Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), nhiều nước Tây Âu bị phát xít chiếm đóng và tàn phá rất nặng nề.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), nhiều nước Tây Âu bị phát xít chiếm đóng và tàn phá rất nặng nề.
Năm 1944, sản xuất công nghiệp của nước Pháp giảm 38%, nông nghiệp giảm 60% so với trước chiến tranh. Ỏ I-ta-li-a, sản xuất công nghiệp giảm khoảng 30%, sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm 1/3 nhu cầu lương thực trong nước. Các nước đều bị mắc nợ, đến tháng 6 - 1945, nước Anh nợ tới 21 tỉ bảng Anh.
Để khôi phục nền kinh tế đất nước, năm 1948, 16 nước Tây Âu như Anh, Pháp, Tây Đức, I-ta-li-a... đã nhận viện trợ kinh tế của Mĩ theo “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là Kế hoạch Mác-san) do Mĩ vạch ra. Kế hoạch này được thực hiện từ năm 1948 đến năm 1951 với tổng số tiền khoảng 17 tỉ USD. Kinh tế các nước Tây Âu được phục hồi nhưng ngày càng nhận được viện trợ, các nước Tây Âu phải tuân theo những điều kiện do Mĩ đặt ra như không được tiến hành quốc hữu hoá các xí nghiệp, hạ thuế quan đối với hàng hoá Mĩ nhập vào, phải gạt bỏ những người cộng sản ra khỏi chính phủ (như ở Pháp, I-ta-li-a...).
Do được củng cố thế lực, giai cấp tư sản cầm quyền ở các nước Tây Âu tìm cách thu hẹp các quyền tự do dân chủ, xoá bỏ các cải cách tiến bộ đã thực hiện trước đây (ngừng quốc hữu hoá các xí nghiệp tư bản và trả lại những xí nghiệp đã quốc hữu hoá cho các chủ cũ, giảm trợ cấp phúc lợi xã hội v.v...), ngăn cản các phong trào công nhân và dân chủ.
Về đối ngoại, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nước Tây Âu đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nhằm khôi phục ách thống trị đối với các thuộc địa trước đây.
Hà Lan xâm lược trở lại In-đô-nê-xi-a (11 - 1945), Pháp trở lại Đông Dương (9 - 1945) và Anh trở lại Mã Lai (9 - 1945)... Nhưng cuối cùng, các nước thực dân Tây Âu đã thất bại, phải công nhận quyền độc lập của các dân tộc ở những nước này.
Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh gay gắt giữa hai phe, các nước Tây Âu đã tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt theo tiếng Anh là NATO) do Mĩ lập ra (4 - 1949) nhằm chống lại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tình hình châu Âu trở nên căng thẳng, các nước đều chạy đua vũ trang và thiết lập nhiều căn cứ quân sự.
Sau khi nước Đức phát xít đầu hàng, bốn cường quốc Đồng minh là Liên Xô, Mĩ, Anh. Pháp đã phân chia lãnh thổ nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng và kiểm soát. Trong sự đối đầu gay gắt giữa hai nước Liên Xô và Mĩ, các khu vực chiếm đóng của Mĩ, Anh, Pháp đã hợp nhất lại và thành lập Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức |9 -1949). Ở khu vực phía đông nước Đức. Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức được thành lập (10 -1949). Mĩ, Anh, Pháp đã tích cực giúp đỡ Cộng hoà Liên bang Đức khôi phục nền kinh tế (riêng Mĩ đã cho vay và đầu tư tới 50 tỉ mác) và đưa Cộng hoà Liên bang Đức vào khối quân sự Bắc Đại Tây Dương. Nền kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Từ những năm 60 và 70 của thế kỉ XX, sản xuất công nghiệp của Cộng hoà Liên bang Đức đã vươn lên đứng thứ ba trong thế giới tư bản chủ nghĩa, sau Mĩ và Nhật Bản.
Ngày 3- 10- 1990, Cộng hoà Dân chủ Đức đã sáp nhập vào Cộng hoà Liên bang Đức thành một nước Đức thống nhất. Ngày nay, nước Đức là một quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh nhất Tây Âu