Giám đốc cho gọi người thứ hai vào, đưa cho anh ta một thùng nước bẩn rất hôi thối:
"Anh thấy căn phòng ở cuối hành lang không? Hãy đem thùng nước này đến dội lên mình anh công nhân đang nằm nghỉ ở đó. Anh không cần thông báo gì cả, cứ mở cửa vào và làm theo những gì tôi nói."
Anh chàng lập tức bê thùng nước bẩn đi thực hiện nhiệm vụ. Căn phòng nhỏ kia rồi! Anh ta vội vàng đến đấy, áp sát tiếp cận mục tiêu. Cửa đóng, anh đạp mạnh, cánh cửa bật tung ra. Quả như lời giám đốc nói, có một người đang ung dung nằm nghỉ ở đấy. Anh chàng chẳng nói chẳng rằng bê cả thùng nước đổ xối xả lên thân người ấy.
Nhiệm vụ hoàn thành, anh ta vội chạy thật nhanh ra khỏi phòng, hớn hở quay về báo cáo kết quả với giám đốc. Lúc này giám đốc mới cho anh ta biết "nạn nhân" kia chỉ là người sáp thôi.
Đến lượt người thứ ba. Cũng giống hai lần trước, giám đốc lại cao giọng đưa ra thử thách:
"Hiện giờ có một gã to béo đang ở trong phòng khách, anh hãy đến đây và đấm cho hắn hai quả trời giáng."
Ứng viên thứ ba ngạc nhiên lắm:
"Xin lỗi! Làm sao tôi có thể tấn công người khác khi không có lý do gì cả? Nhưng dù có lý do đi nữa, tôi cũng không thể sử dụng cú đấm một cách bạo lực như vậy. Thật tiếc nếu không được ông tuyển dụng, nhưng xin ông thứ lỗi, tôi không thể thực hiện mệnh lệnh của ông."
Ứng viên thứ ba vừa dứt lời, giám đốc đã dõng dạc tuyên bố: anh đã trúng tuyển. Anh là người dũng cảm và có lý trí, quyết không thực hiện những mệnh lệnh vừa nhảm nhí vừa bạo lực của ông chủ.
Tổng thống đồng thời cũng là vị tướng nổi tiếng Charles de Gaulle cũng đã từng gặp một người như thế. Đó là vào năm 1965, khởi nghĩa nhân dân bùng nổ ở Pháp, nhân dân thành phố Paris rầm rộ xuống đường, yêu cầu đương kim tổng thống Charles de Gaulle từ chức. Chardes de Gaulle mưu cùng kế cạn, vội tìm đến thành phố Baden-Baden nước Đức. Bộ tư lệnh Pháp quân được đặt ở đấy. Charles de Gaulle yêu cầu Tư lệnh Pháp quân ở Đức dẫn quân trở về Paris dẹp loạn. Ai ngờ cả hai lần ông đều bị từ chối thẳng thừng.
Về sau, Charles de Gaulle vẫn mãi nhớ ơn vị tướng này đã dũng cảm từ chối mệnh lệnh của ông. Chardes de Gaulle còn nói: Trong lúc ông gặp nguy khốn, Thượng đế đã tìm đến với ông, run rủi cho ông gặp được vị tướng ấy. Nếu không, có lẽ ông đã trở thành tội đồ của lịch sử nước Pháp rồi!
Biểu hiện của lòng dũng cảm được thể hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Những câu chuyện kể trên đã minh chứng cho điều đó. Anh chàng ứng viên từ chối không thực hiện mệnh lệnh kì quặc của giám đốc là thể hiện lòng dũng cảm đáng ngợi khen. Vị tướng quân quyết không cầm quân làm chuyện trái ý dân, dù phải chống lệnh vị tổng thống nước mình cũng là lòng dũng cảm đáng được lịch sử tôn vinh.
Dũng cảm hay không, không đơn thuần thể hiện qua hành vi, nó còn bao hàm cả lý trí và đạo nghĩa. Một hành động gan dạ nhưng không có lý trí, thiếu đạo nghĩa, chẳng thế gọi là dũng cảm được.
Dũng cảm là từ ngữ mang ý nghĩa tốt, thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người. Chúng ta vẫn thường nghe các bậc cha me kỳ vọng ở con mình từ nhỏ:"Cha mẹ mong con sau này sẽ trở thành người dũng cảm." Các bà mẹ hay kể cho con trẻ nghe những tấm gương dũng cảm trong các câu chuyện cổ tích, tạo ấn tượng tốt đẹp ban đầu về lòng dũng cảm trong con trẻ.
Thực ra, lòng dũng cảm được chia thành hai đoạn như đã nêu trên. Loại dũng cảm thi hành mệnh lệnh tuyệt đối là loại dũng cảm đáng sợ, cũng là loại dũng cảm ngu ngốc. Kiên trì theo đuổi chân lý, can đảm kháng cự với những ảo tưởng điên rồ mới là lòng dũng cảm đáng được khen ngợi và quý trọng nhất.
Không phục tùng tư tưởng vừa chuyên chế vừa hoang tưởng, có nghĩa là theo đuổi và duy trì chân lý, công bằng chính trực. Đây mới là dũng cảm thực sự. Dũng cảm… hùa theo những việc làm sai trái chỉ là loại dũng cảm ngu muội mà thôi.