Bà ngoại – Hai tiếng gọi thân thương đã, đang và sẽ theo tôi đi suốt một đời. Dù thời gian có làm nhạt nhòa kí ức cũng không thể nào chạm đến góc nhỏ trái tim tôi – nơi tôi dành trọn tình cảm cho bà dù bà đã đi xa tôi mãi.
Nhắc đến bà ngoại là nhắc đến một miền ký ức tuổi thơ tôi đầy nắng gió. Mẹ tôi kể rằng: Hoàn cảnh gia đình lúc sinh tôi rất khó khăn, cha mẹ phải chạy vạy cật lực, làm hết nghề này đến nghề khác, đi hết nơi này đến nơi khác để kiếm từng đồng lo cơm từng bữa. Ngoại đã nhận trông nom tôi để cha mẹ đỡ vướng bận. Từ lúc còn đỏ hỏn trên tay, tôi đã sống cùng bà, được bà bón cho từng giọt sữa, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lẽ vì vậy mà ngoại đã chiếm hầu hết kí ức tuổi thơ tôi và để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc.
Ngoại tôi là một người phụ nữ truyền thống, bà có những đường nét rất riêng của phụ nữ Á Đông. Bà ngoại không cao người, gầy và có làn da chi chít những nốt đồi mồi. Mũi của ngoại không cao, mặt của ngoại cũng không trái xoan, trái táo như cái chuẩn đẹp tôi thường nghe, tôi thấy ngoại đẹp một nét đẹp bình dị, nét đẹp của làng quê, của con người lao động. Tóc bà không bạc phơ như bà tiên trong những câu chuyện cổ tích tôi vẫn thường hay đọc mà đen một màu đen nhánh có điểm vài sợi bạc. Đặc biệt nhất, nói đến bà ngoại, chắc chắn tôi không thể không nhắc đến đôi bàn tay kì diệu hình như có thể vì tôi làm được mọi thứ trên đời. Hình ảnh người bà với đôi bàn tay chai sạn, nhăn nhúm do một thời tần tảo hết sống vì con rồi lại lo cho cháu bỗng dưng trở thành hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí tôi ngày ấy và cả bây giờ.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, tôi lớn lên trong tình yêu thương và sự đùm bọc, chở che của ngoại. Nhưng chưa được bao lâu thì tôi phải tạm sống xa người bà đáng kính. Khi cuộc sống mưu sinh đã không còn là gánh nặng, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đã vơi đi phần nào, cha mẹ tôi đã tìm được việc làm ổn định ở thành phố và đón tôi lên đấy. Đêm trước ngày đi, tôi ngủ cùng bà, được bà ôm tôi vào lòng dặn dò đủ thứ: Nào là lên trên đó phải nghe lời cha mẹ, cố gắng học hành, nào là không được học đòi chúng bạn ăn chơi trác táng, đi sớm về khuya, nào là phải ăn uống đầy đủ, đi ngủ đúng giờ. Hằng hà sa số những điều mà ngoại đã dặn tôi trong đêm đó cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc tiễn tôi bà đã khóc, bịn rịn vén tóc tôi mà nghẹn ngào: “Đi đường mạnh giỏi nghen con, khi nào nghỉ hè thì về thăm ngoại”.
“Tổ cha mày, đi bao lâu rồi mới về?”. Đó là câu nói cửa miệng của ngoại mỗi khi tôi về thăm. Câu nói bình dân nhưng nghe sao tình nghĩa quá, thi vị quá. Ngoại vẫn cứ hay mắng yêu tôi như thế, rồi xoa đầu, ôm tôi hôn lấy, hôn để như thể sợ người khác sẽ giành mất đứa cháu gái của bà. Ngoại cứ như trẻ lại khi tôi về quê nghỉ hè, ngoại luôn miệng nói cười và tíu tít “khoe” thành tích học của tôi với những người hàng xóm, láng giềng. Những lúc ấy, tôi thấy ánh lên trong mắt ngoại sự tự hào và cả niềm hãnh diện…Điều đó là tôi cảm thấy vui xiết bao! Tôi tự nhủ với mình rằng càng phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Nhưng mấy ai sống mãi với thời gian? Ngoại đã xa tôi mãi mãi khi tôi vừa lên cấp hai. Tôi như người mất hồn khi hay tin ngoại mất. Ngoại đi thật rồi sao? Không! Ngoại chỉ ngủ thôi, một giấc ngủ dài để nghỉ ngơi sau một đời giông bão. Ngoại đã đi vào cõi vĩnh hằng để trở thành bất tử trong tôi. Không còn ngoại, tôi mất đi một nơi để bám víu, để trở về sau những buồn vui trong cuộc sống. Rồi mai đây, ai sẽ là người chờ đợi tôi, đỡ nâng tôi trước những va chạm, vấp ngã trong đời? “Ngoại ơi! Sao ngoại vội ra đi khi con chưa thể đền đáp công ơn dưỡng dục, dạy dỗ của ngoại…”.
Dù bà ngoại đã không còn hiện diện bên cạnh tôi nhưng tôi tin chắc rằng, ở đâu đó, ngoại vẫn đang dõi theo từng bước chân tôi. Tôi tự nhủ với mình phải sống thật tốt, học thật giỏi để mãi là niềm tự hào của ngoại. Xin mượn lời một bài hát để nói thay tấm lòng con:“Giờ đây con khôn lớn/ Bà biền biệt trời xa/ Gai đời đâm nhức buốt/ Biết về đâu tìm bà/ Bà ngoại ơi, bà ngoại/ Trọn đời thương nhớ Người/ Trong tâm hồn thơ dại/ Mãi bóng hình ngoại tôi”.