Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát biểu cảm nghĩ về một trong hai bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, rằm tháng giêng ( luyện nói ạ)

3 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
1.194
7
2
Đỗ Chí Dũng
10/12/2020 19:16:03
+5đ tặng

"Cảnh khuya" là một trong những bài thơ viết về trăng hay và đẹp nhất của Bác. Giữa chốn rừng núi hoang vu nhưng lại có ánh trăng chiếu rọi, vừa gợi lên sự đơn độc nhưng đồng thời cũng ngập ánh trăng. Lòng người không buồn, không nhớ vì đã có ánh trăng chiếu rọi trong lòng. Nhưng ánh trăng soi sáng có thực sự làm vơi đầy đi những nỗi lo lắng khôn nguôi trong Bác – vị Cha già của dân tộc, cả một đời Bác vì nước vì non vì nỗi nhớ nước nhà mau chóng độc lập. Nét độc đáo của bài thơ không dừng lại ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn là lòng yêu nước sâu sắc của Bác.

 

Bài thơ Cảnh khuya được Bác viết vào năm 1947, khi quân và dân ta đang thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Sông Lô, Đoan Hùng đã đi vào lịch sử bằng những nét vàng chói lọi đầu tiên của ta trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Hai câu thơ đầu của bài thơ tả cảnh, nhưng cái cảnh sắc đẹp đến mê hồn ấy lại ẩn chứa nỗi nhớ quê nhà khắc khoải mong muốn sớm được thống nhất, được độc lập:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Hai câu thơ đầu của bài thơ, tác giả diễn tả về cảnh về đêm của núi rừng Việt Bắc. Càng về đêm, trăng càng lên cao, càng sáng tỏ, ánh trăng bao phủ khắp mặt đất, tưởng chừng như khắp bầu trời Việt Bắc trong đêm tối bỗng có ánh trăng làm thức tỉnh biết bao nhiêu cảnh vật đẹp đến lạ lùng. Trong đêm thanh vắng, núi rừng yên tĩnh chỉ có tiếng suối chảy văng vẳng đâu đây. Tiếng suối ở đây không phải ào ạt như thác chảy, cũng không róc rách nhưng tiếng nước nhỏ giọt mà ngược lại, đây là tiếng âm thanh rì rầm từ xa vọng đến. Nghe như một bản nhạc ru dương không người đánh mà do chính mẹ thiên nhiên đang hát ru cho những đứa con bé bỏng của mình ngủ yên. Cảm nhận của Bác thật tinh tế và độc đáo, chỉ là tiếng nước chảy mà Bác lặng nghe ra tiếng hát từ xa vọng lại. Tiếng suối trong đêm phá tan đi bầu yên tĩnh, chỉ có tiếng suối và người nghe, êm ả, vang vọng trong đêm sâu lắng. Bác đã sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, lấy nét vẽ tinh tế để gợi tả được cảnh núi non hùng vĩ nhưng cũng đầy nét mộng mơ giữa núi rừng nơi đây.

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Đến câu thơ tiếp theo, Bác ngắm nhìn lên bầu trời cao, nơi có ánh trăng chiếu rọi và những ngôi sao sáng lấp lánh trong đêm. Phía trên cao nhất là ánh trăng, tầng giữa là những tầng cây cổ thụ và tầng thấp nhất là hoa, là rừng là tất cả những sinh vật trên mặt đất. Ánh trăng bao phủ khắp nơi, ánh trăng xuyên qua kẽ lá, tán cây, ánh trăng như đang âu yếm và dang rộng vòng tay che chở và ôm chặt lấy thiên nhiên, hoa cỏ. Ánh trăng lồng vào tán cây, ánh trăng chiếu rọi vào những giọt sương còn lắng đọng trên những chiếc lá, những bông hoa. Dường như trăng đang làm ông hoàng ngự trị khi màn đêm buông xuống. Không còn nóng bức giống như mặt trời, trăng nhẹ nhàng, dịu mát ôm ấp tất cả những điều của cánh rừng Việt Bắc này. Tác giả sử dụng chữ “lồng” như đang muốn nói đến sự chở che, bao bọc của người mẹ thiên nhiên, muốn dang rộng vòng tay, đón lấy những đứa con của mình vào lòng.

