Nền kinh tế tri thức đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, bởi thế mỗi con người cần phải nỗ không ngừng lực học tập để bắt nhịp với cuộc sống trong thời đại mới. Những thế hệ học sinh ngày hôm nay đang từng ngày từng giờ tiếp bước cha anh đi trước, nỗ lực vươn lên không ngừng, hoàn thiện chính bản thân mình và cũng là giúp ích cho đất nước. Vậy thì việc học của học sinh ngày nay cần hiểu như thế nào?
Thân bài:
Học tập là gì?
Học tập quá trình con người tiếp cận tri thức, nâng cao trình độ, mở mang trí óc để khám phá những điều hay lẽ phải. Đó là một quá trình liên tục và xuyên suốt cuộc đời của mỗi người chứ không phải chỉ ở trong một giai đoạn nhất định nào cả. Tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú, nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người lại có hạn. Đâu phải chỉ cần thời gian mà con người có thể hiểu biết được mọi điều trong cuộc sống.
Vai trò và tầm quan trọng của học tập đối với con người.
Ngày nay, mỗi con người đều có cách học riêng của mình. Đối với học sinh chúng ta, học là một điều vô cùng cần thiết. Đã có biết bao những bạn học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Họ luôn lấy gương các vị danh nhân, các bậc cha anh đi trước để noi gương theo. Như Lê-nin đã nói “Học, học nữa, học mãi” hay nhà bác học Đác-uyn lừng danh cũng nói rằng: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”.
Học tập là một công việc quan trọng, không những giúp cho chính bản thân mỗi học sinh chúng ta có một tương lai tốt đẹp mà còn giúp cho đất nước ngày một giàu mạnh. Danh ngôn có câu: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chốt và việc học là một quyển sách không có trang cuối cùng”. Vì thế học sẽ không bao giờ là đủ và học tập là một việc vô cùng cần thiết với cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay.
Hiện trạng vấn đề học tập của học sinh ngày nay.
Không phải ai cũng có ý chí và khát vọng trong học tập. Bên cạnh những học sinh chăm chỉ, say mê học tập, vẫn có không ít những bạn học sinh mải chơi, quên học, hoặc nếu có cũng chỉ là học vẹt, học đối phó. Đó quả thực là những hành động hết sức sai lầm. Các bạn hãy về những vùng quê của Việt Nam, hãy nhìn những khuôn mặt nhỏ bé, những đôi mắt ngây thơ luôn ao ước được một lần cắp sách tới trường như bao bạn nhỏ khác. Lúc đó các bạn sẽ nghĩ sao?
Chúng ta được may mắn hơn các bạn bé nhỏ ấy, chúng ta được cha mẹ yêu thương, được thầy cô tận tình dạy dỗ, vậy mà chúng ta lại coi thường việc học. Như vậy chẳng phải thật đáng trách sao? Lúc ấu thơ, ngoài bản năng tự nhiên là khóc và ăn thì mọi thao tác còn lại đều phải trải qua một quá trình học tập. Những người cha, người mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ, dạy cho trẻ biết lấy, biết bò.
Vậy đấy, ngay từ khi còn nhỏ, khi chưa phải đến trường thì bất kỳ một đứa trẻ nào cũng phải học, phải trải qua một sự khổ công. Để rồi đến khi lớn lên, cắp sách tới trường, thầy cô dạy ta biết đọc biết viết, học những thao tác ngồi, cầm bút viết. Lớn hơn nữa, thầy cô lại dạy cho ta kiến thức theo từng cấp học phù hợp với khả năng nhận thủc, để sau này có thể vận dụng vào cuộc sống, công việc. Tất cả những điều đó đều giúp chúng ta trở thành những con ngoan trò giỏi. Học là để trưởng thành, để hòa nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với những tiến bộ khoa học. Trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư, lời mở đầu cuốn sách là lời nhắn nhủ rất chân thành với những người học sinh chúng ta.
