Tài nguyên
Đồng bằng sông Cửu Long không giàu khoáng sản. Khoáng sản chủ yếu là than bùn và đá vôi. Ngoài ra đồng bằng còn có các khoáng sản vật liệu xây dựng như sét gạch ngói, cát sỏi....
Tài nguyên rừng cũng giữ những vai trò quan trọng, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn ven biển lớn nhất Việt Nam, trong đó hệ thống rừng ngập mặn Mũi Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, bên cạnh đó là những cánh rừng tràm ở U Minh Cà Mau, Đồng Tháp với một hệ thống sinh học vô cùng đa dạng.
Nông nghiệp
Phong cảnh làng quê tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với mái nhà rơm làm chuồng bò
Cau được trồng bên đường ở phường Thường Thạnh, thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
Một cánh đồng ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn, An Giang, Việt Nam) vào mùa nước nổi.
Mặc dù diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng miền Tây đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.[37] Lúa trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Diện tích và sản lượng thu hoạch chiếm hơn 50% so với cả nước. Bình quân lương thực đầu người gấp 2,3 lần so với lương thực trung bình cả nước. Nhờ vậy nên Đồng bằng sông Cửu Long là nơi xuất khẩu gạo chủ lực của cả đất nước. Ngoài ra cây ăn quả còn là đặc sản nổi tiếng của vùng, với sự đa dạng về số lượng, cũng như chất lượng ngày càng được nâng cao
Nghề nuôi vịt đàn phát triển mạnh, nuôi nhiều ở Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng.
Thủy sản
Sản lượng thủy sản chiếm 50% cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và An Giang. Kiên Giang là tỉnh có sản lượng thủy sản săn bắt nhiều nhất, 239.219 tấn thủy sản (năm 2000). An Giang là tỉnh nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng với sản lượng 80.000 tấn thủy sản (năm 2000). Nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đang phát triển mạnh, theo quy mô công nghiệp.
Công nghiệp
Ngành công nghiệp phát triển rất thấp, chủ yếu là ngành chế biến lượng thực. Cần Thơ là trung tâm công nghiệp của cả vùng bao gồm các ngành nhiệt điện, chế biến lương thực, luyện kim đen, cơ khí, hóa chất, dệt may và vật liệu xây dựng.
Dịch vụ
Chèo thuyền trên sông
Khu vực dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các ngành chủ yếu: xuất nhập khẩu, vận tải thủy và du lịch. Xuất khẩu gạo chiếm 80% của cả nước. Giao thông đường thủy giữ vai trò quan trọng nhất.
Du lịch biển chủ yếu ở Kiên Giang với thắng cảnh đẹp ở Hà Tiên, Phú Quốc.
Du lịch tâm linh với nhiều chùa đẹp ở Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Du lịch sinh thái bắt đầu khởi sắc như du lịch trên sông nước, vườn, khám phá các cù lao. Du lịch bền vững bước đầu hình thành với sự thành công của khu nghỉ dưỡng bền vững Mekong Lodge tại Tiền Giang và nhiều địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Đồng Tháp. Tuy nhiên chất lượng và sức cạnh tranh của các khu du lịch không đồng đều và còn nhiều hạn chế.