Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy tưởng tượng kể lại câu chuyện gặp gỡ những người lính lái xe ở tuyến đường Trường Sơn năm xưa trong (bài thơ về tiểu đội xe không kính)

hãy tưởng tượng kể lại câu chuyện gặp gỡ những người lính lái xe ở tuyến đường Trường Sơn năm xưa
trong ( bài thơ về tiểu đội xe không kính )

2 trả lời
Hỏi chi tiết
256
0
2
STM D
09/12/2020 20:36:57
+5đ tặng

Nhân ngày Thương binh liệt sĩ ngày 27/07, tôi cùng bà đến nghĩa trang tỉnh, thắp nén hương cho người ông đã hi sinh vì khói lửa chiến tranh. Mỗi lần đến đây, lòng tôi lại có chút gì đó đượm buồn, hẳn đó cũng là tâm trạng của mọi người đang đứng tại nơi đây. Tôi khẽ nhìn xung quanh, đứng cạnh tôi là một người lính đang khẽ cúi đầu trước một nấm mộ. Bà và tôi cùng trò chuyện với chú ấy, và bất ngờ thay, chú chính là người lính lái xe được miêu tả trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mà tôi vừa mới học vào tháng trước.

Anh lính trẻ năm nào giờ đã trở thành một con người chững chạc, già dặn. Chúng tôi và chú cùng ngồi xuống một hàng ghế gần đó mà kể nhau nghe những kỉ niệm vui buồn. Giọng của chú trầm và ấm quá, chen lẫn trong tiếng cười hào sảng là chút hoài niệm về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt. Biết tôi rất thích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, chú nhìn tôi mà cười hiền từ.

Chú kể rằng, ngày ấy chú là một trong những người lính lái xe “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” mang biết bao vũ khí, lương thực, thuốc men,… tiếp tế cho miền Nam ruột thịt. Nơi chú đi qua là tuyến đường Trường Sơn - cũng chính là tuyến đường huyết mạch thường xuyên hứng mưa bom bão đạn của quân Mỹ trong thời gian năm 1969. Mưa bom, bão đạn đã khiến cho xe của các chú “không có kính”. Vất vả, gian lao, hiểm nguy là thế nhưng vì sự nghiệp giải cứu Tổ quốc, chú và các đồng đội đã đối mặt với thử thách bằng một thái độ rất lạc quan, hào sảng:

“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

Cháu biết không? Xe không có kính, tưởng bất tiện vậy mà lại tạo niềm vui nho nhỏ trên quãng đường đầy khói lửa của bọn chú đấy! Tại buồng lái ấy, bọn chú đã tận hưởng những năm tháng của tuổi trẻ với gió, với con đường, rồi cả sao trời, cánh chim,… Thật là hoài niệm quá cháu nhỉ?

Chú vừa kể vừa nở một nụ cười hiền lành. Tôi phần nào tưởng tượng ra những anh lính trẻ lạc quan, tìm niềm vui trong những khó cực. Họ là những con người phải sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến tranh loạn lạc, nghe tiếng gọi lên đường mà giải phóng quê hương. Lái những chiếc xe không có kính qua một chặng đường dài hẳn là một việc không hề dễ dàng. Nào là bụi, là mưa, là gió,… cứ tạt thẳng vào người cầm lái. Đau chứ, lạnh chứ, nhưng những người lính trẻ ấy luôn xem đó là một điều hiển nhiên mà vui vẻ chấp nhận. Tôi thoáng hình dung ra nụ cười hồn nhiên trước đất trời của những con người quả cảm “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

Trên suốt chặng đường hành quân, người lính đã gặp và làm quen với nhiều đồng đội khác, “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Chú kể rằng, dù là ai đi chăng nữa, nếu đã gặp trên đường ra trận thì chẳng khác nào anh em một nhà. Những khoảnh khắc bình yên bên bếp cơm ấm nóng, bên chiếc võng đu đưa,… luôn là một kí ức đẹp luôn đọng mãi trong lòng chú.