Tương lai luôn ở trong tay chúng ta, nó sáng sủa hay mờ mịt là phụ thuộc vào sự nỗ lực học tập của mỗi người. Vì thế chúng ta đừng đế phí hoài những gì đã học được ở ghế nhà trường, bởi một bước lỡ, nghìn thu ân hận”. Nếu mải chơi chúng ta sẽ làm lỡ mất một chuyến tàu đi đến tương lai. Chuyến tàu đó không hề đi đến một cái đích nào nhất định. Chuyến tàu đó rất đặc biệt bởi người lái tàu là chúng ta và hành khách cũng chính là chúng ta. Nó được chèo lái bởi chính đôi bàn tay của chúng ta.
Kiến thức trong trường ta học là nền tảng cơ bản để ta làm việc. Nhưng nhiều khi chính những kiến thức ấy cũng không đáp ứng đủ được những yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật. Nếu không tiếp tục học chúng ta sẽ không có đủ khả năng để đảm đương công việc.
Việc học tập không phân biệt tuổi tác, trình độ, địa vị hay hoàn cảnh xã hội mà tùy theo ham muốn hiểu biết của mỗi con người. Khi còn nhỏ đang ở lứa tuổi cắp sách đến trường, thầy cô dạy cho ta rất nhiều kiến thức về tự nhiên, xã hội… Vì vậy mà chúng ta phải không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi tri thức, tận dụng mọi cơ hội để học tập. Và đến tuổi trưởng thành, chuẩn bị bước chân vào đời, để tự lập bằng vốn kiến thức của mình được trang bị trong nhà trường, chúng ta vẫn phải tìm tòi nghiên cứu không ngừng trong công việc, sách báo… để nâng cao tay nghề, trình độ. Thông thường một người trong nhà trường học giỏi thì ra trường cũng sẽ làm việc tốt, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Vì vậy, chúng ta phải học ở mọi lúc mọi nơi, học ở những người đi trước mình, lớn tuổi hơn mình, những đồng nghiệp xung quanh mình để làm sao lấp đầy những khoảng trống mà mình thiếu sót trong quá trình học tập và làm việc… Chúng ta có thể kể đến những tấm gương tiêu biểu như giáo sư Lương Định Của, giáo sư Tôn Thất Tùng… mỗi người đều phải trải qua những khó khăn riêng, đều có những thiếu thốn riêng. Song, từ chính những khó khăn ấy họ đã tự vươn lên, tự khẳng định mình, đóng góp không nhỏ cho đất nước những phát hiện mới lạ. Hay như những bậc đàn anh đi trước, họ thật đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Ngày nay, với xu thế hội nhập, học sinh ngày càng phải trau dồi vốn kiến thức hiểu biết của mình. Hành trang để vào đời chính là những kiến thức mà chúng ta tích lũy được từ thuở ấu thơ, nó sẽ là vô giá nếu chúng ta tranh thủ học nhưng cũng sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta mải chơi, lười học. Khẩu hiệu “học, học nữa, học mãi” là nhiệm vụ của người thanh niên trong thời đại mới, thời đại khoa học kỹ thuật. Đó là khẩu hiệu nằm lòng, là kim chỉ nam để chúng ta bước vào cuộc sống, rèn luyện kỹ năng, nâng cao tri thức để không lạc hậu so với thế giới. Cuộc sống lâu dài của nhân loại cũng giống như cuộc đời của mỗi con người. Việc học đóng vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu được. Đối với học sinh ngày nay, học có ý nghĩa lớn lao và là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.
Chúng ta hiểu học là quá trình tìm hiểu, thu nhận, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tăng hiểu biết, trình độ, khả năng phục vụ đời sống. Việc học cần hiểu theo nghĩa rộng: học văn hóa, học khoa học, kỹ thuật, chính trị, học giao tiếp, ứng xử… Học được thực hiện bằng nhiều cách: học ở trường, qua thầy cô và bạn bè, học trong thực tế đời sống, công việc cụ thể, những người đi trước có kinh nghiệm, có hiểu biết hơn. Học tập là nhiệm vụ suốt đời, học ở mọi giai đoạn của cuộc đời: trẻ học, trưởng thành phải học, già vẫn học, có trình độ cao vẫn cứ học, có địa vị trong xã hội lại càng phải học.
