Chúng ta sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành là nhờ công ơn trời bể, sự yêu thương, chăm sóc và dạy dỗ của ông bà, cha mẹ. Bổn phận của chúng ta, những đứa con đứa cháu là phải biết hiếu thảo với những người sinh thành. Hiếu thảo trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam. Nó làm cho cuộc sống này ấm áp và hạnh phúc lên từng ngày.
Vậy hiếu thảo là gì? Hiếu thảo là sự tôn trọng, kính yêu của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Là sự đền đáp công ơn mà họ đã dành cho ta. Hiếu thảo thể hiện qua việc đối xử tốt với cha mẹ, là hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng khi họ về già, là ngoan ngoãn nghe lời, không làm họ phải phiền lòng hay rơi nước mắt. Hiếu thảo là đức tính tốt đẹp cần có ở mỗi người.
Tại sao chúng ta cần phải hiếu thảo? Bởi vì cha mẹ là người sinh ra ta, mang ta đến với cuộc sống này. Từ những ngày thơ bé, ta đã được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của họ. Sự hy sinh, công lao của cha mẹ không gì có thể sánh bằng, như ca dao đã có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Công ơn của cha mẹ mênh mông như nước, cao lớn như núi, không gì có thể sánh bằng. Nó là sức mạnh, là tình yêu thương nuôi con khôn lớn từng ngày. Ta sẽ chẳng thể tìm ở đâu tình yêu thương vô điều kiện như cha mẹ đã dành cho mình. Cũng chỉ có cha mẹ mới yêu thương ta hết mực, quan tâm và lo lắng cho ta từng li từng tí. Cũng chỉ có cha mẹ mới có thể hy sinh bản thân mình để bảo vệ con khỏi những giông tố của cuộc đời. Biết bao khó khăn, vất vả, ba mẹ không quản nắng mưa nhọc nhằn để nuôi ta khôn lớn thành người. Bổn phận của chúng ta là phải yêu thương, kính trọng và đền đáp công ơn trời bể ấy.
Không chỉ có ba mẹ mới là người ta cấn phải hiếu thảo mà cuộc sống này còn có nhiều người yêu thương, quan tâm và dạy dỗ ta mỗi ngày. Đó là thầy cô, nhưng người truyền đạt cho ta biết bao kiến thức bổ ích. Họ ngày đêm miệt mài bên đèn sách để có được những cách giảng dạy hay với những phương pháp giúp ta hiểu bài hơn. Thầy cô dạy dỗ ta, quan tâm ta bằng tình thương của những người giàu lòng nhân ái. Họ cũng mong ta thành công, mong ta nên người như chính sự mong chờ của cha mẹ. Thầy cô chắp cánh ước mơ của những người học trò, dìu dắt chúng đi đến một con đường tốt đẹp, tươi sáng hơn. Họ thầm lặng, không phô trương, vẫn từng ngày tiếp thêm cho ta kiến thức, cho ta niềm tin và sức mạnh để tự mình bước đi trên con đường đi đến thành công. Mỗi người học sinh phải biết biết ơn và tôn trọng thầy cô, không ngừng cố gắng học thật tốt, để không phụ lòng của thầy cô, cha mẹ. Bên cạnh đó, chúng ta được sống trong nền hòa bình, tự do, chúng ta phải biết ơn công lao to lớn của thế hệ cha anh. Chính họ đã không quan gian nan, nguy hiểm, hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước. Những anh bộ đội cụ Hồ, những chàng lính trẻ đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự ngã xuống của các anh đã mang đến cho thế hệ sau một cuộc sống hòa bình, ấm no. Bản thân thế hệ trẻ phải luôn ghi lòng tạc dạ công ơn to lớn của họ, những người anh hùng đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc. Không chỉ đối tốt với ông bà cha mẹ mà người ta còn thể hiện lòng hiếu thảo đối với tất cả những người xung quanh.
Sự hiếu thảo làm cho cuộc sống ngày càng thêm đẹp. Nó là sợi dây gắn kết các thành viên, các thế hệ trẻ lại với nhau. Con cháu biết yêu thương, kính trọng ông bà cha mẹ, những bữa cơm tràn ngập tình thân và những tiếng cười vui vẻ. Mọi người sống với nhau có tình có nghĩa hơn. Còn gì hạnh phúc hơn khi hằng ngày ta được nhìn thấy nụ cười của mẹ, của cha. Nó là ngọn lửa hồng trong đêm lạnh giá, sưởi ấm những trái tim đang hết mình vì Tổ quốc. Nhờ hiếu thảo mà tình cảm gia đình sẽ không ngừng được vun đắp. Con cái có nơi để về sau những ngày làm việc mệt mỏi, cực nhọc, cha mẹ cũng sẽ vui vẻ, hạnh phúc nhìn những đứa con ngày càng trưởng thành. Nếu không có tình thương, không có lòng hiếu thảo thì con người sẽ nhìn nhau bằng một cái nhìn thờ ơ, lạnh lùng. Lúc đó, gia đình cũng đâu còn là gia đình nữa. Con nhìn mẹ bằng cái nhìn vô cảm, mẹ nhìn con bằng ánh mắt thất vọng, tủi hờn. Sẽ thật ngột ngạt khi gia đình thiếu tình thương yêu và sự quan tâm chân thành.
Lòng hiếu thảo còn là thước đo để đánh giá một con người. Nếu chúng ta không biết kình trên nhường dưới, không đối xử tốt với ông bà, cha mẹ thì dù ta có tài giỏi đến đâu cũng chỉ là một đứa bất tài. Xã hội sẽ nhìn ta bằng thái độ khinh thường, trách móc. Hiếu thảo là nhân cách của con người, nó làm nên giá trị của bản thân mỗi người. Vậy nên chúng ta hãy biết tu dưỡng đạo đức, biết hiếu thảo với cha mẹ ngay khi còn có thể. Đừng để đến khi cha mẹ không còn nữa ta mới kịp nhận ra thì đã quá muộn. Thực tế có rất nhiều người vô tâm với cha mẹ, vong ơn bội nghĩa đối với những người đã giúp đỡ mình. Họ cần bị lên án và bị trừng trị thích đáng cho lối sống ích kỉ của mình. Chính họ đã tạo nên vết nhơ cho tâm hồn con người, cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, hiếu thảo là đức tính cần có và phải có ở mỗi người. Không có lòng hiếu thảo thì cũng như giá trị của con người cũng chỉ là con số không. Chúng ta cần nhìn lại bản thân và có những thay đổi trong cách cư xử với ông bà cha mẹ để xứng đáng với công ơn trời bể mà họ đã dành cả cuộc đời mình để mang đến cho ta một cuộc sống bình yên, hạnh phúc.