Một tiếng động lạ bất ngờ, một tiếng “hú òa” từ đằng sau, một cơn ác mộng, tất cả chúng đều khiến con người ta bị giật mình. Đã bao giờ tự hỏi tại sao chúng ta lại như vậy chưa?
Giật mình (startle) là một phản ứng tự nhiên của cơ thể con người chống lại các kích thích bất ngờ và đột ngột, một cơ chế tự phòng thủ của chúng ta. Kể từ thuở sơ khai, phản ứng tự nhiên này đã ra đời nhằm bảo vệ loài người, lúc đó còn yếu và trình độ tiến hóa chưa cao.
Trải qua hàng triệu triệu năm, cơ chế này vẫn tồn tại, song hành cùng cuộc sống chúng ta nhưng có nhiều sự điều chỉnh phù hợp hơn.
Biểu hiện của phản ứng rất đơn giản: trước một kích thích đặc biệt, người chúng ta đột nhiên co rúm lại, mắt nhắm, đầu hơi nghiêng về phía sau. Điều này được lý giải là để bảo vệ các bộ phận quan trọng: mắt, đầu và gáy - nơi chứa rất nhiều các dây thần kinh quan trọng bên trong cơ thể.
Giật mình sẽ khiến cho tim đập nhanh hơn, đồng thời sản sinh ra nhiều hormone adrenaline hơn mức bình thường, giúp giảm đau và cho phép chúng ta đối mặt với nguy hiểm nếu có.
Thông thường, con người thường giật mình do những tiếng động lạ, bất ngờ, đột ngột. Vì vậy, con đường của phản ứng này bắt đầu từ tai, qua các cơ quan cảm nhận và dẫn truyền xung thần kinh đến trung ương não bộ, từ đó đưa ra phản ứng trả lời cho kích thích phù hợp.
Mức độ bất ngờ, đột ngột của mối nguy hiểm càng lớn thì não phản ứng càng mạnh. Độ trễ của các phản xạ chỉ nhỏ hơn khoảng 10 mili giây, đảm bảo chắc chắn chúng ta phản ứng kịp. Đôi khi, giật mình quá sẽ gây ra rối loạn nhịp thở bất thường, khiến bạn tự dưng có cảm giác “đứng tim”, “hết hồn”.
Sự sợ hãi cũng ảnh hưởng tới quá trình này. Càng sợ hãi con người càng nhạy cảm, tai càng thính và rất dễ giật mình. Trẻ sơ sinh chính là những người hay giật mình nhất.
Từ 3 - 6 tháng tuổi, các bé đã bị phản ứng Moro (tương tự giật mình của người lớn) nếu gặp phải tiếng ồn lớn hoặc ánh sáng quá mạnh. Phản xạ này hơi khó quan sát, đại thể như sau: các bé khóc lớn, mắt nhắm lại và đột nhiên giang tay ra hai bên.
Khi lớn lên, kinh nghiệm sống cũng nhiều hơn, con người ít giật mình hơn. Đơn giản chỉ bởi vì khả năng nhận biết mối nguy hiểm của chúng ta ngày một tốt lên và không dễ để “hú òa” như thời bé nữa.
Tuy nhiên, đối với tuổi trưởng thành, xuất hiện thêm nhiều nguyên nhân khác kích thích giật mình. Đó là áp lực công việc, stress… Minh chứng rõ ràng nhất là khi ngủ, không ít người cảm thấy mình rơi từ trên một tòa nhà cao tầng xuống… và rồi giật mình tỉnh giấc.
Thủ phạm gây ra trải nghiệm khó chịu ấy chính là sự căng thẳng của cơ thể. Người ta thống kê được rằng, hầu hết những người sống trong đô thị lớn, công việc áp lực, liên tục căng thẳng thì chắc chắn trải qua điều này thường xuyên. Thậm chí, nhiều trường hợp rơi vào hiện tượng “ngủ gà” - ngủ không nhắm mắt - rất hại cho sức khỏe.
Một nguyên nhân khác là do tư thế ngủ không được đúng. Với con người, ngủ là đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, an toàn, song nếu vô tình ngủ trong tư thế sai, bộ não sẽ nhận thức rằng, cơ thể có một mối nguy hiểm cận kề, vì thế khiến ta ngủ không sâu.
Sau một thời gian não sẽ chỉ định gây ra một cú sốc điện bên trong để cơ thể kịp thời sẵn sàng phản ứng với những kích thích có thể xảy ra. Đó chính xác là cảm giác bạn bị hụt chân, ngã xuống từ nhà cao tầng rồi đột ngột… bừng tỉnh giấc.
Xem thêm (+)