Cảnh khuya trong sáng, lung linh huyền ảo. Đọc vần thơ ta nghe như có nhạc, có hoạ, bức tranh cảnh núi rừng Việt Bắc thơ mộng biết bao. Người xưa từng nói thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc quả thật không sai. Đối với Bác trăng đã trở nên tri âm tri kỷ nên làm sao có thể hờ hững trước cảnh đẹp đêm nay. Trăng luôn làm bạn với Bác trong nhưng đêm khuya thanh tĩnh. Trăng và người như đôi bạn tri kỷ, không lúc nào có thể thiếu nhau. Trăng cùng Bác tâm sự, bày tỏ nỗi lòng mình. Bác đi đến đâu, trăng cũng luôn soi rọi, chiếu sáng cho người bạn “già” của mình.

Với một tâm hồn thi sĩ đang ngây ngất trước những giây phút đắm mình giữa cảnh khuya của chiến khu Việt Bắc. Khác với những trận chiến đấu sinh tử, nơi mà con người ta phải luôn đối mặt với sự sống và cái chết, không ngờ lại có một cảnh đẹp tuyệt mĩ đến vậy. Tâm hồn người nghệ sĩ bỗng hòa quyện với đêm trăng thanh tĩnh, bởi làm sao bác có thể bỏ lỡ được cảnh sắc tuyệt đẹp nơi trần gian đến vậy. Phải chăng, đêm nay Bác không ngủ là do Bác muốn ngắm cảnh đẹp? Không cuộc đời Bác có phút nào không nghĩ về nhân dân, về đất nước. Cuộc đời Bác là một chặng đường dài không nghỉ. Bởi vậy mà đêm nay Bác không ngủ không phải vì Bác chỉ muốn ngắm trăng mà Bác còn lo cho nước nhà:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Nước nhà vẫn đang chiến tranh, nhân dân vẫn phải chịu nhiều áp bức, biết bao nhiêu đồng chí của ta phải ngã xuống. Chặng đường giải phóng còn ở phía trước thì làm sao Bác có thể ngủ yên giấc được. Nỗi nhớ nhà lo cho nước nhà làm cho trái tim Bác luôn thổn thức. Bác thức trong đêm khuya không sao ngủ được. Đã có biết bao đêm Bác của chúng ta cũng mất ngủ như vậy, Bác luôn trăn trở và canh cánh trong lòng về nước nhà:

Một canh, hai canh, lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Bài thơ Cảnh Khuya là một bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, bài thơ không chỉ miêu tả nét cảnh sắc hoang vu, nhưng cũng đầy thơ mộng giữa núi rừng Việt Bắc thông qua con mắt đầy tinh tế của Bác. Lấy cảm hứng từ ánh trăng, Bác đã thể hiện một tình yêu thiên nhiên sâu sắc và nỗi nhớ nước nhà vẫn luôn thường trực trong trái tim của Bác. Không một giây một phút nào Bác lại quên đi mục tiêu và sứ mệnh giải phóng dân tộc của toàn đảng, toàn dân.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
1
STM D
10/12/2020 19:19:49
+4đ tặng

Trăng luôn là niềm cảm hứng bất tận của nhiều nhà thơ, thi sĩ, trăng mang lại vẻ đẹp từ thiên nhiên lung linh huyền ảo, ánh trăng trong bài thơ “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh người ta còn cảm nhận được cả chất “nghệ sĩ” của một thi nhân.

