Thế kỉ 21 hiện đại – văn minh cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin là một cột mốc vĩ đại trong lịch sử loài người. Để bắt kịp nhịp sống hối hả của xã hội ngày nay những bạn trẻ chọn cho mình cách sắm sửa những chiếc điện thoại thông minh như những người bạn đồng hành vô cùng đáng tin cậy, như những “hành trang” quý báu để tiếp bước vào đời. Sở hữu được nó, rồi những bạn trẻ luôn nghĩ mình là chủ những chiếc điện thoại thông minh. Nhưng thực tế có phải lúc nào cũng vậy? Giữa các bạn và điện thoại thông minh ai mới là người chủ thật sự? Phải chăng giới trẻ hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ?
Người chủ là những người chủ sở hữu, trực tiếp điều hành và sử dụng những vật, những món hàng trong phạm vi sở hữu của mình. Người chủ của chiếc điện thoại thông minh ở đây là người có quyền điều khiển chúng theo mục đích sử dụng và theo ý thích của mình mà không bị bất kì lí do gì trì hoãn, gián đoạn. Đó là 1 lẽ. Nhưng khi bạn sử dụng sai mục đích, không biết phân bố thời gian hợp lí nó sẽ xảy ra theo một chiều hướng ngược lại. Khi đó chiếc điện thoại thông minh kia lại trở thành người chủ thật sự.
Như một lẽ thường tình, điện thoại thông minh dần trở thành một thiết bị cần thiết, được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống của chúng ta – những người trẻ hiện nay. Cũng nhờ những phương tiện thông tin như vậy mà nhiều bạn trẻ đã được hổ trợ trong học tập đáng kể. Các bạn có thể trao đổi phương pháp học tập, giúp nhau giải những bài toán hóc búa, chia sẻ cách giải quyết những đề văn … bất kể thời gian mà không cần phải mặt đối mặt như trước kia nữa. Chúng ta có thể lên mạng tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân, nâng cao – mở rộng kiến thức, tìm tòi những cái hay cái mới hoặc để nắm vững kiến thức hơn.Nhờ vậy đỡ phải mất nhiều chi phí đi học ngoài giờ mà vẫn có thể cải thiện học tập. Không chỉ vậy mà khi những người thân ở cách xa nhau hàng nghìn kilomet cũng có thể xóa bỏ mọi khoảng cách bằng những cuộc gọi hay tân tiến hơn là qua webcam. Một trong những tín năng mà người ta yêu thích ở điện thoại thông minh nữa chính là không cần phải bỏ một khoảng tiền lớn để mua những chiếc máy ảnh nữa mà giờ đây chúng ta có thể lưu lại khoảnh khắc bất cứ lúc nào. Ngày xưa muốn giải trí ta phải ra những tiệm game để chơi nhưng cũng chẳng thể ở lâu lại còn tốn kém, còn giờ khi sở hữu trong tay bạn có thể chơi thỏa thích diễn nhiên là hoàn toàn miễn phí. Thật là tiện ích phải không? Nhưng đó chỉ là mặt nổi của vấn đề. Một cách hiển nhiên là mọi thứ đều có 2 mặt của nó.
Khi sử dụng nó với một tần số cao, không kiểm soát, tiết chế được bản thân với những mục tiêu vớ vẩn. Dần bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào nó một cách quá mức. Khi đó bạn không còn là người chủ của nó nữa, mà ngược lại bạn chính là nô lệ của nó. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên với những bạn trẻ, họ không còn lên mạng để tìm tài liệu học tập hay trò chuyện với người thân xa cách như trước nữa mà là lên những trang mạng xã hội để “chat chit” vẩn vơ, để cập nhật những trạng thái một cách bừa bãi vô tổ chức. Một trong những trang mạng xã hội có lượng thống kê số người truy cập vào lớn nhất hiện nay là “Facebook”. Thử hỏi, bạn đăng một trạng thái rằng bạn buồn, liệu bạn có hết buồn ngay không? Khi có xích mích hiểu lầm với một ai đó, có nhiều bạn trẻ lại chọn cho mình cách làm đó để khiêu khích đối phương, để nhận được những sự cổ vũ khích lệ, đồng tình, ủng hộ của mọi người. Cũng có những bạn trẻ cập nhật những tin nhắn yêu thương với bạn trai, bạn gái của mình. Để làm gì nhỉ? Để được sự ganh tị, ngưỡng mộ của mọi người chăng? Thật vớ vẩn! Đành rằng chức năng của phương tiện ấy một phần là chia sẻ cảm xúc của mình với bạn bè, người thân, nhưng liệu thực hiện một cách thái quá và vô thức như vậy có còn đúng đắn? Sẽ ra sao nếu như cha mẹ của những con người ấy đọc được những dòng tin nhắn sến súa, rợn ngợp như thế? Một tín năng nữa của Facebook được mọi người yêu thích chính là có thể đăng tải những hình ảnh của mình. Việc chia sẻ những khoảnh khắc yêu thương, những khung cảnh thơ mộng, hữu tình dần trở nên phù phiếm. Thay vào đó là những hình ảnh tự sướng đã qua chỉnh sửa để được nhận những nút “like”hảo huyền. Nhiều bạn trẻ bị nhiễm căn bệnh ấy, đến nỗi dù bất cứ nơi đâu: khi đi ngoài đường, khi trong lớp học, … ngay cả những nơi đòi hỏi sự trang nghiêm như chùa chiền, hay trong đám tang của người thân thậm chí cũng có người chụp ảnh tự sướng, chụp cả bản thờ để đăng tải lên mạng xã hội. Vì mục đích gì? Vì một danh hiệu hot face nào đó do cư dân mạng ban tặng ư? Có một đề văn trong kì thi học sinh giỏi cấp thành phố Hồ Chí Minh năm 2013-2014 như thế này:
Mượn những đồ vật có giá trị rồi chụp hình đưa lên facebook và tự nhận đó là của mình để được bạn bè trầm trồ khen ngợi
Mượn những bài văn mẫu, cặm cụi học thuộc rồi chép lại trong giờ kiểm tra để chứng tỏ mình giỏi
Mượn cách ăn mặc, nói năng của thần tượng rồi cố gắng làm theo để được khen là có cá tính
Mượn cảm xúc, suy nghĩ của đám đông nhằm che giấu cảm xúc, suy nghĩ riêng để được sống bình yên
Mượn …
… thật nhiều thứ
Để rồi một ngày, thật nhận ra mình đã …” .
Thật vậy, mình đã lãng quên thật nhiều những giá trị của cuộc sống, nhận ra mình chỉ đang tồn tại bằng cách duy trì nhịp thở chứ chưa thật sự đang sống. Đó là những hành động thiếu ý thức, thiếu suy nghĩ làm xấu đi một chức năng tiện ích của Facebook nói riêng và những chiếc điện thoại thông minh nói chung. Đến nỗi khi đi chơi với nhau mà mỗi người một góc cắm đầu vào chiếc “smart phone” của mình chẳng hề đoái hoài đến những người xung quanh. Có những hình ảnh nói về chủ đề này được chia sẻ trên mạng xã hội nhằm thức tỉnh chúng ta. Đó là một gia đình gồm nhiều thế hệ vào một buổi chiều – khoảng thời gian tề tựu xum vầy mà mỗi người từ già đến trẻ đều trên tay một thiết bị công nghệ và hý hoáy một điều gì đó không rõ. Nhưng dường như chỉ là vô ích đối với một số bạn trẻ.
