Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Niềm tự hào về chủ quyền và sức mạnh của dân tộc đã được thể hiện như thế nào trong bài thơ "Nam quốc sơn hà"?

Niềm tự hào về chủ quyền và sức mạnh của dân tộc đã được thể hiện như thế nào trong bài thơ "Nam quốc sơn hà"?

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
670
1
0
HoangNguyen
23/11/2020 19:31:23
+5đ tặng

Nam quốc sơn hà" ( tương truyền của tác giả Lý Thường Kiệt ), còn gọi là bài thơ "Thần" được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Sự ra đời của bài thơ gắn liền với tên tuổi của Lí Thường Kiệt và trận chiến chống quân xân lược Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (năm 1077). Bài thơ là lời khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược, nói cách khác bài thơ " Nam quốc sơn hà" đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, cả bài chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ bảy chữ, nhưng đọc lên ta có cảm giác chữ nào trong bài thơ cũng ngời sáng tinh thần yêu nước. Mà trước hết điều đó được thể hiện qua lời tuyên bố về chủ quyền của đất nước:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Ngay trong hai câu thơ mở đầu cùng với giọng thơ hào hùng, đanh thép mang ý nghĩa khẳng, là qua việc sử dụng các chữ: "quốc" (nước)," đế" (vua). Như chúng ta đã biết chữ "đế" và chữ "vương" đều có nghĩa là vua, người đứng đầu 1 đất nước, đại diện cho nhân dân, nhưng trong các triều đại phong kiến Trung Quốc xưa, vua Trung Quốc tự xưng là "đế" (có thể hiểu là ông vua lớn) còn các ông vua đứng đầu ở các nước láng giềng thần phục chỉ phong "vương" (có thể hiểu là ông vua nhỏ). Như vậy với việc dùng từ các từ: "quốc", "đế". Câu thơ thứ nhất không chỉ là lời khẳng định nước Nam ta là một đất nước độc lập, có chủ quyền riêng và vua chính là đại diện tối cao cho dân tộc, mà câu thơ còn thể hiện sâu sắc thái độ tự hào, tự tôn dân tộc, tự coi nước Nam là một nước ngang hàng với nước Bắc, vua Nam bằng vai với hoàng đế Trung Quốc.

Điều này tiếp tục được khẳng định trong câu thơ tiếp theo:

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Với cách lập luận chặt chẽ rõ ràng, giọng điệu dứt khoát, câu thơ thứ hai tiếp nối mạch cảm xúc của câu thơ thứ nhất: Khẳng định đanh thép nước Nam là của người Nam, điều đó là chân lý, là trời định, đã được ghi rõ ràng ở sách trời "tại thiên thư" không thể chối cãi được. Như vậy, ranh giới bờ cõi của dân tộc còn được cả trời cao chứng giám. Điều đó thật thiêng liêng và có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đọc câu thơ, hẳn mỗi chúng ta đều cảm nhận rất rõ thái độ tự hào sâu sắc mà người viết đã gửi gắm qua lời tuyên bố chủ quyền đanh thép...

Không phải vô cớ mà "Nam quốc sơn hà " lại được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta, bởi mỗi chữ trong bài thơ đều ngời sáng tinh thần yêu nước với ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc:

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Với hình thức là một câu hỏi, hỏi trực tiếp quân giặc: Cớ sao một chân lý hiển nhiên, rõ ràng như thế, lại thiêng liêng tự trời cao như thế vậy mà các ngươi lại dám xâm phạm? Thái độ rõ ràng quyết liệt coi kẻ xâm lược là "nghịch lỗ". Câu thơ vừa chỉ rõ sự phi lý, phi nghĩa trong hành động xâm lược của quân thù, đồng thời còn khơi gợi tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân nước Nam với đất nước:

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Việc kẻ thù ngang ngược, làm trái sách trời sẽ khiến cho chúng tự chuốc lấy bại vong "thủ bại hư". Đó là kết cục tất yếu dành cho kẻ xâm lược, làm trái đạo trời... Câu thơ thứ tư như một lời cảnh cáo đanh thép vang lên khẳng định giặc sẽ thất bại thảm hại và ta sẽ dành chiến thắng. Đó cũng là cái kết xứng đáng cho kẻ cướp nước, chính bọn chúng sẽ phải gánh lấy thất bại thảm hại do hành động phi nghĩa mà chúng đã gây ra.

