Trong giải tích toán học, đạo hàm của một hàm số thực chất là sự mô tả sự biến thiên của hàm số tại một điểm nào đó. Đạo hàm là một khái niệm cơ bản trong giải tích. Chẳng hạn, trong vật lý, đạo hàm biểu diễn vận tốc tức thời của một chất điểm chuyển động hoặc cường độ dòng điện tức thời tại một điểm trên dây dẫn.
Đạo hàm có biểu diễn trong hình học là hệ số góc của tiếp tuyến với đồ thị biểu diễn hàm số. Tiếp tuyến đó là phép xấp xỉ tuyến tính chính xác nhất của hàm ở gần giá trị đầu vào. Vì lý do đó, đạo hàm còn được gọi là "tốc độ biến thiên tức thời", tỉ số giữa số gia của biến phụ thuộc và số gia của biến độc lập.
Đối với hàm đa biến, đạo hàm là phép biến đổi tuyến tính, trong đó đồ thị là phép xấp xỉ tuyến tính chính xác nhất đối với đồ thị của hàm ban đầu. Ma trận Jacobi là ma trận mô tả phép biến đổi tuyến tính này theo các biến độc lập và phụ thuộc, chứa các đạo hàm riêng của hàm đó giữa hai không gian vector. Với hàm số thực gồm nhiều biến, ma trận Jacobi được rút gọn thành vector gradien.
Phép toán để tính đạo hàm được gọi là vi phân. Khái niệm ngược lại với đạo hàm là nguyên hàm. Định lý cơ bản của giải tích liên hệ nguyên hàm với tích phân. Vi phân và tích phân là hai công cụ cơ bản trong giải tích đơn biến.