Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết một bài văn giải thích câu ca dao sau

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.051
0
0
•Hanna•
16/05/2020 17:33:52

Từ bao đời nay, khi những người mẹ, người bà cất lên lời hát ru con ru cháu từ những câu ca dao quen thuộc, gần gũi, thì trong nôi, mỗi đứa trẻ đã được nghe về lòng yêu thương và sự gắn bó của con người Việt Nam trong cuộc sống. Bởi ca dao là tiếng nói của tâm hồn Việt, là sự ngợi ca truyền thống đoàn kết bao đời, mà từ đó, chúng ta có nguồn sức mạnh để vượt qua thiên tai, địch họa. Một trong những câu ca dao thân thương, gần gũi nhất với chúng ta:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Có thể nói, người xưa rất khéo léo, tinh tế khi mượn những hình ảnh giản dị trong cuộc sống của nhân dân lao động để chuyển tải những ý tứ lớn lao, cao đẹp. Bầu và bí là hai loài cây được trồng nhiều ở nông thôn Việt Nam. Người dân có thể trồng bầu và bí trên cùng một giàn, dây leo của chúng quấn quýt chẳng phân biệt, khiến cho giàn cây ngày càng xum xuê, xanh tốt, đẹp đẽ. Dân tộc Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em, cũng như những loài cây quấn quýt bên nhau trên dải đất hình chữ S thân thương. Họ cùng nhau sinh sống, lao động, chiến đấu, nâng đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Đó là một truyền thống vô cùng cao đẹp.

Truyền thống yêu thương và đoàn kết đã được khẳng định bởi những minh chứng trong suốt chặng đường lịch sử Việt Nam. Chính tinh thần đoàn kết của nhân dân ta đã tạo nên nét đẹp văn hóa của nền văn minh lúa nước lâu đời, đó là sự hỗ trợ nhau để cùng canh tác, để khắc phục thiên tai, xây đời no ấm. Hệ thống đê điều vĩ đại ở đồng bằng Bắc bộ là bằng chứng hùng hồn cho truyền thống lâu đời, cao đẹp đó. Người dân lao động xưa còn gắn bó với nhau trong tình làng nghĩa xóm, "bán anh em xa, mua láng giềng gần", hay "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau". Lời nhắn nhủ của bầu và bí về tình yêu thương đã được thể hiện giản dị mà sâu sắc như thế đó.

Truyền thống yêu thương, đoàn kết còn được bộc lộ rõ nhất khi Tổ quốc lâm nguy, khi giặc ngoại xâm giày xéo mảnh đất thân thương, gieo tội ác xuống đời thanh bình của nhân dân. Khi đó, sức mạnh để ta thắng giặc chính là sức mạnh kết thành một khối của cả dân tộc. Thời Lý, để tạo sức mạnh cho toàn quân đánh tan giặc Tống trên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã viết lên bài thơ "thần" nổi tiếng rằng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...". Chính từ đó mà sĩ khí lên cao, đánh thắng giặc mạnh. Hay đến đời nhà Trần, trong Hịch tướng sĩ, Trần Hưng Đạo cũng khẳng định tình cảm gắn bó với tướng sĩ: "Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Đi thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười". Đó chính là nguồn cội để dân tộc Việt Nam thắng quân xâm lược Mông Nguyên hung tàn đến tận ba lần. Cũng tương tự như vậy, trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô, tác giả Nguyễn Trãi đề cao sự gắn bó, đoàn kết của quân dân, để cùng nhau đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đời thái bình thịnh trị. Đó là những câu:

"Nhân dân bốn cõi một nhà,
Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử,
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều."

Phát huy truyền thống ấy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác Hồ luôn nêu cao chân lý "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!". Từ đó, cả dân tộc đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, như dây bầu dây bí, tuy mỏng manh, nhưng khi gắn bó với nhau, kết lại trong tình yêu thương, đoàn kết thì tạo ra sức mạnh vô địch.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, tình "bầu thương lấy bí cùng" ấy vẫn được phát huy trong mọi hoàn cảnh. Mỗi khi miền Bắc, miền Trung hay miền Tây gặp thiên tai, thì ở khắp nơi lại dậy lên những phong trào "lá lành đùm lá rách", hỗ trợ đồng bào vượt qua phút khó khăn, thử thách. Cũng nhờ đó, nhiều người cơ nhỡ bất hạnh được hỗ trợ, có cơ hội tìm được bình yên và hạnh phúc cho mình. Tính "bầu bí" sao mà đẹp đến thế! Ta lại nghĩ đến một câu ca khác tương tự:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"

Thấm nhuần truyền thống cao đẹp của dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay càng trân trọng thêm tình đồng bào, và đó chính là một biểu hiện của tình yêu đất nước. Để phát huy truyền thống, những người trẻ nên biến yêu thương thành hành động cụ thể: Tham gia công tác xã hội, giúp đỡ nhân dân, đi đầu trong mọi hoạt động hữu ích...

