Qua hai câu thơ đầu của bài thơ, bà Huyện Thanh Quan đã tái hiện trước mắt người đọc cả không gian và thời gian của Đèo Ngang khi nhân vật trữ tình đặt chân đến địa danh này:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.”
Nhà thơ đã chọn một khoảnh khắc mang tính nghệ thuật thường xuất hiện trong thơ để miêu tả phong cảnh Đèo Ngang. Đó là thời điểm ngày dần tàn, trời tắt nắng, cả thiên nhiên vạn vật xuất hiện trên cái nền của “bóng xế tà”. Rõ ràng đây là khoảng thời gian gợi lên trong lòng người nhiều suy ngẫm sau những mỏi mệt của một ngày dài.
Phải chăng, trải qua một hành trình rất dài từ Thăng Long vào Huế, khi “bước tới Đèo Ngang”, bản thân nhà thơ cũng chất chứa những nỗi niềm sâu kín nhưng chưa có cơ hội trải lòng. Đến khi ánh sáng bắt đầu tàn lụi để nhường chỗ cho bóng xế ban chiều cũng là lúc kịp đặt chân đến Đèo Ngang, có cơ hội hướng tầm mắt bao quát cảnh vật.
Những cảm xúc hoài vọng về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ lại dạt dào và hóa thành những dòng thơ. Không chỉ nhắc đến thời gian khi đặt chân đến Đèo Ngang mà tác giả còn gợi ra sự xuất hiện của thiên nhiên, cảnh vật trong không gian núi đèo. Đó là sự “chen” nhau của cỏ cây, đá núi, hoa lá.
Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy trong câu thơ có tổng cộng bảy tiếng nhưng từ “chen” đã được điệp lại hai lần đã góp phần tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoang vu nhưng rậm rạp. Sức sống của thiên nhiên nơi Đèo Ngang cũng vì thế mà hiện lên rất đỗi tự nhiên, mạnh mẽ.
Bức tranh cuộc sống hiện lên trong bài thơBên cạnh việc thể hiện sự sống của thiên nhiên, với hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã làm xuất hiện trong bức tranh cảnh vật ấy bóng dáng của con người:
“Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.”
Thông thường, một bức tranh thiên nhiên khi có sự xuất hiện của con người thì cũng trở nên sống động hơn và mang lại cảm giác hài hòa giữa nhân với cảnh. Thế nhưng, khi con người xuất hiện trong tranh ấy với bóng dáng nhỏ nhoi và sự ít ỏi, trong trạng thái “lác đác”, trong tư thế “lom khom” thì lại càng làm cho không gian cảnh vật thêm hoang vắng, mênh mông.
Nói như vậy là bởi giữa không gian rộng lớn, hùng vĩ, bát ngát trùng mây của Đèo Ngang nhưng chỉ xuất hiện đôi nét phác họa về vài chú tiều, về những mái nhà, khu chợ thưa thớt. Con người chính vì vậy trở nên nhỏ bé vô cùng trước sự vô hạn của không gian. Như vậy, trên khung nền của cảnh thiên nhiên núi đèo bát ngát, bao la, mặc dù có sự hiện hữu của đời sống con người nhưng nếu đó chỉ là sự xuất hiện thấp thoáng, ít ỏi thì chỉ càng tô đậm thêm sự hoang sơ, trập trùng, và bất tận của cảnh mà thôi.
Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang, ta thấy hai câu thơ đã thể hiện việc tác giả sử dụng rất khéo léo nghệ thuật đăng đối. Nếu câu trước có “tiều vài chú”, thì câu sau có sự xuất hiện của “chợ mấy nhà”, nếu câu trước những chú tiều ở trong tư thế “lom khom dưới núi” thì câu sau những gian nhà, phiên chợ chỉ “lác đác bên sông”.
Đặc biệt, với phép đảo trật tự cú pháp, để tính chất của hình ảnh lên trên trước sự xuất hiện của nó (thay vì viết “Vài chú tiều lom khom dưới núi” –“Chợ mấy nhà lác đác bên sông” thì nhà thơ lại viết thành “Lom khom dưới núi, tiều vài chú” – “Lác đác bên sông, chợ mấy nhà”) cùng với sự kết hợp các từ láy “lác đác”, “lom khom” đã có tác dụng gợi hình cho và nhấn mạnh sự leo lét của sự sống con người ở hai câu thực này.
Xem thêm: Tóm tắt nội dung truyện Bức tranh của em gái tôi
Tâm trạng tác giả trong khung cảnh chiều buồnPhát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang, người đọc còn nhận ra rằng trước khoảnh khắc tắt nắng của một ngày, không gian mênh mông, hoang sơ và đời sống con người thì thưa thớt, vắng vẻ, tâm trạng của nhân vật trữ tình mới thêm trĩu nặng những nỗi niềm, tâm tư:
“Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.”