Học là việc cần thiết suốt đời. Con người ta sinh ra, chưa có hiểu biết về cuộc sống, chưa biết làm gì cả, vì vậy phải học từ việc nhỏ nhất, đơn giản nhất trở đi. Lớn lên đến trường phải học đọc, học viết, học những kiến thức tự nhiên và xã hội để trang bị cho mình những tri thức cần thiết trong cuộc sống nhằm giúp mình sau này có thể làm việc tốt bởi trẻ mà không học thì sẽ rất khó để chúng ta có thể vào đời một cách vững vàng. Khi trưởng thành lại cần phải học. Những kiến thức ta được học trong trường không chỉ là nền tảng cơ bản trong cuộc sống, khi bắt tay vào công việc thường nảy sinh ra nhiều vấn đề. Để giải quyết được ta phải tự học, tự nâng cao kiến thức.
Hiện nay trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa tri thức ngày càng phát triển càng có nhu cầu đòi hỏi cao đối với con người. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành được nhiệm vụ phân công. Không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.
Muốn trở thành người có ích cho xã hội phải là người tài giỏi. Muốn trở thành người tài chỉ có cách là không ngừng học tập. Kiến thức nhân loại là phong phú vô cùng, sự hiểu biết của con người chỉ có giới hạn. Muốn nắm bắt được hết các kiến thức không phải chỉ trong một thời gian ngắn nên Đác-uyn đã khẳng định: “Bác học không có nghĩa là ngừng học” hay như lời Bác Hồ nói “Học tập là cần thiết suốt đời”. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Điều gì dễ làm thì không thể đạt được thành công lớn.
Mỗi học sinh chúng ta cần phải nhận rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, trong thời kỳ đang sống nhờ vào gia đình và xã hội. Nhưng học bằng cách nào để đạt kết quả tốt? Phương pháp học tập có rất nhiều. Ta có thể học qua sách vở. Ở trường, ta được sự dạy dỗ của thầy cô và bạn bè nhưng cũng cần đọc thêm báo chí, để có thể hiểu một cách sâu sắc hơn về xã hội ngày nay. Mỗi lúc vấp ngã ta đều phải tự biết rút cho mình những kinh nghiệm vì đó là những kiến thức thực tế quý báu, trang bị cho ta hành trang vào đời.
Ở các thành phố hiện đại, việc học của học sinh, sinh viên được chăm lo đầy đủ nhưng ở các vùng quê nghèo thì việc học chưa được chú trọng. Người dân chưa nắm rõ được ý nghĩa lớn lao khi cho con em mình đến trường. Rất nhiều em học sinh phải bỏ dở việc học hành để sống cuộc sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như cha ông họ. Thật đáng tiếc thay khi có những học sinh được sự quan tâm của gia đình, xã hội, được lo láng đầy đủ vật chất lại không biết quý trọng. Đây là hiện tượng khá phổ biến của các học sinh “lười học”. Đó không phải là những tấm gương “sáng”. Chúng ta hãy học tập theo các thế hệ cha ông như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn… như Lê Bá Khánh Trình, Tôn Thất Tùng, Đặng Thái Sơn… để trở thành con người có ích.
Kết bài:
Không học tập sẽ không có tri thức. Không có tri thức sẽ không có tiến bộ, không có con đường sống. Học tập là một quá trình gian khổ và dài lâu, bởi thế phải kiên trì, phấn đấu và tin tưởng vào sức mạnh của tri thức. Chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện bản thân, xây dựng sự nghiệp, bảo vệ tổ quốc là những nhiệm vụ cốt lõi mà mỗi học sinh ngày nay cầm phấn đấu.