Trình bày cảm nghĩ của em về nỗi đau của những đứa trẻ trong cuộc sống trong hoàn cảnh bố mẹ li hôn
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Rất nhiều người day dứt và suy nghĩ về con cái rất nhiều khi quyết định ly hôn. Có người quyết định sống chịu đựng và không ly hôn vì con cái, nhưng nhiều người vẫn chọn ly hôn để giải thoát và kéo theo hệ quả giải quyết quyền trực tiếp nuôi con. Còn những đứa con chúng vừa là sản phẩm, vừa là nhân chứng và cũng là người phải lãnh hậu quả và thực thi bản án ly hôn này của cha mẹ mình. Vậy, nỗi đau của những đứa trẻ khi ly hôn và hậu ly hôn ở đâu?
Thứ nhất: Khi chúng chưa thể nhận thức hết được Tòa án là gì, ly hôn là gì, nhưng vẫn được cha, mẹ đưa lên Tòa để lấy ý kiến, để làm chứng và phải nói, trình bày với Tòa án những vấn đề mà chúng chưa chắc đã hiểu là có khách quan và công bằng hay không? hay chỉ là nói theo ý kiến của cha hoặc mẹ dặn trước khi đến Tòa án. Và chúng không biết được rằng lời nói của mình cũng là cơ sở để cho Tòa án buộc phải lựa chọn quyết định tước đi một quyền trực tiếp nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ đối với chính mình.
Thứ hai: Nếu cặp vợ chồng nào có nhiều con chung, mà buộc phải chia quyền trực tiếp nuôi con chung, thì việc ly hôn cũng là một bản án làm phai nhạt, chia cắt tình anh chị em ruột vì “phải sống cách biệt và ly tán nhau”. Là anh em ruột nhưng phải sống xa nhau, không thể dành tuổi thơ trọn vẹn cho nhau, không có nhiều những kỷ niệm đẹp chung với nhau. Chen vào đó là sự cô đơn, lủi thủi và sự thiếu vắng tình cảm trọn vẹn của các thành viên trong gia đình. Nếu không có đủ sự quan tâm, giáo dục và chăm sóc tốt của cha mẹ đang nuôi dưỡng, thì còn làm mất đi sự gắn kết giữa các anh chị em ruột sau này về cả tính cách, lối sống và sự phân biệt. Rồi khi trưởng thành, tình cảm anh chị em ruột cũng bị ảnh hưởng, bị phai nhạt dần theo thời gian.
Thứ ba: Cuộc sống sau khi ly hôn, những đứa con sẽ có những câu hỏi cho cha mẹ, nhưng cha mẹ không thể trả lời. Và chính những đứa trẻ này phải tự nhận thức, tự tìm hiểu và trả lời theo thời gian. Mỗi lần hỏi là mỗi lần làm xót xa các bậc làm cha, làm mẹ và cho chính các đứa trẻ vì cha mẹ phải nói dối chúng. Các câu hỏi ví dụ như: “Mẹ ơi bố đâu? sao bố không ở chung với mình? Sao bố mẹ không ở với nhau? Bố ghét mẹ con mình à? Ly hôn là gì hả mẹ? hôm nay bố có đến thăm con không? Con muốn cả ba mẹ đưa con đi chơi có được không? Con muốn ba mẹ về ở với nhau có được không?….” Việc trẻ hỏi thể hiện việc chúng khao khát có cả cha lẫn mẹ, khao khát được bố mẹ sống cùng nhau và khát khao nhận được tình thương yêu, sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ, nhưng tất cả đều rất xa vời mà không phải do lỗi của chúng. Nỗi đau về tinh thần này sẽ kéo dài dai dẳng với mỗi đứa trẻ mà không ai bù đắp được. Đặc biệt là không thể bù đắp được bằng vật chất, tiền bạc.