Trong hai câu thơ trên, bà Huyện Thanh Quan đã sử dụng điển tích về chim quốc quốc và chim gia gia. Theo chuyện xưa tích cũ, vua Thục Đế do bị mất nước nên rất đau lòng đến nỗi ngày đêm kêu gào và tiếng kêu cất lên chính là tiếng “quốc quốc” (nghĩa là đất nước) và về sau chim quốc quốc được xem là sự hóa thân của nhà vua mà thành.
Loài chim thứ hai là chim gia gia, còn có tên gọi khác là đa đa lại xuất phát từ câu chuyện liên quan đến hai nhân vật là Bá Di và Thúc Tề. Đây đều là những bề tôi trung thành, chính trực của nhà Thương. Khi đất nước xảy ra biến cố, trước nguy cơ nhà Thương bị sụp đổ vì uy quyền, thanh thế của nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề vẫn giữ đạo trung quân, họ cả đời chỉ thờ một vua chứ không thể mang danh kẻ phản bội. Dù có chết họ cũng chịu chứ không chấp nhận sống chung với nhà Chu.
Đến khi qua đời, linh hồn hai người họ đã hóa thành chim đa đa và không ngớt lời kêu “bất thực cốc Chu gia” (nghĩa là “Không ăn thóc nhà Chu”). Từ gia xuất hiện trong tiếng kêu ấy lại đồng âm với từ gia (có nghĩa là nhà). Do vậy, khi nhắc đến hai điển tích về nghĩa tình sâu nặng đối với nước nhà của những nhân vật cổ xưa, dường như nhà thơ cũng muốn gửi gắm trong đó một nỗi niềm sâu kín về sự thay ngôi đổi vị trong thời đại của mình.
Tâm trạng “nhớ nước”, “thương nhà” của nhà thơ đã làm toát lên một tấm lòng đáng trân trọng và cần được cảm thông. Bởi vì, trước khi đến Huế, nhân vật trữ tình đã có một khoảng thời gian dài sống và gắn bó với mảnh đất Thăng Long. Chính hình ảnh về vùng đất và con người nơi ấy đã in sâu vào tâm trí của nhà thơ. Nó đã trở thành một miền kí ức dạt dào để đến lúc rời xa, trong thâm tâm bà nảy sinh những cảm xúc “nhớ”, “thương” trên là điều không thể tránh khỏi.
Do vậy, khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang ta thấy Đèo Ngang vốn đã hoang vắng, u tịch nhưng cũng không thể trở nên rộn rã, vui tươi hơn khi có sự xuất hiện của âm thanh tiếng chim. Bởi, tiếng kêu tha thiết, xót xa như vậy thì chỉ làm tăng thêm vẻ cô liêu, buồn vắng của cảnh vật. Tiếng kêu của những loài chim ấy là một cách ẩn dụ cho tiếng lòng của một tâm hồn hoài vọng về sự thịnh suy của triều đại đã qua.
Khi tâm trạng không thể cất giấu mãi hoài vào trong trong cảnh vật, tác giả đã bộc lộ nó một cách trực tiếp qua hai câu thơ cuối:
“Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.”
Những câu thơ tiếp tục gợi ra sự đối lập giữa một con người nhỏ bé, đơn độc với sự rợn ngợp, bao la của non nước mây trời Đèo Ngang. Khi con người đã có dịp cùng trải qua bao thăng trầm với lịch sử dân tộc, con người ấy như bỗng nghiệm ra một điều: đời người chỉ là hữu hạn trong sự vô cùng của thiên nhiên, đất nước…
Cách cắt mảnh các hình ảnh “trời”, “non”, “nước” và những từ mang ý nghĩa riêng lẻ “một”, “mảnh”, “riêng”, “ta” đã làm nổi bật lên trên sự bất tận, bao la của tạo vật là nỗi trống vắng, cô đơn của con người. Con người ấy lại không thể tỏ bày cùng ai những nỗi niềm đang chất chứa mà chỉ có thể bầu bạn với chính mình (“ta với ta”) thì lại càng trở nên cô đơn, lẻ loi hơn bao giờ hết.
Vốn là người đất Bắc nhưng khi thời thế thay đổi, một người phụ nữ dù có mạnh mẽ đến đâu nhưng khi đặt chân đến một vùng đất mới, nhận nhiệm vụ mới của một triều đại mới thì làm sao không khỏi nhớ về gia đình và tiếc nuối về một triều đại đã tàn lụi. Do vậy, khi đứng trước ranh giới giữa hai miền đất – một đã từng gắn bó sâu đậm, một lạ lẫm mới mẻ, có tâm sự nhưng không biết thổ lộ cùng ai, bà Huyện Thanh Quan đã chọn cách gửi hết cái tình của mình vào cảnh trong phút
“dừng chân đứng lại” hướng tầm mắt lên khắp cảnh vật bao la.