Thế đấy, dù thời gian có trôi đi, những giá trị chân chính và đẹp đẽ của người Việt Nam cũng không bao giờ có thể phai mờ. Những giá trị ấy còn được lưu giữ trong lời ca dao, và tỏa sáng trong đời thường của người Việt Nam hôm nay, giúp cho đất nước ta ngày càng lớn mạnh, vững bền.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0

 “Trái bầu xanh, trái bí xanh theo gió trong lành cất tiếng hát vui chung. Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn…”. Lời bài hát được phổ nhạc theo câu ca dao quen thuộc kia đã ngân nga khắp nơi để ươm mầm cho thứ tình cảm tốt đẹp trong cuộc sống đó chính là tình thương. Ông cha ta đã giáo dục thế hệ sau về sự đùm bọc, yêu thương lẫn nhau qua những hình ảnh giản dị gần gũi thông qua câu ca dao”

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

   Chúng ta ắt hẳn không còn xa lạ với hình ảnh bầu bí, hai thứ quả, hai món thức ăn quen thuộc trong đời sống thường ngày. Đặc điểm sinh học của hai loại này là thân leo, thường được trồng cùng nhau trên một giàn hoặc leo lên cùng một cây. Chúng có cùng môi trường và điều kiện sống. Thân bí mềm, thân bầu cũng mềm, phải dựa vào giàn tre và vào nhau để phát triển, chính vì thế mà chúng trở nên gần gũi, thân thiết với nhau.

   Vì “chung một giàn” nên bầu bí đều cùng nhau trải qua nắng mưa, cùng nhau đơm hoa kết trái. Tuy rằng trái bầu thì tròn, trái bí thì dài nhưng đều cùng lớn lên với nhau nên bầu và bí đều cùng nhau kết lại, đan chặt vào nhau tạo nên hoa trái cho đời.

   Câu ca dao nói về bầu và bí nhưng lại là câu chuyên con người, chuyện cuộc đời. Ông cha ta đã khuyên con cháu một lời khuyên chân thành, kín đáo mà tha thiết, tế nhị qua hai câu ca dao này.

   Mỗi chúng ta đều có những nguồn gốc xuất thân và hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có nhiều điểm giống nhau. Anh chị em cùng một cha mẹ sinh ra, bạn bè cùng nhau đi học chung một trường, những người sống cùng với nhau trong một xóm làng,…tất cả có thể trở nên gắn bó thân thiết đều dựa vào chất keo là tình thương. Trong cuộc sống hằng ngày nếu chúng ta biết san sẻ, nhường nhịn nhau, đùm bọc nhau thì cuộc sống sẽ trở nên ấm áp, hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương. Không một cá thể nào có thể tồn tại nếu sống tách biệt, riêng lẻ với xã hội. Vì thế, chúng ta luôn cần đến sự tương thân tương ái, cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống cho dù không cùng một điều kiện và một điểm khởi đầu.

   Cha ông ta ngày xưa dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu thương lẫn nhau vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ. Chúng ta mãi nhớ về trận đói năm 1945 với những mất mát đau thương nhưng cũng không bao giờ quên những cuộc phát động nhường cơm sẻ áo diễn ra rất sôi nổi. Đồng bào ta sẵn sàng bớt đi những bữa cơm cuối cùng để cho nhau bữa cháo. Hay những trận lũ lụt cũng đã bớt dần đi nhờ công cuộc hộ đê của nhân dân. Từ những ngày khó khăn, đói kém nhất cho đến ngày no đủ, mọi thứ có thể khác đi duy chỉ có tình thương là còn mãi.

   Truyền thống tốt đẹp của cha ông ta ngày xưa cho đến nay vẫn được con cháu noi theo và phát huy. Đó là những hoạt động thiện nguyện không ngừng nghỉ của những nhà hảo tâm dành cho các bạn nhỏ khó khăn vùng cao tại Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu,… ủng hộ sách vở, áo ấm, thức ăn để giúp các em vượt qua mùa đông lạnh giá và có một cái tết ấm no. Đó là sự hỗ trợ kịp thời thuốc men, thức ăn, những vật dụng cần thiết cho đồng bào lũ lụt tại miền Trung khi mỗi mùa mưa bão về. Chúng ta cũng có thể thấy tình yêu thương được lan tỏa thông qua các hành động giúp đỡ người vô gia cư, người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ của rất nhiều cá nhân và đoàn thể. Còn rất nhiều hoạt động san sẻ ý nghĩa khác vẫn diễn ra hằng ngày mà chúng ta chưa thể nói hết, chỉ có thể khẳng định một điều rằng trong cuộc sống này những điều tốt đẹp xuất phát từ tình yêu thương vẫn đang còn hiện hữu và sẽ không ngừng lan tỏa.

   Với đặc điểm là một nước thuần nông nên dân tộc ta có sự gắn kết công đồng rất chặt chẽ. Mối quan hệ đó đã làm cho ngọn lửa tình thương trong mỗi con người không bao giờ ngừng cháy, dân tộc ta đã coi đó là một truyền thống quý báu truyền từ đời này sang đời khác.

   Hiện nay cho dù cuộc sống có nhiều thay đổi, con người chú trọng đến cái tôi, cái riêng nhiều hơn nhưng truyền thống đoàn kết, yêu thương lẫn nhau vẫn có giá trị trường tồn. Điều đó đã làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×