Bài thơ được Bác viết bằng thể thơ cổ, sử dụng trong thơ ca trung đại: thất ngôn tứ tuyệt. Về sau, bài thơ được dịch giả Xuân Thủy dịch sang thể thơ lục bát với tên gọi quen thuộc đó là “Rằm tháng giêng”:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.​”

Bài thơ được sáng tác vào năm 1947, lúc này Bác đang bộn bề công việc, chiến trận đang diễn ra ác liệt, người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh phải vượt qua khắc nghiệt của thời đại, ngắm nhìn vầng trăng và đưa ra vần thơ tuyệt diệu:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”

Bức tranh đêm trăng đẹp được bác vẽ ra thật đẹp, lúc ấy đã về khuya, trời đã bắt đầu có những cơn gió nhẹ. Mặt trăng tròn, tỏa ánh sáng khắp nơi khiến nhân gian dòng sông trăng lấp lánh. Trăng soi màu trời, trăng soi tiếng hát, trăng soi cả những con người đang ngồi ngắm ánh trăng giữa đêm khuya với tâm trạng đầy những tâm sự. Bác sử dụng từ láy “lồng lộng” để nói về sắc thái ánh trăng đêm nay. Ánh trăng tỏa sáng như đang ấp ôm, xoa dịu những tâm hồn lo lắng nhạy cảm trước những quyết sách lớn đối với vận mệnh của đất nước.

Ánh trăng ngày xuân làm vạn vật cũng trở nên xuân. Sắc xuân từ ánh trăng chan hòa vào cảnh vật, vào thiên nhiên, vào cuộc sống:

“Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”

Các hình ảnh “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân”. Các hình ảnh trên của mùa xuân như đang soi chiếu vào lẫn nhau, tôn lên nhau làm rạng rỡ thêm cho vẻ đẹp mùa xuân. Điệp từ “xuân” lặp lại ba lần như khẳng định cảnh sắc thiên nhiên mùa xuân trong đêm rằm. Không gian ấy được mở ra theo chiều cao, chiều sâu và cả chiều rộng khiên bức tranh đêm nguyên tiêu không chỉ bó hẹp mà lại mở ra đến vô cùng vô tận.

“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Vẻ đẹp thiên nhiên rực rỡ cũng không làm cho người chiến sĩ quên đi nhiệm vụ trọng đại đang gánh vác. Ánh trăng kia thấu cảm cho sự vất vả, lo toan của người thi nhân – chiến sĩ. Có lẽ chỉ cần như thế là đủ để thấy được tinh thần trách nhiệm và niềm mong muốn của Bác to lớn đến thế nào. Vầng trăng vẫn lặng lẽ dõi theo con người với tâm hồn cao đẹp đợi chờ lúc họ trở về:

“Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Đã đến khuya vậy mà trăng vẫn tràn ngập khắp nơi, trăng như đang chờ, đồng hành, đồng cảm cùng thi nhân. Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền” rất đẹp và lạ, ánh trăng soi dòng nước hay là ánh trăng “rơi xuống mạn thuyền” theo thi nhân đi vào bàn bạc quân tình, chính sự.

Trăng gắn bó với người nghệ sĩ biết trân quý vẻ đẹp của trăng và chính người nghệ sĩ ấy cũng có một tâm hồn lãng mạn mới đủ sức nhìn thấy đêm trăng đồng hành, đồng cảm. Trong hoàn cảnh chiến tranh mà con người và thiên nhiên vẫn giao cảm, đồng hành và chia sẻ cùng nhau. Tác giả phải có tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên thì mới viết nên những vần thơ hay và lay động lòng người như vậy.

Bài thơ “Rằm tháng giêng” Bác đã vẽ ra bức tranh ngày xuân tuyệt đẹp và có nhiều điều trăn trở về vận mệnh ẩn sâu trong từng câu thơ. Bài thơ Rằm tháng giêng cũng cho thấy được phong thái ung dung, tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh của Bác, Bác phải có tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên thì mới viết nên những vần thơ hay và lay động lòng người như vậy.

6
2
Tú Uyên
10/12/2020 19:19:54
+3đ tặng

Trong tất cả những bài thơ của Bác Hồ giai đoạn kháng chiến thì em thích nhất là bài “Cảnh khuya”. Mặc dù bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ, nhưng đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở núi rừng Việt Bắc, có rừng cây, có trăng sáng, có tiếng suối, và đặc biệt có một người đang ở đó thao thức không ngủ được vì lo lắng cho sự an nguy của nước nhà.