Bài thơ "Nam quốc sơn hà" chỉ gói gọn trong 28 chữ ngắn ngủi, nhưng ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là lời Tuyên ngôn về nền độc lập, về chủ quyền của đất nước và khẳng định không một thế lực nào được phép xâm phạm. Bài thơ cũng là một văn bản nghị luận chính trị dùng lý lẽ để nói về một việc trọng đại của đất nước: độc lập, chủ quyền dân tộc nhưng vẫn mang đậm sắc thái tình cảm...Có lẽ vì thế, mặc dù đã ra đời cách đây gần một thiên niên kỷ, nhưng "Nam quốc sơn hà" vẫn là một minh chứng ngời sáng về tinh thần yêu nước của cha ông thuở trước, để mãi mãi thế hệ chúng ta ngày hôm nay vẫn cảm thấy tự hào!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
1
Kalcsz
23/11/2020 19:38:57
+4đ tặng

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu cả ta” (trích “Lòng yêu nước của nhân dân ta”- Hồ Chí Minh). Câu nói của Bác đã thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về truyền thống yêu nước- sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử. Dù ở bất cứ thời kì hay giai đoạn nào, trong những trang sử hào hùng của dân tộc ta luôn ngời sáng truyền thống đó. Gắn với sự kiện chống quân Tống xâm lược vào cuối năm 1076, bài thơ “Nam quốc sơn hà”- bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước sâu sắc, mãnh liệt của thời đại Đông A:

“Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Hai câu thơ đầu đã nêu lên một tư tưởng mang tính chân lí: Sông núi nước Nam là của người Nam. Ở nguyên tác chữ Hán, tư tưởng đó càng được làm nổi bật một cách sâu sắc, mãnh liệt hơn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Câu thơ như một lời tuyên ngôn đầy chắc nịch về chủ quyền của dân tộc: “Nam quốc”- “Nam đế”: nước Nam là của vua Nam, đặt trong thế đối sánh, ngang hàng với phương Bắc: “Nam quốc”- “Bắc quốc” và “Nam đế”- “Bắc đế”. Nếu như quân Tống xâm lược với tư cách là một quốc gia hùng mạnh thì nước Nam ta cũng sẽ bảo vệ đến cùng tầng tấc đất của một quốc gia tồn tại độc lập. Và điều này càng được khẳng định hơn thông qua “thiên thư”: “Vằng vặc sách trời chia xứ sở”, nghĩa là điều này tồn tại như một chân lí hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận. Như vậy, thông qua hai câu thơ đầu, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước được thể hiện qua tư tưởng về chủ quyền dân tộc và ý thức độc lập tự chủ.

Ở hai câu thơ tiếp theo, chúng ta thấy được tinh thần yêu nước được thể hiện rõ thông qua niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của dân tộc trước kẻ thù xâm lược chính là biểu hiện tập trung và cao độ nhất của tinh thần yêu nước. Tác giả đã vẽ nên trước mắt độc giả viễn cảnh về thất bại thảm hại của giặc Tống xâm lược, đồng thời cũng là niềm tin sắt đá vào sức mạnh của tinh thần yêu nước của nhân dân ta tạo nên. Giặc Tống nhất định “phải tan vỡ” vì chúng đã vi phạm vào “sách trời”, đi ngược lại chân lí, tạo nên một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Hơn nữa, sự thất bại của chúng là lẽ tất yếu vì đã đặt bước chân xâm lược lên bờ cõi nước Nam mãi mãi là của người Nam, và cuộc chiến mà chúng đã gây nên nhất định sẽ bị quật ngã bởi sức mạnh của tinh thần yêu nước thời đại Đông A.

