Hai văn bản tuy ra đời trong những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, có nội dung khác nhau nhưng Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng của những vị lãnh đạo đối với vận mệnh đất nước. Chiếu dời đô được Lý Công Uẩn viết năm 1010 ngay sau khi ông mới lên ngôi. Ông viết bài chiếu này để ban bố quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Lúc này, đất nước đang trong thời bình, triều Lí phát triển lớn mạnh về cả thế và lực nên với nhãn quan chính trị, Lý Công uẩn thấy được Hoa Lư - một vùng đất chật hẹp, bao quanh bởi núi non hiểm trở không còn là nơi thuận tiện đế định đô nữa mà phải tiến xa ra vùng đồng bằng rộng lớn để xây dựng đất nước độc lập, phồn thịnh, triều đại phát triển lâu dài, bền vững. Khác với Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ được viết vào khoảng tháng 9 năm 1284 trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai. Lúc bấy giờ, đất nước đang trong thời loạn, Tổ quốc đang đứng trước họa xầm lăng của kẻ thù, Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này nhằm khích lệ lòng yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân giặc. Dù là lúc hòa bình hay khi cận kề chiến tranh, những người lãnh đạo như Lý Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn cũng đều thể hiện sự quan tâm, lo lắng đối với vận mệnh đất nước.
Không chỉ thể hiện sự quan tâm của các vị lãnh dạo đối với vận mệnh đất nước mà Chiếu dời đô và Hịch tướng sĩ còn có ý nghĩa và tác dụng to lớn đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, thể hiện vai trò của những người lãnh đạo an ninh. Trước hết, để thuyết phục quan lại và thần dân, Lý Công Uẩn đã lấy những dẫn chứng trong lịch sử Trung Quốc các triều đại nhiều lần dời đô; nhà Thương năm lần dời đô; nhà Chu ba lần dời đô. Và kết quả những lần dời đô đó là: vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Lý Công Uẩn đã lấy những dẫn chứng trên làm cơ sở lí lẽ và coi đó là khuôn vàng thước ngọc để soi vàng thực tế hai triều Đinh - Lê còn nhiều hạn chế khi cứ đóng yên đô thành ở Hoa Lư: triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi. Từ đó, nhà vua khẳng định việc dời đô là tất yếu, là thuận theo ý trời, phù hợp với quy luật khách quan. Tiếp đến, Lý Công Uẩn chỉ ra những thuận lợi của Đại La: từng là kinh đô cũ của Cao Vương, thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông lại tiện hướng nhìn sông dựa núi, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi, là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước và là nơi giao thương thuận tiện bậc nhất của đế vương muôn đời. Thật vậy, đặt Đại La vào thời điểm 1000 năm trước thì nó vẫn chỉ là một. đầm lầy cỏ mọc um tùm, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Lý Công uẩn đã thấy được những thuận lợi ở nơi đây và trải qua hàng ngàn năm, Đại La (Thăng Long) vẫn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, vẫn là kinh đô của đất Việt. Điều đó đã chứng tỏ sự anh minh, sáng suốt của nhà vua. Bài chiếu không chỉ là lời lẽ khô khan, những mệnh lệnh cứng nhắc mà nó còn là sự kết hợp giữa lí và tình. Nhà vua đã thể hiện niềm yêu thương, quan tâm, lo lắng đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc: Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. Và cuối bài chiếu, Lý Công Uẩn thể hiện quyết tâm của mình nhưng ông không sử dụng từ “phải” hay câu mệnh lệnh mà lại là câu hỏi và từ “muốn” mang tính trao đồi, tâm tình, thế hiện tính dân chủ, tôn trọng bề tôi của nhà vua và khiến bài chiếu có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người.