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".

Ở hai câu thơ đầu, Bác đã dùng tâm hồn của một người thi sĩ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Bức tranh núi rừng hiện ra rất sinh động bởi nó có cả tiếng suối, có trăng, có bóng hoa.

"Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"

“Tiếng suối” được ví von với “tiếng hát xa” gợi cho ta một cảm giác thanh bình. Có lẽ không gian đó yên ắng lắm, mọi người, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ, thì Bác mới có thể lắng nghe được tiếng suối từ sau khe núi vọng về. Nhưng dưới ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì nó nghe như tiếng hát, lời hát ngọt ngào, quen thuộc gần gũi như ở quê nhà. Bất chợt Bác nhìn lên bầu trời và nhìn thấy được một cảnh tượng thật đẹp.

Trăng “lồng” cổ thụ, bóng “lồng” hoa

Hình ảnh “trăng” xuất hiện không ít ở trong văn thơ, và ngay trong nhiều sáng tác của Hồ Chủ Tịch thì vẫn đã có bóng dáng của trăng, tuy nhiên ở bài thơ này, trăng hiện lên đẹp biết bao. Ánh trăng sáng luồn qua tầng cây cổ thụ, rồi sau đó chiếu xuống mặt đất trông như những bông hoa. Tâm hồn của Bác thật quá đỗi nên thơ, một hình ảnh mà chúng ta nghĩ rằng nó vô cùng quen thuộc, nhưng dưới ngòi bút của thi sĩ, nó được nâng lên một tầm mới, là vẻ đẹp nghệ thuật.

Vâng, chỉ mới hai câu thơ thôi, nhưng Bác Hồ kính yêu đã vẽ nên một bức tranh thơ mộng hữu tình giữa núi rừng hoang vu của Việt Bắc, điều này vừa cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần lạc quan yêu đời của Bác, vừa thể hiện được sự tinh tế, những rung cảm tuyệt vời không phải ai cũng có. Điều đáng nói ở đây là Bác đã dùng những từ ngữ giàu hình ảnh cùng lối gieo vần, chữ như đang tự sự, rất giản đơn, ngắn gọn mà súc tích, ai trong chúng ta đọc lên cũng có thể tưởng tượng ra ngay khung cảnh Tây Bắc lúc đó như thế nào.

Tiếp nối những rung cảm về cảnh vật thiên nhiên, Bác nhìn lại sự tồn tại của mình.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Không phải một lời biện minh, nhưng hai câu thơ này Bác như đang tự trả lời cho câu hỏi: “Vì sao người chưa ngủ”. Giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ còn văng vẳng tiếng suối, có ánh trăng sáng soi, có bóng cây, có “hoa”, nhưng chỉ khi “người chưa ngủ” mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp đầy huyền bí ở nơi rừng núi như thế này được. Bác bộc bạch: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Đọc câu thơ lên ai nấy đều cảm phục trước một người con vĩ đại của dân tộc, một người tận tâm, hết mực yêu nước thương dân, trong khi mọi vật, mọi người đã nghỉ ngơi thì Bác vẫn đang phải lo lắng, nghĩ suy để đưa ra giải pháp nào tốt nhất cho quân ta giành thắng lợi, đất nước sớm được độc độc lập, tự do.

Con người chiến sĩ hòa quyện với tâm hồn thi sĩ tạo nên một tác phẩm “bất hủ” mà hầu như ai cũng thuộc lòng từng câu từng chữ.

Cảnh khuya không chỉ đẹp vì cảnh, mà nó còn đẹp vì tình, là tình yêu thương mà Bác Hồ dành cho hàng triệu trái tim người dân Việt Nam, là tình yêu dân tộc, yêu quê hương hết thảy. Thiết nghĩ, không biết chỉ một đêm hay biết bao nhiêu đêm Bác thao thức “vì lo nỗi nước nhà”? Càng đọc bài thơ này, em lại càng yêu mến và khâm phục trước tinh thần, nghị lực của Bác Hồ kính yêu.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×