Theo như lời chú kể, càng tiến tới gần miền Nam, độ dữ dội của các trận bom như được tăng cao. Những chiếc xe giờ đây dường như biến dạng “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước”, ấy vậy mà, những chiếc xe ấy vẫn bon bon hướng về tiền tuyến, vẫn hiên ngang chạy giữa cuộc chiến khốc liệt. Bởi, chú tự hào rằng, xe có thể hỏng nhưng những trái tim trong xe, luôn tràn đầy tình yêu hướng về miền Nam.

Ánh nắng đã dần lên cao, soi sáng gương mặt rạng rỡ, ấm áp nhưng có chút đượm buồn trước sự hy sinh của đồng đội trong đôi mắt chú. Nhìn chú như vậy, tôi càng thêm kính quý những con người đã ngã xuống vì nền hòa bình của đất nước, càng tự dặn lòng phải cố gắng rèn luyện để mai này trở thành một con người có ích cho quê hương.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Nguyễn Minh Vũ
09/12/2020 20:37:08
+4đ tặng

Chiến tranh đã qua đi được gần 50 năm nhưng những gì đã trải qua trong cuộc chiến ấy chưa bao giờ phai nhạt trong kí ức của người lính. Chúng tôi đã may mắn được gặp gỡ và trò chuyện với chú Kiên - một trong những người lính lái xe đã xuất hiện trong tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính, cũng là nhân chứng cho cuộc chiến ác liệt, máu lửa của ta suốt thời kì chống Mĩ trong ngày lễ kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 22/12 năm ấy là một ngày nắng đẹp - thứ nắng cuối đông, dù không sánh đặc nhưng cũng đủ ấm áp. Trường muốn chúng tôi hiểu hơn về lịch sử dân tộc và quá khứ hào hùng của cha ông nên đã mời chú Kiên - một người lính lái xe còn may mắn sống sót và cũng trực tiếp tham gia chiến trận, đến trường giao lưu cùng chúng tôi. Chú Kiên đã gần 60 tuổi, dáng người dong dỏng cao và dù tuổi cũng đã cao nhưng trông chú vẫn còn rất nhanh nhẹn. Chú mặc bộ quần áo quân phục màu xanh, trên vai là những ngôi sao tượng trưng cho quân hàm của chú - một vị thượng tá, còn trước ngực là những huân chương mà chú đã dành được trong suốt cả cuộc đời. Khuôn mặt chú đã hằn những dấu vết của năm tháng. Rời khỏi chiến trường khói lửa, những người lính trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn là những con người yêu đời, lạc quan. Chỉ có điều dường như họ có những phần kí ức sẽ không bao giờ có thể lấy lại được bởi nó đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường cùng những người đồng đội.

Chú Kiên bước lên sân khấu, nhìn chúng tôi bằng con mắt hiền từ và một nụ cười hiền lành luôn thường trực trên môi:

- Chào các cháu, chú xin tự giới thiệu, chú là Kiên, là một trong những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ. Chắc các cháu sẽ nghĩ ngay tới Phạm Tiến Duật. Đúng rồi đấy, chú và Phạm Tiến Duật là bạn, bọn chú cùng chung đơn vị.

Cả hội trường ồ lên rồi xôn xao. Bởi chúng tôi, cứ nghĩ những bài học trong sách giáo khoa là những thứ xa vời lắm rồi, cũng sẽ không có thực. Nhưng ngày hôm nay, đứng trước mặt chúng tôi lại là một nhân chứng sống, đã xuất hiện trong một tác phẩm ở sách giáo khoa. Đó quả thực là một điều khó tin, với chúng tôi - những đứa học trò chỉ mải miết với những con chữ. Chờ cả hội trường yên lặng lại sau kích động ban đầu, chú Kiên mới điềm đạm nói tiếp:

- Chú được mời đến đây để kể cho các cháu nghe về những năm tháng khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mĩ mà chú và những người đồng đội của chú đã trải qua. Có thể nó hơi dài dòng, hoặc nhàm chán với mấy đứa nhưng chú hi vọng là các cháu có thể cảm nhận được một phần nào đó tính chất của cuộc chiến này và quan trọng hơn là chú muốn các cháu hãy yêu đất nước này như các chú đã yêu nó nhé!