Không chỉ dừng lại ở phạm vi rằng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập vào những trang mạng xã hội. Mà trong học tập, nhất là đối với bộ môn văn, khi giáo viên giao những bài tập làm văn quen thuộc về nhà làm. Họ chẳng thèm suy nghĩ, mà chỉ cần một thao tác trên google và chép vào tập,thế là xong. Ngày ngày nó làm cho chúng ta mất đi sự vận động của não. Và rồi khi đi thi, trong một thời gian ngắn với thiếu sự rèn luyện thường xuyên, ai dám chắc sẽ làm được trọn vẹn bài thi chứ? Phải chăng công nghệ copy-paste cũng là một vấn đề tiện ích? Để rồi một đề văn mà hàng nghìn bạn chép giống hệt nhau. Đến khi gặp những vấn đề thời sự mới lạ thì văn mẫu đâu cho các bạn ấy chép nữa, thế là hỏng.
Đó là ham muốn nhất thời, để rồi có được chỉ biết cắm cúi vào chiếc màn hình điện thoại, vào cái thế giới ảo mà nó mang lại. Để rồi so bì với nhau giá trị của những chiếc điện thoại thông minh để được tự hào rằng ta đây giàu có chẳng hạn. Tuy vậy, khi smart phone trở thành người chủ thật sự của bạn, điều gì sẽ xảy ra? Đầu tiên là đánh mất giá trị đích thực của cuộc sống, tự chôn vùi bao giá trị đẹp đẽ của cái thế giới “Trăm hồng nghìn tía” này. Và dần trở nên vô cảm, chai lì với mọi thứ xung quanh. Lúc đầu sử dụng điện thoại thông minh là để hòa nhập với thế giới bên ngoài nhưng cứ đà này, bạn trẻ sẽ như tách biệt với thế giới này. Học hành giảm sút, tiếp xúc với màn hình điện thoại nhiều quá sẽ bị các tật về mắt, người ta nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”, vậy khi cửa sổ tâm hồn đã bị vỡ liệu có hàn gắn lại được không? Nặng nề hơn, nó sẽ giết chết tương lai của các bạn.
Xét cho cùng xảy ra tình trạng như vậy là do thiếu ý thức trong việc sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng tùy tiện, vô tổ chức. Đua đòi theo bạn bè, người lớn cũng là một lí do. Ai cũng sử dụng mà mình lại không lẽ nào là lạc hậu? Có lẽ nhiều bạn trẻ luôn giữ trong mình ý nghĩ như vậy. Hay không thể cưỡng lại sức hấp dẫn diệu kì mà smart phone mang lại, cho dù bất cứ giá nào cũng phải nài nỉ, vòi vĩnh bố mẹ mua cho bằng được cho có với người ta. Nhưng bạn trẻ nào đâu hiểu một chiếc điện thoại thông minh trị giá hàng triệu đồng ấy, để có được, bố mẹ của các bạn đã phải tăng giờ làm việc, nhịn ăn nhịn uống, tiết kiệm chi tiêu, kềm chế những đòi hỏi cá nhân để mua cho bạn.
Ở hai chiều hướng khác nhau, ta đã thấy được một sự thật rằng, khi bạn làm chủ chiếc smart phone chính là một lợi thế, còn khi bạn bị phụ thuộc vào nó, làm nô lệ của nó mọi điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Như vậy, sử dụng smart phone không hề xấu, chỉ những ai không biết cách sử dụng đúng mục đích mới xấu và đáng bị lên án, bài trừ. Vậy nên hãy cứ dùng smart phone để phục vụ cho những công việc ý nghĩa bạn nhé! Hãy luôn nhớ rằng bạn mới chính là ông chủ của nó.
Có một ý kiến cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy bước ra cuộc sống”, sẽ thật tuyệt vời nếu bạn biết dung hòa giữa những tiện ích của điện thoại thông minh và những vẻ đẹp của đời sống. Vậy hãy biến mình trở thành một con người thông minh khi thực hiện điều đó nhé! Tôi cũng là một người trẻ, và dĩ nhiên tôi cũng sử dụng smart phone để thực hiện những sở thích riêng của mình và đáp ứng nhu cầu học tập. Nhưng tôi biết tự tiết chế và sử dụng nó một cách có chừng mực. Và nó đã mang lại cho tôi những điều thật tuyệt vời.