Thứ tư: Oan nghiệt hơn nữa là đứa trẻ bị một bên cha hoặc mẹ người nuôi dưỡng trực tiếp tẩy não chúng (nếu có). Nghĩa là vì nhiều lý do mà người nào ở với con thường hay nói xấu về người không ở với con và nói xấu về gia đình họ hàng của người không ở với con. Rồi nhồi nhét vào đứa trẻ tư tưởng kỳ thị, căm ghét ba/mẹ người không trực tiếp nuôi và gia đình người này. Khiến chúng càng lớn càng xa lánh và đánh mất đi sự tôn trọng với một bên cha mẹ của mình. Thậm chí cắt đứt mọi liên hệ với một bên cha mẹ mình (người không trực tiếp nuôi dưỡng).
Việc này thực sự để lại hậu quả rất khủng khiếp, biến từ một người có con thành không có con. Bởi vì, tôi đã từng chứng kiến 02 đứa trẻ, một đứa 8 tuổi và một đứa 11 tuổi gặp cha mình tại Tòa án, nhưng không chào hỏi, thậm chí có thái độ coi thường, khi tôi hỏi thì ông bố này khóc nghẹn ngào nói với tôi rằng “vợ anh nó tẩy nảo chúng nó như vậy đó em”. Hỏi kỹ tôi mới biết câu chuyện này đúng là sự thật.
Một đứa trẻ chúng có quyền được thương yêu chăm sóc bình đẳng của cả cha lẫn mẹ, có quyền được gắn kết dưới sự bao bọc, quan tâm của hai gia đình nội, ngoại, nhưng chỉ vì ly hôn và chỉ vì cách dạy bảo sai cách của cha mẹ mà khiến chúng có thể phải mất đi hình tượng của một bên cha hoặc mẹ và một bên gia đình nội ngoại. Nỗi đau này nếu gia đình nào gặp phải, thì hậu quả để lại rất dai dẳng và nỗi đau còn lan tỏa đến cả những người thân của hai gia đình mà không thể hàn gắn được.
Thứ năm: Những cặp vợ chồng khi ly hôn cũng đau, nhưng đau một lần rồi thôi, đa phần họ sẽ đi tìm để xây dựng hạnh phúc mới với người phù hợp hơn và rồi chính họ cũng sẽ có những đứa con, khi đó những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn này lại trở thành người thứ ba, người thừa và phải gọi người khác là cha hoặc mẹ mà dân gian hay gọi là “dì ghẻ, dượng ghẻ”. Khi đó, cha mẹ ai cũng có cuộc sống riêng, gia đình riêng để quan tâm chăm sóc, và ít quan tâm chăm sóc cho những đứa con riêng của mình cả về tinh thần, thời gian và vật chất. Còn nếu những đứa trẻ này chẳng may bị hành hạ và bị hắt hủi nữa, thì đây thực sự là bất hạnh vô bờ bến. Những đứa trẻ này rất dễ có suy nghĩ tiêu cực hoặc bỏ nhà ra đi và rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Cuối cùng: Khi những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn lớn lên, kịp nhận ra và hiểu được thế nào là ly hôn, khi đó đã mất đi cả một tuổi thơ có cha lẫn mẹ hồn nhiên bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi cảm nhận được thì chỉ biết tự trách số phận mình mà không thể đỗ lỗi cho cha hoặc cho mẹ. Khi đã ra ở riêng, và mỗi dịp Tết đến xuân về, ngày nghỉ, ngày lễ muốn về thăm cha mẹ, nhưng cũng phải cân nhắc là về thăm cha, hay về thăm mẹ? còn muốn về thăm cả hai thì không được vì cha mẹ sinh sống xa cách nhau và điều kiện thời gian, xe cộ không cho phép. Không về thì mang tiếng là bất hiếu, mà về thì bên trọng, bên khinh.
Ly hôn là điều không ai muốn, nhưng là điều không thể tránh với rất nhiều hoàn cảnh trường hợp. Do vậy, để không phải “ly hôn” thì mỗi cặp nam nữ khi yêu nhau, đến với nhau phải kết hôn cho chặt, phải thận trọng, nghiêm túc trong việc tìm bạn đời và suy nghĩ kỹ về mục đích hôn nhân của chính mình, rồi hãy quyết định. Còn nếu phải ly hôn, hãy suy nghĩ cho con, suy nghĩ về những nỗi đau của những đứa con trước, rồi hãy suy nghĩ và quyết định cho mình.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |