Không chỉ nêu lên những cơ sở pháp lý, Hồ Chí Minh đã nêu lên những cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn. Có thể thấy, từ phần thứ nhất sang phần thứ hai, tác giả đã khéo léo sử dụng quan hệ từ “thế mà’, nó đã phần nào hé mở sự đối lập giữa lí lẽ và hành động của thực dân Pháp. Từ đó, Người đã đi sâu vạch rõ, tố cáo tội ác của thực dân Pháp trên đất nước ta. Bằng việc sử dụng thủ pháp liệt kê, tác giả đã vạch ra một cách rõ nét tội ác man rợ của thực dân Pháp trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị. Trước hết, trong lĩnh vực chính trị, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách ngu dân bằng việc đưa ra hàng loạt các “luật pháp dã man” đã được tác giả liệt kê lại “lập ba chế độ khác nhau ở ba miền Bắc Trung Nam” để ngăn cản dân ta đoàn kết và thống nhất đất nước, “lập nhà tù nhiều hơn trường học”, “ràng buộc dư luận”... Không chỉ dừng lại ở đó, trên lĩnh vực kinh tế, chúng cũng thi hành nhiều chính sách dã man, “bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo đói, thiếu thốn, nước ra xơ xác, tiêu điều’. Để chứng minh cho điều đó, tác giả Nguyễn Ái Quốc đã một lần nữa liệt kê ra cụ thể, chi tiết những chính sách thực dân Pháp đã thi hành như cướp không ruộng đất của nhân dân, “giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”, đặt ra hàng trăm thứ thuế hết sức vô lý, bóc lột công nhân vô cùng tàn nhẫn… Chính những chính sách ấy của thực dân Pháp đã để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân, đất nước ta khi “từ năm ngoái đến đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ có hơn 2 triệu đồng bào chết đói”. Như vậy, có thể thấy, những tội ác của thực dân Pháp trên đất nước ta nhiều không thể nào kể xiết. Đặc biệt với biện pháp điệp cấu trúc, tác giả đã nhấn mạnh tội ác của thực dân Pháp, đó là những hành động trái với chính nghĩa, với lẽ phải mà chúng đã nêu lên. Thêm vào đó, tác giả cũng đã chỉ ra sự thật về chính sách bảo hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta như chiêu bài về khai hóa trong kinh tế - chính trị và nhất là chiêu bài bảo hộ khi trong hai năm thực dân Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Cuối cùng trong phần cơ sở thực tiễn, Bác Hồ đã nêu lên sự thật về cách mạng Việt Nam. Cuộc cách mạng của ta là cuộc cách mạng chính nghĩa khi “Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật”. Đặc biệt, chúng ta còn thi hành những chính sách khoan hồng và nhân đạo đối với người Pháp “giúp nhiều người Pháp chạy qua biên thùy”, “cứu nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật”... Như vậy, bằng những dẫn chứng cụ thể, chi tiết, tác giả Hồ Chí Minh đã nêu lên những tội ác man rợ của Pháp cũng như sự thật về cuộc cách mạng của ta. Từ đó, Người đã kết thúc phần hai của tác phẩm bằng lời khẳng định được lặp lại hai lần “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, điều đó đã khẳng định thực dân Pháp không có quyền quay lại Việt Nam.