“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm thân gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Một trong những cái hay của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đó chính là miêu tả nội tâm của nhân vật. Từng dòng cảm xúc của Thúy Kiều qua cách chuyển tải của nhà thơ khiến độc giả không khỏi xúc động, bùi ngùi. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ độc đáo như vậy. Khi mà trong đoạn trích này, Kiều hoài niệm và nhớ thương cho hai chữ hiếu – tình.
Sau khi trao duyên cho em là Thúy Vân, Kiều theo Mã Giám Sinh về Lâm Tri để yên phận làm vợ, nào ngờ đó lại là chốn lầu xanh trêu hoa ghẹo bướm. Quyết giữ thân trong trắng, Kiều cự tuyệt và dùng mọi cách để không sa vào vũng bùn lầy nhơ nhuốc ấy. Đòn roi của mụ Tú Bà không khuất phục được ý chí giữ gì phẩm giá của người con gái đẹp. Mụ đưa Kiều vào lầu Ngưng Bích nhưng thực chất là giam lỏng và bắt đầu như âm mưu “thuần phục” nàng. Tại lầu Ngưng Bích, nhìn cảnh vật đượm nỗi ưu sầu với vẻ non xa, tấm trăng gần, cồn cát bụi bay mờ mịt, thời gian, không gian trôi qua vô hình vô định như chính cuộc đời nàng. Thương cho số phận của chính mình, Kiều nhớ về gia đình, nhớ về cha mẹ, nhớ về những người thân yêu và nhớ về mối tình dang dỡ với chàng Kim.
Trước hết, Kiều nhớ đến Kim Trọng. Đã có nhiều người phê phán rằng Kiều không phải là người con chí hiếu khi trong tình cảnh như thế này lại nhớ đến người yêu trước tiên. Có lẽ việc để Thúy Kiều nhớ về Kim Trọng trước cũng là một trong những dụng ý của tác giả. Trong cơn gia biến, Kiều đã phải hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ để cứu gia đình, Kiều đã phần nào “đền ơn sinh thành” cho cha mẹ. Vì thế trong lòng Kiều, Kim Trọng là người mất mát nhiều nhất, là người chịu tổn thương và đớn đau nhiều hơn tất cả, lời chia tay chưa kịp nói, lời giãi bày vẫn giữ trong lòng, nàng tự nhận mình là kẻ “thất tín”, “là người phụ bạc”, nỗi đau ấy cứ vò xé tâm can Kiều khiến Kiều luôn nghĩ đến Kim Trọng:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trong mai chờ”
Tại sao tác giả lại không dùng từ nhớ mà lại dùng từ “tưởng”? “Tưởng” có nghĩa là nhớ nhung, hồi tưởng, vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu. Nàng nhớ lại đêm thề nguyền, khi hai người “đinh ninh hai miệng một lời song song” đồng thanh, đồng lòng thề ước sống bên nhau trọn đời trọn kiếp. Nhớ về quá khứ, Kiều như tưởng tượng thấy ở nơi xa xôi kia, người yêu cũng đang hướng về mình, đang ngày đêm đau đáu chờ trông tin nàng .
“Tin sương luống những rày trông mai chờ”.
Nhớ về Kim Trọng, Kiều đau đớn nhớ ngày đêm mòn mỏi chờ trông chốn Liêu Dương xa xôi. Nàng nhớ người yêu với tâm trạng đau đớn:
“Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Từ láy “bơ vơ” như khắc sâu hơn sự đơn côi vào thân phận. “Tấm son” ấy có lẽ là tấm lòng son sắt, thủy chung của nàng Kiều vẫn một lòng một dạ thủy dung hướng về Liêu Dương không bao giờ thay đổi. “Tấm son” ấy cũng có thể là tấm lòng son nhưng bị những kẻ đê hèn như Tú Bà, Mã Giám Sinh vùi dập làm cho hoen ố, tủi nhục, không biết phải làm sao và làm thế nào mới gột rữa hết nỗi đớn đau mà nàng phải dày vò, chịu đựng. Bi kịch tình yêu gắn liền với nỗi đau về nhân phẩm. Ký ức ngày xưa bị chôn vùi trong thực tại phũ phàng.
Chưa vơi nỗi nhớ người yêu, tâm hồn Kiều lại đớn đau thêm khi nỗi nhớ cha mẹ chồng chất xót xa:
“Xót người tựa cửa ôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Quyết định bán mình chuộc cha, Kiều trở thành người con chí hiếu, dũng cảm hy sinh bản thân để mong cha mẹ thoát cảnh lao tù khốn đốn. Nhớ về cha mẹ, nàng thấy “xót” khi tưởng tượng ở chốn quê nhà, hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần. Nàng xót thương da diết và day dứt khôn nguôi vì không biết giờ đây ai là người chăm sốc cha mẹ khi thời tiết đổi thay, xót xa vì khi cha mẹ ngày một già yếu mà bản thân không thể “quạt nồng ấp lạnh”, phụng dưỡng song thân. Tác giả đã sử dụng các thành ngữ “rày trông mai chờ”, “quạt nồng ấp lạnh”, “cách mấy nắng mưa”, điển cố “Sân Lai, gốc tử” để nối lên sự cách trở tàn phá của thời gian cùng tâm trạng nhớ thương, lo lắng, tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.
Lẽ ra, trong hoàn cảnh này, Kiều là người đáng thương nhất, vừa phải xa người yêu, xa gia đình, vướng vào nhà chứa. Thế nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến “chín chữ cao sâu” trong đạo hiếu. Chỉ như vậy thôi cũng đã đủ chứng tỏ Kiều là con người thủy chung hiếu nghĩa và rất đáng trân trọng.
Miêu tả khách quan tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều bằng nghệ thuật độc thoại nội tâm, Nguyễn Du đã bước qua hàng rào tư tưởng phong kiến: đặt chữ tình trước chữ hiếu để khắc họa chính xác, chân thật tâm lý nhân vật. Qua đây cũng thấy được tấm lòng trân trọng vẻ đẹp phẩm chất con người, đặc biệt là người phụ nữ của thi nhân – một trong những biểu hiện cho cảm hứng nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du.