Phận làm con cái thì nghe lời ông bà cha mẹ là một đức tính cũng là phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà người con phải học tập. Ca dao có câu: “Cá không ăn muối cá ươn – Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.
Cá khi không được ướp bằng muối thì thường sẽ bị ươn, bị hỏng. Cá bị ươn lên sẽ mất độ ngon và không còn nguyên giá trị sử dụng. Để chế biến và bảo quản cá, thông thường người dân thường ướp muối cho cá ngay sau khi làm sạch. Con cái cưỡng cha mẹ ở đây ý muốn nói tới việc người con không biết nghe lời, thường xuyên cãi lại và làm trái lời răn dạy của cha mẹ; những người con như vậy thường sẽ rất hư đốn. Câu ca dao với bút pháp so sánh đã chỉ ra rằng, con cái mà không biết làm theo lời dạy bảo của ông bà cha mẹ thì cuối cùng cũng chỉ trở nên hư hỏng.
Cha mẹ luôn là người yêu thương con cái nhất. Công cha như núi Thái Sơn – Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ – mây trời lồng lộng không phủ kín công cha. Không ai có thể quan tâm lo lắng được cho một con người hơn là cha mẹ của người đó. Cha mẹ luôn chỉ làm những điều gì tốt nhất cho con của mình, dù có phải hy sinh bản thân mình. Chính vì vậy, nghe lời cha mẹ là điều mà phận làm con nên làm và có nghĩa vụ phải làm.
Cha mẹ thường răn dạy con mình những điều hay lẽ phải, những đức tính tốt đẹp trong cuộc sống của con người. Cha mẹ dạy con phải biết kính trên nhường dưới, vâng lời thầy cô, quan tâm bạn bè, biết những luân thường đạo lý, yêu thương đồng loại “lá lành đùm lá rách”, biết trân trọng công sức lao động của người dân “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”, có những hành vi lối sống trong sạch “giấy rách phải giữ lấy nề”, “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, biết lao động cần cù “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”… Những điều cha mẹ dạy con mình là những trải nghiệm, những bài học được đúc kết từ thế hệ cha ông ngàn đời, từ sự học tập và cả quá trình từng trải với kinh nghiệm dày dặn trong cuộc sống. Tất cả những điều đó được họ tích lũy, chắt lọc và đem ra bảo ban con mình mong con trở thành một người tốt, một đứa trẻ biết điều, biết đối nhân xử thế, ứng xử theo đúng văn hóa và đạo đức tinh thần của người Việt.
Những đứa trẻ không nghe lời cha mẹ thường lả những đứa trẻ nghịch ngợm phá phách. Nhiều bạn còn trở nên hư hỏng, vướng phải những thói hư tật xấu bé thì trộm kim lớn thì trộm vàng, hùa theo những dụ dỗ cùng lối sống sai lầm.
Ngày nay, do sự ảnh hưởng của công nghệ cùng sự thay đổi của đời sống xã hội, con cái càng cần hơn nữa những giáo dục định hướng từ cha mẹ. Cha mẹ, gia đình là cái nôi cho con phát triển và trưởng thành, là môi trường đầu tiên cho con học tập và cũng là môi trường ảnh hưởng đến con nhiều nhất. Con cái không nên hắt hủi, cho rằng cha mẹ cổ hủ, bảo thủ mà mải chạy theo lối sống phóng khoáng bên ngoài, bỏ ngoài tai những lời dạy của cha mẹ.
Tuy vậy, câu ca dao cũng không nên hiểu theo ý nghĩa ý cha mẹ là ý trời, con cái phải nhất nhất làm theo lời cha mẹ. Tránh những tư tưởng áp đặt, chủ quan của phụ huynh chẳng hạn quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy của thời đại trước hay việc bắt con cái phải học tập quá tải phải lấy thành tích cao, thi trường này trường kia như nhiều trường hợp hiện nay.
Câu ca dao là một bài học sâu sắc cho con cái trong bước đường trưởng thành, dạy con phải biết nghe lời, biết kính hiếu với ông bà cha mẹ. Kinh nghiệm, sự từng trải và tình yêu thương của cha mẹ qua những lời dạy dỗ sẽ giúp con hiểu biết hơn, trưởng thành hơn trong cuộc sống và những lời dạy ấy sẽ đi theo con suốt cuộc đời, trở thành những bài học trong tiềm thức của mỗi con người.