Với người phụ nữ Việt Nam, áo dài đã trở thành một trang phục truyền thống. Chiếc áo đã tôn vinh vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ Việt. Nó được nâng niu yêu quý như một nét văn hoá đầy bản sắc.
Áo dài được coi là trang phục truyền thống của người dân Việt nhưng chủ yếu dành cho phụ nữ. Áo che kín thân người, từ cổ đến quá đầu gối hoặc sát xuống gần mắt cá chân. Trang phục này thường được mặc trong các dịp nghi lễ hay cưới hỏi.
Không ai biết chiếc áo dài nguyên thuỷ ra đời từ khi nào và hình dáng ra sao. Nhưng y phục xa xưa nhất của người Việt được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ cho thấy, tổ tiên ta đã mặc áo dài với hai tà xẻ.
Chiếc áo được coi là sơ khai của áo dài là áo giao lãnh. Áo giao lãnh tương tự như áo tứ thân nhưng hai thân trước giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, thường là yếm đào mặc với váy tơ đen, thắt lưng màu hồng hoặc màu xanh nõn buông thả. Ban đầu thì các bà, các cô búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ lông chim dài. Nhưng sau này, khi mặc áo giao lãnh thì người phụ nữ vấn tóc để đội khăn hay đội nón lá, nón thúng. Chân có thể đi đất hoặc đi guốc, giày dép.
Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán nên chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành áo tứ thân. Áo có bốn vạt nửa, hai nửa thân trước và hai nửa thân sau, hai vạt trước được buộc lại gọn gàng. Áo dài này thường mặc với áo yếm, với váy xắn quai cồng để tiện cho việc buôn bán, đồng áng nhưng không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ.
Áo tứ thân thích hợp cho phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải, gánh gồng từ việc buôn bán đến việc đồng áng. Nhưng sau đó, người phụ nữ tỉnh thành đã cách tân chiếc áo tứ thân thành áo ngũ thân, nhằm làm mất đi vẻ dân dã, quê mùa, tăng thêm vẻ sang trọng, đài các.
Áo ngũ thân được biến cải ở chỗ: vạt thân trước được thu bé lại thành vạt con, thêm một thứ năm be bé ở dưới vạt trước để không hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống thành bốn, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con thứ năm tượng trưng cho người mặc áo.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc ra đời chiếc áo dài có vai trò của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhằm tách Đàng Trong thành một quốc gia riêng, chúa đã chủ trương cho Đàng Trong ăn mặc khác với Đàng Ngoài, sắc dụ chúa ban “Thường phục thì đàn ông, đàn bà mặc áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống rộng hay hẹp tuỳ tiện. Áo thì từ nách trở xuống được khâu kín liền, không xẻ mổ”. Quy định đó đã định hình cho chiếc áo dài Việt Nam. Để chế ra chiếc áo dài Việt Nam, các triều thần đã phối hợp từ mẫu áo của người Chăm với mẫu áo của người phụ nữ Thượng Hải.
Đến đầu thế kỉ XX, chiếc áo ngũ thân đã được sử dụng rất phổ biến. Trải qua chặng đường dài lịch sử, nó đã trở thành chiếc áo truyền thống như ngày nay. Nhìn lại cả chặng đường lịch sử từ đầu thế kỉ XX đến nay, sự thay đổi của chiếc áo dài chính là sa tanh trắng. Nhưng chiếc áo quá lai căng với kiểu cổ tròn, cổ trái tim, tay bằng,… chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, đến năm 1943 thì nó không xuất hiện nữa. Năm 1934, hoạ sĩ Lê Phổ đã bớt đi những nét quá hiện đại, lai căng của chiếc áo này và thêm vào đó những nét dân tộc để tạo ra một kiểu áo mới. Áo có thêm cúc cài cuối thân. Kiểu áo này được các bà, các cô nồng nhiệt tiếp nhận. Từ đây, chiếc áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó.
Những năm 30 của thế kỉ XX, nhà may Cát Tường đã cho ra đời kiểu áo “lemus”, được may bằng vải khổ rộng, do đó áo chỉ còn lại hai vạt mà thôi. Vạt trước được nối dài chấm đất để tăng thêm vẻ duyên dáng yểu điệu, đồng thời, phần trên được may ôm sát với đường cong cơ thể để tạo dáng yêu kiều gợi cảm, hàng nút được chuyển sang vai áo và chạy dọc thân sườn phải. Áo dài này đi liền với kiềng vàng, giày cao, quần ống rộng.
Chiếc áo dài sau đó cũng có nhiều thay đổi. Những năm 60, Trần Lệ Xuân ở miền Nam Việt Nam cho ra đời kiểu áo dài mi ni với vạt thu nhỏ, tà xẻ cao, cổ thuyền hoặc cổ tròn. Trải qua thời gian, chiếc áo dài có sự thay đổi nhưng nhìn chung nó vẫn giữ nguyên được hình hài ban đầu.
Hiện nay, áo có các phần chính như thân áo, tay áo, cổ áo. Thân áo có hai thân, thân trước và thân sau. Thân trước có hai li ngực và hai li chiết eo để làm tăng thêm vẻ đẹp cho đường cong của người phụ nữ. Tà áo được khâu bằng tay cho mềm mại. Hai thân áo giao nhau với phần tay và phần cổ. Cổ áo nguyên bản là cổ đứng, cao từ 3 đến 7 phân. Tay áo được nối với thân sau và thân trước. Để có được một chiếc áo dài đẹp thì không phải dễ dàng nên các nhà may rất tỉ mỉ, họ chia ra làm nhiều công đoạn. Đầu tiên, rất tỉ mỉ, họ lấy số đo của khách và mạy lược theo các số đo này. Lần thứ hai, khách đến thử áo, nhà may sẽ đánh dấu những chỗ khách chưa vừa ý để chỉnh sửa lại. Đến lần thứ ba khách mới lấy được áo nhưng chiếc áo sẽ như ý của chính mình.
Chiếc áo dài có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt. Nó được sử dụng trong các cuộc thi sắc đẹp, trong ngày lễ hội,… Nó đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể” của thế giới.
Ngày nay, mặc dù có nhiều trang phục hiện đại nhưng chiếc áo dài vẫn luôn gần gũi, quen thuộc với người Việt. Chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ và phát triển để áo dài mãi mãi là biểu tượng của Việt Nam.