Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy chứng minh câu nhận xét sau đây qua ca dao tục ngữ nhân dân ta bộc lộ tình cảm yêu thương con người, hãy làm sáng tỏ nhận xét đó

hãy chứng minh câu nhận xét sau đây qua ca dao tục ngữ nhân dân ta bộc lộ tình cảm yêu thương con người hãy làm sáng tỏ nhận xét đó

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
528
1
2
Đăng Nguyễn
07/06/2020 21:34:07

Ca dao ra đời từ ngàn xưa, gắn với cuộc sống trăm đắng ngàn cay nhưng đậm tình nặng nghĩa. Những câu hát phản chiếu đời sống tâm hồn, đời sống tình cảm của người bình dân, chứa đựng những đạo lí dân gian sâu sắc.

Những đề tài ca dao bắt nguồn từ thực tế cuộc sống lao động sản xuất và những sinh hoạt đời thường, từ những rung động tinh tế trước thiên nhiên, từ đời sống thuần hậu chất phác của người lao động. Chính vì thế, những hình ảnh ca dao mộc mạc nhưng mang theo bao hơi thở tâm tình, những nỗi niềm thân phận. Toát lên từ những lời ca là ý thức về phẩm giá, nhân cách, là những tình cảm thương nhớ đợi chờ, là khát vọng được sẻ chia, là ước ao về cuộc sống thủy chung mặn nồng.

Ta hãy nghe những lời tình tự trong mô-tip thân em quen thuộc của ca dao:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Không ngẫu nhiên đâu, khi những ví von về người phụ nữa lại gắn với hình ảnh “tấm lụa đào” gợi cảm, vừa mềm mại dịu dàng như bản tính cố hữu của người phụ nữ, vừa tươi tắn sắc đào tươi như sức sống mãnh liệt của tâm hồn. Thế nhưng tấm lụa cao quí ấy đã trở thành món hàng trao đổi – phất phơ giữa chợ. Thân phận người phụ nữ ngày xưa là thế, mỏng manh, phụ thuộc không biết đi đâu về đâu giữa dòng đời trong đục khó phân. Bởi thế, lời ca dao như một tiếng than, ngậm ngùi trong câu hỏi vọng lên biết vào tay ai? Dẫu phải rơi vào những nghịch cảnh như vậy, những lời ca về thân em vẫn toát lên một niềm kiêu hãnh về phẩm giá:

Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.

Trong lời ca dao này, chứa đựng cái nhìn dân gian quanh việc đánh giá hình thức - nội dung, hiện tượng - bản chất qua một so sánh trực quan với củ ấu gai nhỏ bé. Vẫn là cách nói nhún nhường thân em, nhưng kín đáo bộc lộ vẻ đẹp “ruột trong thì trắng” đối lập với vẻ bề ngoài đen đủi xấu xí. Lời nhắn nhủ “ai ơi nếm thử mà xem” vừa như trách móc, vừa như thiết tha mong mỏi ai ơi kia sẽ đến với nhau vì cái “ngọt bùi” nồng nàn tình nghĩa. Không chỉ là tiếng nói tỏ bày tấm lòng, bài ca dao còn ẩn chứa nỗi niềm cay đắng thân phận, bởi lẽ người đời đôi khi lại phũ phàng thờ ơ với những vẻ đẹp thực chất mà đuổi theo cái hào nhoáng bề ngoài. Bởi thế, những tâm tình cất lên như một sự cảnh tỉnh, một lời nhắc nhở con người đến với nhau bằng tấm lòng.

Ca dao có khả năng chắt lọc nghệ thuật sống từ chính những cái cụ thể gần gũi trong đời sống hàng ngày để tạo ra những liên tưởng gắn với thế giới tâm hồn phong phú tinh tế, với những tình cảm phức tạp của con người. Một vị khế chua mang theo bao xót xa cho tình duyên không trọn vẹn. Những nghịch cảnh bất công trong cuộc đời cũ luôn là lực cản khiến cho đôi lứa phải chia lìa. Trong những trái ngang ấy, lời ca dao cất lên bao thiết tha nhung nhớ:

… Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng
Mình ơi! có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời

Tâm sự “mình –ta” biết bao quyến luyến! Mô-tip mình - ta bao giờ cũng đọng lại những ân tình sâu nặng trong đời sống tình cảm của người bình dân. Tình yêu đôi lứa được sánh với ánh sáng mặt trăng, mặt trời, đặc biệt là các liên tưởng gắn với sao Hôm sao Mai –tuy hai mà một thật khắng khít. Từ đó hướng tới những giá trị cao cả bất tử của tình nghĩa dành cho nhau. Và cũng thật thú vị biết bao khi ánh sao kia lại biến thành “sao Vượt” băng qua bao trở lực đón nhận tình cảm nồng nàn. Ca dao đã diễn tả nỗi lòng hướng về nhau thật tinh tế:

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai…


Bài ca khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lối nhân hóa để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, cách gieo vần linh họat, cách cấu tạo truyền thống kết hợp những câu thơ bốn chữ với hai câu lục bvát cuối cùng... Qua nỗi thương nhớ và niềm lo âu đc diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương và khao khát yêu thương của ngừơi bình dân xưa.

Bên cạnh mảng ca dao trữ tình, ca dao hài hước cũng phản chiếu một khía cạnh khác trong tâm hồn của người bình dân ngày xưa, chứa đựng tinh thần lạc quan, sức sống mạnh mẽ và tinh thần phản kháng của nhân dân. Không những thế, tiếng cười trong ca dao cũng chính là những uất ức bất bình , những thái độ ứng xử , điều chỉnh hành vi , hướng tới một cuộc sống tốt đẹp công bằng hơn.

Ca dao hài hước chứa đựng cái nhìn, thái độ, tình cảm của người bình dân trước các hiện tượng đời sống, mối quan hệ tình cảm giữa người với người. Không những thế tiếng cười còn là vũ khí tinh thần giúp họ vượt lên bao khó khăn của đời sống. Tiếng cười trong ca dao phong phú nhiều cung bậc, có khi là tiếng cười trào lộng dí dỏm, có khi là tiếng cười chua chát trước sự thật đáng cười đáng chán, cũng có khi là tiếng cười phản kháng trước thực trạng xã hội còn nhiều bất công ngang trái.

Từ thực tại còn nhiều vất vả cay cực, người bình dân đến với nhau trong tiếng đùa vui, mượn tiếng cười ngỏ bày tâm tình một cách ý vị:

Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn…

Chàng trai ngỏ lòng với cô gái bằng lối nói khoa trương để cho thấy ngay rằng anh đang đùa. Nhưng liệu có phải hoàn toàn là một lời nói đùa không? Có thể hình dung ra hoàn cảnh của đôi nam nữ yêu nhau qua bài ca dao : họ sống nghèo khổ nhưng vô cùng lạc quan. Lời đối đáp có chút tinh nghịch nhưng cũng thoáng chút ngậm ngùi cho phận nghèo. Ngôn ngữ phóng đại khoa trương khỏa lấp đi một sự thật mà người đời quen gọi là “nói khoác” thực ra đã mang một ý vị chua chát đả phá vào những hủ tục ngăn cách con người tìm đến với nhau. Chàng trai đã có những lễ vật dẫn cưới thật sang trọng: dẫn voi, dẫn trâu, dẫn bò… nhưng cuối cùng lại là con chuột béo thật ấn tượng. Lí giải thật hợp tình hợp lẽ : con voi to đùng kia là hàng quốc cấm – phép nước luật vua không cho phép, dẫn trâu dẫn bò thì lo họ hàng nhà gái máu hàn, rút gân – chứng tỏ chàng trai là người “chu đáo” với đàng gái biết bao! Sợ cho nhà gái hay là một lời đay nghiến, mỉa mai những người đã nghĩ ra chuyện thách cưới ác nghiệt khiến cho đôi lứa phải chịu cảnh dở khóc dở cười. Con chuột béo là một thái độ đáp lại bằng cách giễu cợt cay chua. Nhưng lời đáp lại của cô gái dù đùa vui mà lại ẩn chứa một nỗi lòng đáng quí :

Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là…
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang…

Ngầm chứa trong lời đáp là sự động viên chàng trai vững tâm để đi đến hạnh phúc. Vẫn là thách cưới nhưng chàng trai hoàn toàn có thể đáp ứng được bằng chính sức lao động của mình. Cái tinh tế trong lời cô gái vừa là phản ứng trước việc thách cưới phá ngang , vừa là mong mỏi chàng trai là người cần cù siêng năng xứng đáng với tấm tình của cô. Không những thế, cô còn đem tới lời nhắn nhủ về sự cần kiệm: củ to mời làng, củ nhỏ mời họ, và không bỏ sót củ mẻ, củ rím, củ hà. Lời đáp khéo léo ấy đem lại niềm hy vọng và lạc quan về hạnh phúc.
Tiếng cười dân gian trong ca dao quả thật đã chứa đựng nghệ thuật sống của người bình dân ngày xưa. Tiếng cười ấy phản chiếu tinh thần của những người lao động luôn biết vượt lên hoàn cảnh, những bất công ngang trái, những khó khăn thực tại để lạc quan yêu đời. Tiếng cười ấy là sức sống tâm hồn khoẻ khoắn của những con người luôn ý thức giá trị bản thân, luôn mong muốn cuộc sống tốt đẹp công bằng.
 

