Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là câu chuyện đẹp, nhẹ nhàng và bình dị kể về cuộc sống của những con người trong thời kỳ xây dựng đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Trong đó tác giả làm toát lên vẻ đẹp hiếm có của anh thanh niên làm nhiệm vụ trên núi cao và khát vọng sống, khát vọng cống hiến bất diệt.
Với giọng điệu nhẹ nhàng, trữ tình, sâu lắng; những trang viết mộc mạc, chân thực của Nguyễn Thành Long đã khiến cho trái tim người đọc thổn thức với bao nhiêu cảm xúc đẹp. Hình ảnh anh thanh niên được khắc họa đậm nét trong từng trang viết. Người đọc có một cái nhìn mới mẻ, khách quan hơn đối với những người đang ngày đêm thầm lặng cống hiến cho quê hương, tổ quốc. Anh thanh niên không có tên cụ thể, tác giả chỉ gọi anh là “anh thanh niên”, có lẽ đó là dụng ý nghệ thuật của tác giả.
Anh thanh niên ấy chính là trung tâm của truyện ngắn. Anh không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm mà chỉ có mặt trong cuộc gặp gỡ chốc lát với người họa sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường và bác lái xe. Ngay cả đến tên anh, tác giả cũng không giới thiệu. Song dù chỉ gặp anh trong ba mươi phút ngắn ngủi người “cô độc nhất thế gian” ấy đã khiến người đọc rung cảm và xúc động trước vẻ đẹp tâm hồn lấp lánh, trước chân dung của một người lao động lặng lẽ cống hiến cho đất nước trong cái lặng lẽ của Sa Pa.
Đến với những trang viết tinh tế và đầy cảm xúc của Nguyễn Thành Long, người đọc thật sự ấn tượng trước hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên “ một người lao động chân chính, thật ấn tượng trước hình ảnh một người thanh niên tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng ngời. Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng chỉ có mây núi, cây cỏ Sa Pa làm bạn. Một cuộc sống như vậy chẳng lẽ lại khiến anh cô đơn, buồn tẻ? Công việc của anh cũng hết sức gian khó. Anh là một cán bộ khí tượng kiêm vật lý địa cầu “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây. Công việc ấy không khó nhưng gian lao lắm. Quên sao được những đêm gió tuyết, giá rét khi anh làm việc! Quên sao được cái lặng im đáng sợ của Sa Pa lúc nửa đêm! Quả thật, hoàn cảnh sống gian khó vất vả, cô đơn ấy của anh đã khiến người đọc cảm phục anh biết nhường nào.
Anh là một chàng thanh niên, đã hai mươi bảy tuổi nhưng chưa có người yêu. Anh chấp nhận rời xa cuộc sống đô thị ồn ào, rời xa gia đình để gắn bỏ với công việc. Một công việc phức tạp, vất vả: “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Qua những lời tâm sự của anh về công việc ta đã phần nào hình dung được sự khó khăn, nguy hiểm của công việc. Chẳng những phải dậy đúng giờ “ốp” – vốn vẫn rất thất thường – mà phải đối mặt với những khắc nghiệt của thời tiết của thiên nhiên: gió, bão, tuyết, hoang thú,… Và đáng sợ hơn nữa là sự cô độc. Nhưng anh thanh niên đã chiến thắng tất cả để giữ được một trái tim ấm áp, một tinh thần lạc quan, yêu đời. Anh triết lí về công việc của mình: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Được làm việc có ích đối với anh thế là niềm vui. Hơn nữa công việc của anh gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí khác ở những điểm cao hơn hoặc thấp hơn.
Ngoài ra, đọng lại trong lòng mỗi người đọc là phong cách sống của anh. Thật ngỡ ngàng khi người thanh niên ấy sống một mình cô đơn trên núi cao mà lại tổ chức; sắp xếp, được một cuộc sống nề nếp, ngăn nắp, khoa học. Cuộc sống xung quanh bỗng trở nên thật đẹp dưới bàn tay của anh, căn nhà nhỏ sạch sẽ, gọn gang, những hàng sách được xếp ngay ngắn trên giá, vườn hoa rực rỡ, mang đậm hơi thở Sa Pa với “hoa đơn, hoa thược dược, vang tím, đỏ, phấn, tổ ong”.
Đặc biệt anh rất hồ hởi, cởi mở với mọi người, gặp mỗi người trên chiếc xe từ Hà Nội lên Sa Pa, anh vui mừng khôn xiết như gặp lại bạn cũ vậy. Gặp ông họa sĩ và cô kĩ sư, anh không một chút ngần ngại mời hai người lên nhà chơi. Anh đã tặng cô kĩ sư một bó hoa thật to “Tôi cắt thêm mấy cành nữa. Rồi cô muốn lấy bao nhiêu nữa tùy ý. Cô cứ cắt một bó rõ to vào. Có thể cắt hết “nếu cô thích”, và anh kể chuyện say mê, hồ hởi như đang tâm tình với hai người bạn tri kỉ. Sự cởi mở của anh thật đáng trân trọng làm sao.
Công việc vất vả,có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường,nhỏ bé so với bao ngừơi khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình: “Không, không,bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn. Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn,to hơn. Đó là “người cán bộ nghiên cứu sét,11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”…Dù còn trẻ tuổi,anh thấm thía cái tình nghĩa của mảnh đất Sa Pa,thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước. Mặc dù công việc vất vẻ, khó nhọc nhưng anh không bao giờ kêu than hay tự hào về mình điều gì hết. Anh luôn thấy những đóng góp của mình là nhỏ bé trước người khác.
Như vậy với cốt truyện nhẹ nhàng, tinh cảm nhưng Nguyễn Thành Long đã gieo vào lòng người đọc về xúc cảm về hình ảnh một con người hi sinh thầm lặng ở một nơi hoang vắng. Chúng ta càng thêm trân trọng hơn những con người đang ngày đêm vì đất nước.