- Vâng ạ! - Chúng tôi đáp lại chú

Chú bắt đầu câu chuyện của mình bằng một giọng trầm trầm nhưng vang vọng khắp không gian:

- Chú nhập ngũ năm 1958 khi chính quyền Ngô Đình Diệm - tổng thống của Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, thực chất chúng là tay sai của đế quốc Mĩ dựng lên để giết hại đồng bào của ta ở miền Nam. Chúng thi hành những chính sách độc tài, giết chóc, lê máy chém đi khắp miền Nam để diệt trừ những người con yêu nước. Năm tháng ấy là thời kì đen tối trong lịch sử dân tộc. Bọn chú từ miền Bắc phải tập kết gấp vào miền Nam để chi viện và chuẩn bị cho những chiến dịch lớn và cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì.

Chú ngừng lại một chút rồi lại tiếp tục kể:

- Đó là những năm tháng khó khăn nhưng cũng chưa là gì so với thời kì 1969 - 1970 các cháu ạ. Chú được chuyển về Đoàn 559 Trường Sơn và nhận lệnh lên đường vào binh trạm 35, Tây Trường Sơn, cũng là khu vực hạ Lào, ở ngã ba Đông Dương. Nhiệm vụ của chú và những người đồng đội là vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, quân trang quân dụng trên tuyến đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Trong trận chiến ấy, có hai con đường huyết mạch là tuyến đường Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh để hậu phương miền Bắc có thể tiếp tế cho miền Nam. Đế quốc Mĩ nắm được vai trò huyết mạch của tuyến đường Trường Sơn nên chúng đã ngày đêm ném bom rải thảm, bắn phá ác liệt trên khắp các cung đường. Bầu trời Trường Sơn không lúc nào ngớt tiếng máy bay địch quần thảo, gầm rú dội bom nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc với miền Nam.

Cả hội trường im phăng phắc. Bởi chúng tôi cũng đã biết được sự ác liệt của cuộc chiến qua những trang sử, qua cả những câu chuyện của cô trong giờ giảng văn nhưng khi nghe chú Kiên kể lại, chúng tôi vẫn cảm thấy sống lưng mình lành lạnh. Cái không khí của trận chiến, cái dữ dội của chiến trường như hiện ra trước mắt chúng tôi vậy. Chú Kiên đưa mắt nhìn tất cả chúng tôi như để chắc rằng chúng tôi vẫn đang lắng nghe câu chuyện của chú, rồi chú lại tiếp tục:

- Các cháu đã đến Trường Sơn bao giờ chưa? Nếu đã từng đến rồi thì các cháu sẽ nhận ra thời tiết, khí hậu ở Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt. Bởi nó là ranh giới tự nhiên của ta với nước bạn Lào nên mang đặc trưng của thiên nhiên ở cả hai đất nước. Mùa mưa thì đường trơn trượt, mùa khô thì bụi mù mịt, nhiều tuyến đường độc đạo đi qua cách núi. Để tránh sự phát hiện của địch, lái xe bọn chú phải đi vào ban đêm, có những đêm đi mà không bật đèn pha vì nếu bật địch sẽ phát hiện ra ngay. Nếu đi vào ban ngày, bọn chú phải ngụy trang bằng cành cây và đi vào đường kín, đường rừng rất nguy hiểm. Các cháu biết không, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của đại ngàn, đường sá toàn đèo cao, dốc thẳm, trên đầu thì máy bay địch lòng vòng, dưới đất thì bom đạn giày xéo, quần thảo ngày đêm, lính lái xe bọn chú chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể gặp nguy hiểm. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Như cô Lê Minh Khuê cô ấy nói đấy, thần chết không phải là một tay thích đùa. Hắn ta lúc nào cũng lởn vởn ngay bên cạnh bọn chú thôi.