“Nam quốc sơn hà” xứng đáng là áng thiên cổ hùng văn, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên thấm đẫm tình thần yêu nước về chủ quyền, ý thức độc lập dân tộc cùng niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

0
0
ChinPu
23/11/2020 19:39:37
+3đ tặng

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được coi là bản tuyên ngôn về độc lập đầu tiên của dân tộc ta- dân tộc Việt Nam. Bài thơ không những đã khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước mà còn nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

 

Mở đầu của bài thơ, Lý Thường Kiệt đã khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của nước Đại Việt. Đó là bộ phận ranh giới được định sẵn, được quy định bởi “sách trời”:

 

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

 

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

 

(Sông núi nước Nam, vua Nam ở

 

Rành rành định phận tại sách trời)

 

Hai câu thơ nhấn mạnh một chân lý hiển nhiên không ai có thể chối cãi được: chủ quyền về lãnh thổ Đại Việt đã được trời đất quy định, chứng giám, ghi nhận và không thể thay đổi được. “Sông núi” ở đây là hình ảnh biểu tượng không chỉ nói về sông núi nói đơn thuần mà còn là ranh giới lãnh thổ, chủ quyền của nước ta. Cặp từ “Nam-Nam” nằm song song tương ứng với nhau trên cùng một câu thơ “nước Nam – vua Nam” như ngầm nêu ra một nghịch lý không thể tồn tại: nước Nam vua Bắc. Tác giả cố ý sử dụng từ “đế” để chỉ vua nhằm khẳng định “vua Nam” không phải bề tôi của “vua Bắc” và “nước Nam” không phải chư hầu của “nước Bắc” mà là một thống lĩnh riêng của một dân tộc độc lập. Câu thơ như khẳng định sự tách rời bình đẳng và độc lập tuyệt đối của nước Nam đối với nước Bắc. Do đó, nước Nam phải có quyền có chủ quyền riêng biệt. Đây là lần đầu tiên mà vấn đề dân tộc được đề cập một cách chắc chắn, dứt khoát trong một tác phẩm thơ văn như vậy. Từ “tiệt nhiên” với cách hiểu là hiển nhiên, rành rành biểu thị thái độ hoàn toàn tin tưởng của người nói vào “sách trời”, điều này là hoàn toàn có cơ sở. Từ đó, tác giả như ngầm báo trước sự thắng bại giữa ta và địch trước trận chiến trước mắt. Qua hai câu thơ đầu, bằng giọng điệu hào hùng, đanh thép, lời lẽ rõ ràng, Lý Thường Kiệt đã khẳng định quyền làm chủ về lãnh thổ của nước ta, không một thế lực nào có thể phủ định, xâm phạm được, đồng thời cũng thể hiện niềm tự tôn và lòng kiên trung của tác giả đối với dân tộc.

Nếu như hai câu đầu khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc thì hai câu thơ cuối bài lại là bản cáo trạng và lời cảnh cáo đối với kẻ thù nếu như chúng dám đến xâm phạm nước ta:
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
(Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)
Lãnh thổ nước Nam đã được quy định nơi “sách trời” là của người Nam, nhưng bọn giặc không màng đến điều ấy, chúng đã phản lại ý trời, đến xâm phạm để thỏa mãn lòng tham khôn cùng của chúng. Lý Thường Kiệt hết sức khinh bỉ, căm phẫn và tức giận trước lòng tham vô lý của giặc. Câu thơ bắt đầu bằng từ “Cớ sao” là một câu hỏi tu từ không nhằm để hỏi mà như kể lại, vạch trần tội ác của chúng đã làm đối với dân tộc ta. Với những tội ác như thế, Lý Thường Kiệt đã có đầy đủ cơ sở để bắt kẻ thù nhận lấy hậu quả không thể tránh khỏi “bị đánh tơi bời”, như thể việc đó cũng là quả báo từ ý trời. Qua đó ta thấy quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ trước mọi kẻ thù xâm lược. Hai câu thơ với nhịp thơ chậm, giọng thơ mạnh góp phần biểu hiện tâm trạng phẫn nộ của nhà thơ khi tổ quốc bị xâm phạm, lòng căm thù giặc sâu sắc và niềm tin sẽ chiến thắng kẻ thù.
Tóm lại, “Nam quốc sơn hà” là một bài thơ khẳng định rõ ràng quyền độc lập tự chủ của dân tộc ta, đồng thời cũng nêu lên bản cáo trạng và hình phạt thích đáng dành cho kẻ thù nếu chúng muốn xâm lược vào chủ quyền đã được định sẵn. Qua đó, bài thơ không chỉ thể hiện niềm tự hào của người Việt Nam về dân tộc mình mà còn đề cao ý chí đấu tranh, sức mạnh của nhân dân trong phong trào giải phóng dân tộc.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×