Một vấn đề then chốt trong nghiên cứu Truyện Kiều hiện nay là xác định tính sáng tạo của Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm sáng tác dựa vào cốt truyện và nhân vật của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng lại trở thành một kiệt tác nghệ thuật vô song.
Con đường duy nhất để giải quyết vấn đề là khám phá cái thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du được xây dựng trên một cốt truyện có sẵn đó. Truyện Kiều của Nguyễn Du mang quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du, một quan niệm thể hiện cách nhìn, cách cảm, hệ thống giá trị tư tưởng, thẩm mĩ của ông gắn liền với truyền thống văn hoá dân tộc.
Truyện Kiều của Nguyễn Du bảo tồn được phần lớn tinh hoa của nguyên bản tiểu thuyết Trung Quốc tuy có tăng giảm về nội dung và nghệ thuật của nguyên tác, song phần nhiều vẫn bảo tồn được, vì vậy có cống hiến cho sự giao lưu văn hoá giữa Trung Quốc và Việt Nam. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm đáng được khẳng định. Truyện Kiều của Trung Quốc bị mai một, thậm chí bị đánh giá thấp trong thời gian dài. Hiện tượng kỳ lạ đó chứng tỏ chúng ta vẫn còn thiếu nhận thức đầy đủ về kho báu văn học nghệ thuật phong phú mà tổ tiên để lại cho chúng ta; công tác nghiên cứu văn học cổ đại về cơ bản vẫn dừng ở một số ít tác giả và tác phẩm nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn mà chưa hứng thú bao nhiêu với tác giả và tác phẩm loại hai. Việc nghiên cứu cô lập đó không thể thích hợp với tình hình phát triển của học thuật hiện nay. Vì vậy, việc đi sâu vào công tác nghiên cứu tiểu thuyết quý giá cuối đời Minh đầu đời Thanh có tác dụng gợi mở quan trọng nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu toàn bộ văn học cổ điển của nước ta. Tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân cần được đánh giá lại ảnh, hưởng quan trọng của nó trong lịch sử văn học Trung Quốc và lịch sử văn học thế giới cần được thừa nhận và đánh giá công bằng. Mệnh đề “tiểu thuyết tài tử giai nhân” không thể khái quát một cách khoa học tất cả tiểu thuyết bạch thoại của các văn nhân mà tuyến cốt truyện là tình yêu và hôn nhân. Cần phân tích so sánh nhiều tác phẩm với nhau, nhận thức lại bộ mặt vốn có của số tiểu thuyết này, bổ sung những đoạn còn yếu trong lịch sử tiểu thuyết truyền thống. Chúng ta thấy rất rõ hai tác phẩm này có cùng một cốt truyện, cùng một hệ thống nhân vật và cả kết cấu tự sự. Thế nhưng Nguyễn Du đã đem tài năng của mình vào để thay đổi số phận của tác phẩm. Ông biến nó thành viên ngọc sáng của phương Đông, trải qua bao thế kỉ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học.Nguyễn Du thực sự đã thay một tấm áo mới cho tác phẩm. Những cái mới trong Truyện Kiều mà Thanh Tâm Tài Nhân đã không làm được trong Kim Vân Kiều truyện của mình có phải là nguyên nhân chính của sự khác biệt? Một bên là văn xuôi tự sự một bên là truyện thơ – thể loại khác nhau thì thông điệp nghệ thuật làm sao có thể giống nhau? Rõ ràng truyện thơ có nhiều ưu thế hơn hẳn trong việc thể hiện cảm xúc, đồng thời nó cũng dễ chạm vào trái tim bạn đọc hơn là ngôn ngữ của một cuốn tiểu thuyết. Không chỉ thế Nguyễn Du đã đem thiên nhiên vào