Chú nhấp một ngụm nước rồi lại kể:

- Cả cuộc đời chú đã đối mặt với cái chết không biết bao nhiêu lần, cũng chứng kiến không biết bao nhiêu người đồng đội của mình đã ngã xuống, trên chính tuyến đường Trường Sơn ấy - chú ngừng lại vì xúc động, chúng tôi còn thấy đôi mắt chú đỏ hoe. Có lẽ chú đang nghĩ tới những người bạn của mình - Chú có một người bạn, là một người vô cùng dũng cảm, hài hước. Chú ấy là liệt sĩ, hi sinh khi chỉ mới 26 tuổi. Trước hôm hi sinh, chú ấy còn khoe với chú ngày mai sẽ được nghỉ phép về nhà thăm vợ và đứa con nhỏ vừa mới ra đời. Khuôn mặt và nụ cười hạnh phúc của người bạn ấy có lẽ chú sẽ không bao giờ quên. Bởi ngày hôm sau, khi đang dẫn đường cho những chuyến xe, chú ấy bị trúng bom, mất ngay tại chỗ.

Không gian của căn phòng như trùng hẳn xuống qua câu chuyện và sự chia sẻ của chú. Vẫn biết chiến tranh là đau thương, là mất mát nhưng khi nghe chính những người trong cuộc kể lại, chúng tôi vẫn thấy những mất mát ấy thật lớn lao, đau đớn hơn gấp bội phần. Những người đồng đội của chú có người lành lặn trở về, có người trở lại cuộc sống nhưng không lành lặn, mất chân, mất tay, liệt nửa người cũng có; còn có vô số người không bao giờ trở về được nữa. Họ đã nằm lại mãi ở chiến trường, nơi những người đồng đội của mình cũng đã ở đó. Hội trường đã có những tiếng sụt sùi, đã có những bạn lau nước mắt, đã có những con mắt đỏ hoe. Chúng tôi may mắn sinh ra ở thời hòa bình nên không phải chứng kiến cảnh chia lìa, tan tóc và không phải chịu đựng nỗi đau mất mát, không được gặp lại người mình yêu thương nữa. Nhưng thời đại của cha ông ta, của chú Kiên thì họ đã phải trải qua những điều khủng khiếp ấy. Lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận sâu sắc nỗi đau của nhân dân ta trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù để bảo vệ nền độc lập cho dân tộc.

Câu chuyện của chú kết thúc ở đó. Chú nói chú không muốn đưa ra lời khuyên, bài học gì cho chúng tôi nữa mà chú muốn chúng tôi tự suy ngẫm, cảm nhận và rút ra cho riêng mình. Bởi bài học kinh nghiệm phải tự mình nhận ra mới có giá trị, còn nếu để người khác chỉ ra, nó chỉ là lời khuyên mà thôi. Rồi có tiếng vỗ tay vang lên, nồng nhiệt, vang dội cả căn phòng. Chú Kiên nhìn chúng tôi, vẫn bằng ánh mắt trìu mến và nụ cười hiền lành lúc mới bước vào.

Kí ức về cuộc chiến, cái chết chóc, sự mất mát có lẽ sẽ luôn là vết thương không bao giờ lành miệng trong lòng chú Kiên, trong lòng những người lính trở về từ chiến trường nhưng những gì chúng tôi thấy ở chú là một con người hiền lành, chất phác, lạc quan, yêu đời và chú quả thực là một người lính kiên cường.

Cuộc gặp gỡ với chú Kiên và câu chuyện của chú đã khiến chúng tôi nhận ra được thật nhiều điều trong cuộc sống này. Không chỉ là hậu quả của chiến tranh, là cái ác liệt của bom đạn mà chúng tôi còn thấy được hình ảnh của cả thế hệ trẻ Việt Nam kiên cường, bất khuất, gan dạ trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo