Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận bài thơ sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh

  Cảm nhận bài thơ sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh
 

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
154
2
0
Thời Phan Diễm Vi
14/12/2020 19:49:26
+5đ tặng

Đọc thơ của Xuân Quỳnh lúc nào cũng thấy tình yêu của nữ sĩ mãnh liệt đậm sâu lắm. Có lúc như thuyền với biển chẳng chia lìa, đôi khi lại nhẹ nhàng man mác trong cái gió lạnh mùa thu. Sóng cũng vậy, cả bài thơ là thứ tình yêu mãnh liệt sâu sắc, đọc bài ta như chìm trong những cơn sóng tình yêu dạt dào, đôi lúc lại ngơ ngác, hồn nhiên, như tấm lòng người con gái trẻ tràn đầy hi vọng về một tình yêu vĩnh cửu, ngọt ngào.

Hình tượng sóng và “em” là một phép ẩn dụ tuyệt vời, em như con sóng xô bờ, nhào vào lòng anh với tình yêu cháy bỏng, nồng nàn. Tâm trạng khi yêu và được yêu của người con gái nó lạ lùng lắm, lúc thì ồn ào, nhiệt tình, cứ níu lấy tay người thương mà thủ thỉ, chuyện trò. Nhưng có những ngày lại thấy chàng trai gãi đầu gãi tai, tự hỏi : “Mình đã làm gì sai?”, nguyên nhân chỉ vì bỗng thấy em dịu dàng, lặng lẽ quá, chẳng giống em chút nào. Như cơn sóng lúc này lúc kia “Ồn ào và lặng lẽ/Dữ dội và dịu êm”. Chẳng ai cắt nghĩa nổi, cái tâm sự, tiếng lòng của phụ nữ đặc biệt trong tình yêu lại càng phức tạp, rối rắm, nhiều người cứ cười nghĩ, ôi tâm sự phụ nữ khác nào nắm tơ vò!

Tư tưởng về tình yêu của Xuân Quỳnh tiến bộ và cởi mở như con sóng vậy, “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”, bà nghĩ tình yêu nếu giấu giếm e ngại thì tình yêu còn đâu là thăng hoa là hạnh phúc, quyết không để như thế được, bà đem thứ tình yêu ấy giãi bày vào thơ văn, những vần thơ dạt dào cảm xúc, thế giới văn chương chính là biển của bà, nơi ấy chẳng phải giấu điều gì, tình yêu cũng vậy. Những câu thơ như động lực, lời khuyên cho thế hệ phụ nữ thời bấy giờ, đừng khư khư ôm lấy tình yêu mãi thế, mở lòng và bày tỏ đi, các cô gái ạ, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, sao chúng ta lại không? Cái tôi trong tình yêu của nữ sĩ được thể hiện rất tinh tế và sâu sắc, vừa mềm mại uyển chuyển vừa là sức sống niềm tin yêu mạnh mẽ của người con gái.

Xuân Quỳnh khát vọng tình yêu lắm, vơí bà tình yêu là lẽ sống, nhưng bà không vội vàng, vồ vập như Xuân Diệu. Tình yêu của bà cứ chầm chậm, lúc cuồng nhiệt lúc êm đềm như làn sóng. Đặc biệt là cái đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn thế, được tác giả khẳng định trong hai câu thơ “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế”. Sự thủy chung, sắt son một lòng trong tình yêu thật đáng quý, đáng yêu quá, dù năm tháng đổi thay, dòng đời xô đẩy con sóng ấy vẫn như hôm nào trở về vỗ vào bờ cát. Như tình yêu của người phụ nữ, vốn chịu nhiều thiệt thòi, nhưng chưa bao giờ có thể thay đổi được cái “Nỗi khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ”, khao khát được yêu, được sống trong tình yêu nồng nàn, vẫn luôn bồi hồi trong trái tim ấm nóng, theo dòng máu đỏ lan tràn khắp cơ thể, rạo rực, đầy nhiệt huyết tuổi trẻ.

Tác giả từng đứng trước biển lớn và suy nghĩ về mối quan hệ giữa “anh” và “em”, về sóng và biển, nỗi băn khoăn trong tình yêu của người phụ nữ. Hầu như khi yêu người con gái nào cũng hỏi người mình yêu một câu tương tự như này: “Vì sao anh yêu em?” Rồi lại tự hỏi mình: “Ôi, sao xưa kia bao người tốt hơn giỏi hơn mình không chọn lại chọn anh ấy?”, nhưng liệu có ai trả lời được không? Tình yêu mà, làm gì có lý do, ta sẽ yêu nhau trong một khoảnh khắc nào đó, chỉ là cái liếc mắt đa tình của chàng trai hay nụ cười hé môi của cô gái, cũng đủ khiến đối phương chìm trong men say tình ái. Xuân Quỳnh trả lời được sóng bắt đầu từ gió, nhưng gió bắt đầu từ đâu thì nữ sĩ cũng chịu bó tay. Cũng như trong tình yêu, nữ sĩ ngẩn ngơ mà viết rằng: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau?”. Cái suy tư ấy vừa lãng mạn vừa là sự rối bời trong tình yêu của cô gái, cô ấy cần một câu trả lời, một câu trả lời đủ để có được cảm giác an toàn từ chàng trai. Khi “em” sống với tình yêu khắc khoải, hàng loạt nghĩ suy như ngàn con sóng dù ở lòng sâu hay mặt nước thì cũng chỉ nhớ tới một mình bờ cát, cũng như em chỉ có một mình anh mà thôi. Nỗi khổ tương tư chỉ những ai đã yêu mới thấu hiểu, nhớ đến “Ngày đêm không ngủ được”, nhớ đến “Cả trong mơ còn thức”. Tình yêu ấy to lớn, nỗi khát khao của cô gái trẻ chẳng biết đến bậc nào mà giấc mơ vẫn “còn thức”.

Nỗi yêu thương nhung nhớ, xuôi Bắc ngược Nam cũng chẳng chút nào vơi bớt, lòng “em” luôn “Hướng về anh một phương”, thủy chung tận cùng. Xuân Quỳnh so sánh tình yêu với trăm nghìn con sóng nước, sóng nào chẳng đổ về bờ, tình yêu cũng vậy nếu thật lòng thương yêu, chẳng khó khăn nào có thể chia lìa đôi lứa, người có lòng ắt sẽ gặp lại nhau bằng một cách thức nào đó, gọi là duyên phận chăng? Tác giả lại lấy cuộc đời đối với biển rộng, đời có dài mấy rồi năm tháng cũng trôi qua, tuổi xuân cũng chẳng còn, biển dẫu lớn nhưng mây vẫn bay về phương xa, đi khỏi tầm mắt biển.

Xuân Quỳnh có ý thức rất lớn về tuổi thanh xuân, về cuộc đời, về tình yêu, bà sống với tình yêu, với cái ước muốn dung dị đời thường. Bà có ước muốn lạ “Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ”, Xuân Quỳnh “tham” lắm, một con sóng chẳng khiến bà thỏa mãn, chỉ muốn sao càng nhiều con sóng càng tốt, thế mới thỏa chí vẫy vùng với biển cả tình yêu, để tình yêu lưu lại muôn đời, để có tình yêu đậm sâu, vĩnh cửu.
Trong hoàn cảnh đất nước vào  giai đoạn năm 1967-1968, chiến tranh miền Bắc ác liệt vô cùng, hàng vạn nam thanh nữ tú hăng hái ra chiến trường, những cuộc chia li vội vã, tiếc nuối, người đi kẻ ở, nửa buồn nửa vui. Nghe bài hát có câu thế này: “Sầu mà chi em? Lúc non sông cần trai hùng. Buồn mà chi em? Mai em về trong nắng êm.”. Gieo rắc vào lòng người con gái bao hi vọng đẹp đẽ, và thế là người con gái ôm tình yêu đắm say, chờ bóng người lính chiến quay về, tấm lòng trung trinh, kiên cường của người phụ nữ quả thật đáng quý biết bao. Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng có lẽ cũng ảnh hưởng ít nhiều từ những cuộc chia ly ấy, đâu phải chỉ riêng cảm xúc tình yêu của riêng mình bà.

Đọc thơ của Xuân Quỳnh thích lắm, thích vì cái hồn nhiên, yêu đời, thích vì cái mong ước về tình yêu lứa đôi thật dung dị, nhưng tràn đầy cảm hứng lãng mạn, bay bổng. Dù trong độ tuổi nào, nhưng ta có thể thấy rằng thơ Xuân Quỳnh viết về tình yêu vẫn vậy, vẫn tràn ngập hy vọng đẹp đẽ, thể hiện cái tôi của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu, cuộc sống. Nỗi khao khát yêu và được yêu lúc nào cũng mãnh liệt, trực chờ tuôn trào mạnh mẽ. Thơ của bà cũng ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thủy chung, son sắt, một lòng một dạ, hy sinh vì tình yêu. Tác giả sử dụng tài tình hình ảnh con sóng để nói thay cho tâm trạng người phụ nữ khi yêu, một hình ảnh vừa giản dị, dễ hình dung lại mang tính biểu tượng cao, đem lại cho bài thơ hiệu quả nghệ thuật và mạch cảm xúc dạt dào, việc thể hiện tâm tư của Xuân Quỳnh được trọn vẹn. Sóng – Bài thơ cho tình yêu của phụ nữ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×