sẽ gây ra hậu quả lớn hơn rất nhiều so với đem từng mâu thuẫn ra giải quyết. Một gia đình thực sự hạnh phúc khi mọi thành viên đều thấy gia đình là chỗ dựa vững chắc cho mình, là nguồn vui, là nguồn yêu thương trong cuộc sống. Nó phải làmái ấm chở che chứ không phải là “chiến trường” thứ hai của cuộc sống, phải là phần tĩnh trong cuộc sống vốn rất ồn ào, náo nhiệt của con người, và hơn thế nữa gia đình hạnh phúc phải là sợi dây tinh thần vững chắc kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Hạnh phúc gia đình cũng không nhất thiết phải hiểu bằng những khái niệm mà đôi khi nó còn có thể được hình dung với những hình ảnh bình thường mà ai cũng có thể thấy. Đó chính là bữa cơm đầm ấm của gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi, đó là chính ánh mắt tràn đầy hạnh phúc của mẹ khi nhìn bố đùa vui cùng con, đó là nụ cười mãn nguyện của ông bà trước sự hiếu kính của con cháu… Những hình ảnh bình thường nhất nhiều khi lại chính là hạnh phúc gia đình lớn lao nhất mà con người tận hưởng. Có lẽ có không ít người cho rằng hạnh phúc gia đình chỉ phụ thuộc vào đời sống tinh thần nhưng thực tế lại cho thấy nhận thức kia có phần khiếm khuyết. Một gia đình hạnh phúc cần lắm một đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh nhưng vật chất cũng là một yếu tố không thể thiếu để quyết định hạnh phúc gia đình. Đời sống tinh thần liệu có thể có hay không khi một bữa ăn cũng khiến mọi người lo lắng, khi cửa nhà không đủ che nắng che mưa, khi một người ốm đau thiếu tiền mua thuốc, khi Tết đến con trẻ thất vọng vì bạn bè khoe áo mới, khi những ngày giỗ mà mâm cơm cúng tổ tiên phải đi vay mượn khắp nơi,… Vật chất không phải là tất cả nhưng nó thực sự quan trọng trong đời sống của con người. Nó là nhu cầu đầu tiên và là nhu cầu cơ bản nhất của con người. Hạnh phúc gia đình cũng như một con người, để có được sự phong phú trong đời sống tinh thần trước hết phải đảm bảo được đời sống vật chất đầy đủ. Bởi muốn có được một bữa ăn ngon phải có tiền để mua thức ăn, muốn con cái được chăm sóc một cách đầy đủ phải có đủ điều kiện về kinh tế, và còn, còn rất nhiều mong muốn, kể cả mong muốn về tinh thần nếu không đảm bảo điều kiện vật chất thì sẽ không bao giờ thực hiện được. Một gia đình nghèo khó không thể là một gia đình có được hạnh phúc trọn vẹn nhưng một gia đình giàu có cũng chưa hẳn đã là một gia đình có hạnh phúc. Nhà cao, cửa rộng, chăn ấm, nệm êm, con cái luôn được thỏa mãn tất cả các nhu cầu về chất, thậm chí còn nhiều hơn những gì chúng cần. Nhưng có hạnh phúc không khi cha mẹ luôn cãi cọ vì bất đồng trong cuộc sống, anh em không biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau, con cái nhiều khi hàng tuần không được nhìn thấy cha mẹ bởi lịch làm việc đi sớm về khuya của hai người. Những bữa cơm đầy đủ những món ăn ngon nhưng thiếu đi nhiều thành viên trong gia đình liệu có vui hơn những bữa ăn bình thường nhưng ai cũng có mặt đầy đủ, quây quần đầm ấm bên nhau. Những đứa con thực sự cảm thấy sung sướng khi ngày nào túi tiền cũng đầy ắp những túi yêu thương thì vẫn trống không, có thực sự vui vẻ khi phải đi hỏi mẹ của đứa bạn thân về chuyện của con gái. Ông bà được sống trong một ngôi nhà đầy đủ những tiện nghi nhưng có cảm thấy hạnh phúc, ấm áp khi không có lấy một người để trò truyện, không nghe được một tiếng cười vui của con cháu xung quanh. Đời sống vật chất thiều thốn khiến không khí gia đình nặng nề vì những nỗi lo cơm áo gạo tiền, khiến con người trở lên gắt gỏng, bực tức, còn thiếu đi đời sống tinh thần lại khiến gia đình trở lên buồn tẻ, khiến con người trở nên rụt rè hoặc lao vào những cuộc ăn chơi để lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn. Giá trị vật chất hay tinh thần đều đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây đắp và duy trì hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, hạnh phúc gia đình muốn trọn vẹn nó phải được thể hiện ở cả cuộc sống vật chất lẫn cuộc sống tinh thần, phải đáp ứng cùng một lúc cả hai nhu cầu vật chất và tinh thần ở mỗi thành viên. Không một tổ chức xã hội nào có thể đứng ra chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, để có một gia đình hạnh phúc mỗi người đều phải có ý thức vun đắp và gìn giữ hạnh phúc, hiểu và trân trọng giá trị của hạnh phúc. Muốn vậy, mỗi thành viên trước hết phải thấy được vai trò và bổn phận của mình đối với gia đình, để từ đó làm tốt vai trò, bổn phận của mình dù ở bất cứ cương vị nào. Mỗi người cha, người mẹ ngoài việc đảm bảo cuộc sống vật chất còn phải là người giữ và truyền ngọn lửa yêu thương đến mọi người trong gia đình. Không nên vì những lo lắng, bận rộn với công việc xã hội mà quên đi vai trò trong gia đình. Những đứa con luôn cần tình yêu thương của cha mẹ hơn những đồng tiền; những đứa trẻ tưởng chừng như vô tâm nhất cũng cần có cha mẹ để chia sẻ những khó khăn chúng gặp phải, hay trò chuyện về chuyện học hành, chuyện bạn bè của mình. Cha mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và vun đắp hạnh phúc gia đình, nhưng cũng không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho họ. Những đứa con cũng là một yếu tố quyết định cho sự bền vững của hạnh phúc gia đình. Bởi chúng không chỉ là những đứa trẻ mà còn là sợi dây tinh thần kết nối mọi người với nhau. Bởi một gia đình dù cha mẹ có làm tốt vai trò của mình đến đâu cũng không thể hạnh phúc khi con cái học hành bê trễ, lợi dụng tình thương để đủ tiền chưng diện, đủ tiền tham gia vào những trò vô bổ, thậm chí có hại cho bản thân để chỉ thể hiện mình trước bạn bè. Và khi đó, rất có thể hạnh phúc gia đình sẽ bị rạn nứt chỉ bởi sự thiếu ý thức của con trẻ.
Cũng như bao hạnh phúc khác, hạnh phúc gia đình vốn mong manh và không phải ai cũng có được. Chúng ta chỉ có một người mẹ để yêu thương, một người cha để che chở, một quê hương để trở về và một gia đình để nương tựa. Chính vì vậy, mỗi con người hôm nay hãy biết quan tâm hơn đến gia đình, quý trọng hơn những hạnh phúc mà gia đình mang lại. Sẽ là một sự thiếu hụt lớn nếu chúng ta không biết tận hưởng, không biết bảo vệ niềm hạnh phúc lớn lao mà cuộc sống ban cho. Bởi không có ở đâu người ta có thể sung sướng hơn là được bao bọc, chở che trong sự yêu thương ấm áp của mọi người trong gia đình.