trong tác phẩm của mình – một thiên nhiên thực nhưng cũng có khi là thiên nhiên của cảm xúc, tâm tưởng. Trong khi đó Kim Vân Kiều truyện hoàn toàn vắng bóng thiên nhiên. Nguyễn Du xây dựng lại các tình tiết cũng như hình tượng nhân vật của nguyên tác cho phù hợp với suy nghĩ, cảm nhận của mình. Đó là cái riêng và cũng là cái sáng tạo làm nên sự khác biệt cơ bản giữa hai tác phẩm. Công lao của Thanh Tâm Tài Nhân không nhỏ. Không có Thanh Tâm Tài Nhân thì ắt hẳn không thể có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng cũng lại phải nói cho công bằng, chính nhờ Truyện Kiều của Nguyễn Du ngày một nổi tiếng, vượt ra khỏi biên giới nước mình, mới là một động cơ để những học giả như ông Đồng Văn Thành cố gắng làm cho Kim Vân Kiều truyện được độc giả trong và ngoài Trung Hoa quan tâm tới lại. Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là tác phẩm tiểu thuyết chương hồi thuộc thể tài văn xuôi, kết cấu theo thời gian, theo trình tự diễn biến của các sự kiện, theo quá trình hành động của các nhân vật. Nó thiên về mô tả sự kiện, đi sâu miêu tả thực tại, khắc họa chân dung nhân vật một cách cụ thể - điều mà đôi khi ta cảm thấy hơi khó chịu. Cũng như các tiểu thuyết chương hồi khác, tác phẩm gần như không đề cập đến diễn biến tâm lý nhân vật mà chỉ có các biến cố, hành động của nhân vật. Tác phẩm lại đặc biệt coi trọng mâu thuẫn xung đột, tập trung mô tả nhiều chi tiết để tô đậm một tính cách nào đấy của nhân vật. Diện mạo nhân vật gần như chỉ là những nét chấm phá chứ không miêu tả cụ thể. Trong tác phẩm, tác giả cũng đã đưa vào những đoạn thơ, bài phú miêu tả thiên nhiên, nhưng thiên nhiên ấy lại bị tách rời khỏi cốt truyện và đôi khi lại không gắn bó gì với tâm trạng của nhân vật. Trong khi đó, Truyện Kiều lại là một cuốn truyện thơ, một tác phẩm văn học vừa cổ điển vừa hiện đại, có sự hài hòa giữa hình thức và nội dung. Các nhân vật trong tác phẩm, các vấn đề xã hội không đợi tác giả tự thuật lại nhiều mà tự nó có thể tự hiện diện, tự bộc lộ một cách tinh vi. Nguyễn Du đã biến thể loại tiểu thuyết khô khan thành thơ lục bát - thể thơ của riêng dân tộc ta,mục đích là để thơ ca đi vào đời sống con người, thân thuộc, giản dị.. Nguyễn Du đã rất tài tình khi sử dụng tất cả những gì gần gũi nhất để xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ. Nguyễn Du chỉ dựa vào cái sườn của cốt truyện văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân mà sang tạo ra hẳn một thi phẩm của riêng mình. Cần phải nói rõ ràng rằng, trong lao động nghệ thuật thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ là điều quan trọng hơn cả, không chỉ sáng tạo ở số liệu mà cái quan trọng hơn là cách nhào nặn dữ liệu để tạo nên những hình tượng nghệ thuật, những nhân vật điển hình có cá tính và có ý nghĩa khái quát. Trải qua hàng trăm năm, với biết bao thăng trầm của cuộc sống, Truyện Kiều vẫn nóng bỏng hơi thở của nó, vẫn trường tồn sức sống trong lòng mọi thế hệ độc giả.
Đóng góp của Thanh Tâm Tài Nhân là không nhỏ, nhưng chúng ta cũng không thể không thừa nhận rằng chính Nguyễn Du mới là người mang đến thành công rực rỡ cho Truyện Kiều, nâng Truyện Kiều lên trở thành tiếng nói của dân tộc. .