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
tttmtueeminh
08/06/2020 12:29:25
Tục ngữ, CA DAO là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc ta. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Do đặc điểm nội dung và hình thức ngắn gọn, có vần, dễ nhớ nên nó luôn luôn được nhân dân vận dụng, truyền miệng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy nó luôn được trau chuốt mà vẫn giữ được cái hồn, cái hình mặc dù có thay đổi một vài từ khi đến "cư trú" ở các địa phương khác nhau.
Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân đã được đúc kết lại dưới những hình thức tinh giản mang nội dung súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người. Nói như Gorki: "Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử của nhân dân lao động". (Gorki bàn về văn học, NXB Văn học, H. 1965, tập I, trang 229) Đồng thời tục ngữ cũng biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian. Gắn với lao động, với tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử, xã hội, nhân dân đã bộc lộ một cách sâu sắc kinh nghiệm sống, lối sống, tư tưởng đạo đức của mình. 
Trong tục ngữ, qua những nhận xét tinh tế về thời tiết; về những kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, những phê phán sắc sảo: "Nén bạc đâm tọac tờ giấy", "Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ"; những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa: "Người là hoa đất"; "Người sống đống vàng"; những đức tính quý báu của nhân dân: "Có công mài sắt có ngày nên kim"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; những chân lý từ ngàn đời: "Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn"; "Nước chảy đá mòn"; "Tre già măng mọc"... ý nghĩa của tục ngữ trước hết là ở nội dung. Tuy nhiên ý nghĩa của thể loại này còn ở chỗ biểu hiện được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc, ở chỗ chứng minh được rằng ngôn ngữ văn học dân gian là mẫu mực về tính chính xác, tính sinh động và tính hình tượng. Qua tục ngữ có thể thấy cách nhân dân phát huy những ưu điểm của tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp để biểu hiện tư tưởng của mình. Thông qua việc sáng tác tục ngữ, nhân dân đã rèn đúc, mài giũa ngôn ngữ dân tộc và làm cho nó ngày càng tinh xảo, chính xác, trong sáng và phong phú hơn.
Mỗi câu tục ngữ đều dùng hình ảnh, sự việc, hiện tượng cụ thể để nói lên ý niệm trừu tượng, dùng cái cá biệt để nói lên cái phổ biến vì vậy ở mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen (nghĩa hẹp) và nghĩa bóng (nghĩa rộng). Cái cụ thể, cá biệt tạo nên nghĩa đen; cái trừu tượng, phổ biến tạo nên nghĩa bóng. Đặc biệt là ở những câu tục ngữ nói về quan niệm, lối sống và đạo đức của nhân dân: "Môi hở răng lạnh", "Chó cắn áo rách", "Đục nước béo cò", "Năng nhặt chặt bị"...
Hình ảnh trong tục ngữ là những hình ảnh từ cuộc sống phong phú nhiều màu, nhiều vẻ được nhân cách hóa rất linh hoạt và sinh động: "Đũa mốc chòi mâm son", "Khố son bòn khố nâu"... hầu hết các câu tục ngữ đều có vần, nhiều nhất là vần lưng nên nhịp điệu nhanh, mạnh, vững chắc : "Được làm vua, thua làm giặc", "Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu", "Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm", "Gái một con trông mòn con mắt"... còn những câu không vần thường giữ được tính chất nhịp nhàng theo cách cấu tạo cân đối của các vế: "Già néo đứt dây", "Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn". Cũng có những câu không vần, không đối nhưng vẫn giầu chất nhạc, chất hàm súc của thơ: "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết", "Nằm trong chăn mới biết chăn có rận", "Dao sắc không gọt được chuôi"...
Nghệ thuật tục ngữ biểu hiện đầy đủ lối suy nghĩ dân gian của dân tộc về giới tự nhiên và đời sống xã hội đồng thời cũng biểu hiện cách nói của dân tộc ta qua nhiều thế hệ, trong tiến trình lịch sử lâu dài. Nếu như tục ngữ thiên về lý trí, đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống thì CA DAO lại thiên về tình cảm (nội dung trữ tình) và CA DAO là một thể loại đã thể hiện được hết cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn học dân gian. Cũng như tục ngữ hoặc bất cứ thể loại văn học nào khác, ý nghĩa chủ yếu có thể thấy ở CA DAO vẫn là về mặt nội dung, có điều là nội dung ấy thường đượm chất thơ. Nếu cho rằng một đặc điểm của thơ là ở chỗ biểu hiện một cách cô đúc nhất tư tưởng và tình cảm thì cũng có thể coi tục ngữ như là một dạng của thơ. Tuy nhiên chất thơ chỉ có thể thấy một cách đầy đủ và toàn diện trong ca dao. sở dĩ như thế một phần cũng chính là vì trong CA DAO không những hiện thực được phản ánh một cách cô đúc hơn là trong ngôn ngữ hàng ngày, hơn cả trong văn xuôi mà còn là vì trong CA DAO tư tưởng và tình cảm được chắp đôi cánh kỳ diệu của sự tưởng tượng, điều này ít thấy có ở trong tục ngữ.
(p/s: This is not mine)
 

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×