LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Làm bài văn thuyết minh về tà áo dài

Ai giúp tui làm bài văn thuyết minh về tà áo dài vn với :((

2 trả lời
Hỏi chi tiết
205
0
0
Như
24/12/2020 21:19:16
+5đ tặng

Mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc đều có cho mình một nền văn hóa đặc sắc, trong đó các điểm chính như phong tục tập quán, trang phục truyền thống, ngôn ngữ, giọng nói là những nét riêng dễ nhận biết nhất. Đặc biệt là sự khác biệt về trang phục đã đem đến cho mỗi dân tộc, quốc gia một diện mạo khác nhau và vô cùng phong phú, thể hiện được phần nào nét đẹp trong nền văn hóa lâu đời đã trải qua hàng nghìn năm phát triển. Có thể nói rằng cách dễ nhất để nhận biết một dân tộc, đầu tiên là dựa vào trang phục truyền thống của họ, ví như người ta chỉ cần nhìn thấy Hanbok thì sẽ nhớ đến đất nước Hàn Quốc với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp giải trí. Nhìn thấy Kimono thì sẽ liên tưởng đến đất nước Nhật Bản với bánh Mochi và món Sushi độc đáo. Nhìn thấy sườn xám, hoặc những bộ đồ cổ trang thướt tha thì chắc hẳn là đất nước Trung Quốc rộng lớn với nền văn hóa cực kỳ đáng ngưỡng mộ. Còn Việt Nam ta, một đất nước có tới hơn 4000 năm văn hiến, với những phong tục tập quán kỳ cựu, những nét văn hóa độc đáo, thì cũng không hề thua kém và tự hào với tà áo dài thướt tha, duyên dáng, đại diện cho nét đẹp trong văn hóa trang phục của nước ta.

Thực tế áo dài của ta không có tuổi đời lâu như trang phục truyền thống của một số nước khác. Thuở xa xưa, lối ăn mặc của ông cha ta có chút tương tự như với người Hán tức là mặc áo hai tà trước, sau, xẻ ở hai bên hông, vạt áo trùm gần đến mắt cá, hai vạt áo cài với nhau ở bên phải hoặc trái tùy thời, bên trong mặc quần rộng. Có hai kiểu thông dụng là áo giao lĩnh, vạt chéo và áo viên lĩnh cổ tròn, thông thường thì người ta hay mặc áo giao lĩnh bên trong như một kiểu áo đệm, lót, bên ngoài mặc viên lĩnh. Nếu quan sát trong các bộ phim của Trung Quốc, thì cung cách ăn mặc này khá giống với thời nhà Tống. Mãi đến thời vua Lê, chúa Trịnh phân tranh với nhà họ Nguyễn cùng với sự tách biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài và sự tham vọng, xưng vua một cõi của chúa Nguyễn Phúc Khoát, thì trang phục của nhân dân ta mới có sự cải tiến. Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã lệnh cho nhân dân Đàng Trong mặc kiểu áo dài ngũ thân, tức là kiểu áo cũng xẻ tà ở từ hông trở xuống, nhưng đằng trước có hai vạt con, đằng sau cũng chia làm hai vạt, phía dưới vạt đằng trước lót thêm một vạt liền nữa, bên trong đàn ông mặc quần ống rộng, còn phụ nữ thì mặc váy rộng. Đến những năm 1900, thì áo dài đã không còn là dạng áo ngũ thân rườm rà mà quy lại chỉ còn hai vạt trước sau phủ dài tới qua gối hoặc qua mắt cá chân một chút, cả nam và nữ đều chuyển qua mặc quần. Có sự cải tiến, cách tân mới lạ này cũng là do sự du nhập văn hóa phương Tây, cùng với những nhu cầu cách tân trang phục để theo kịp với xu hướng của thời đại mà vẫn không làm mất đi bản sắc dân tộc. Chính vì thế tà áo dài đã ra đời, và kiểu dáng cũng chủ yếu là dành cho phái nữ, bởi đàn ông đã chuyển qua mặc các dạng quần áo hơi hướng phương Tây. 

Trải qua nhiều lần cải tiến, cách tân áo dài ngày nay đã có một kiểu dáng cố định, và được chọn làm quốc phục của Việt Nam. Khi thiết kế người ta chỉ thay đổi một vài chi tiết nhỏ để tăng tính thẩm mỹ mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy của áo dài. Về cơ bản áo dài ngày nay gồm hai bộ phận chính là áo và quần rộng ống mặc kèm bên trong tà áo. Khác với các mẫu áo dài cũ thường được may suông, rộng rãi thì ngày nay người ta có xu hướng chít eo, phần hông áo được may sát với vòng  eo của người phụ nữ, để tôn triệt để các đường cong và vẻ uyển chuyển của người phụ nữ, khiến người mặc trở nên quyến rũ mà vẫn kín đáo lịch sự. Về tà áo, cũng như các mẫu cũ, gồm có hai tà trước sau, tuy nhiên độ dài của tà áo thì tùy theo sở thích, công dụng của bộ áo mà người ta may dài hẳn đến mắt cá chân, hay may lửng đến giữa bắp chân hoặc là may ngắn vừa qua đầu gối,... Thông thường tà áo dài sẽ được may bằng nhau, nhưng trong một số mẫu thiết kế sẽ có kiểu tà trước ngắn hơn, tà sau, tà sau được may rộng và kéo dài để phục vụ cho các buổi trình diễn, dạ tiệc,... Phần cổ áo có thể nói là phần có nhiều biến thể cách tân nhất trong áo dài của ta, với các bộ áo truyền thống thì cổ áo cao tầm 4 - 5 cm, hình cánh buồm đối cạnh với nhau. Ngày nay thì xuất hiện các kiểu cổ tròn, cổ trái tim, cổ vuông, cổ hình chữ u, cổ thuyền, thậm chí có những bộ áo được thiết kế kiểu cúp ngực, không cổ,... Về phần thân áo, được ghép lại với nhau bằng hàng cúc bấm chéo từ cổ áo xuống nách áo, sau đó theo dọc thân đến phần xẻ tà, ngoài ra còn có các kiểu khép thân khác, ví như may khóa kéo ở phía sau lưng, hoặc thay vì khuya người ta sẽ may luôn khóa kéo ở bên hông để tiện cho việc mặc áo. Phần tay áo ngày nay đã số được may sát, ôm với cánh tay, có kiểu tay lỡ hoặc tay dài đến cổ tay. Với áo tay dài đôi khi phần cổ tay sẽ hơi rộng ra một chút hoặc biến thể tùy theo mẫu thiết kế để tăng thêm phần điệu đà, duyên dáng. Và áo dài được mặc với phần quần ở bên trong thay cho kiểu mặc váy ngày xưa. Quần áo dài thường được may rộng rãi và dài trùm qua mắt cá, ống quần được may loe ra nhìn để trông được thướt tha giống như mặc váy bên trong. Tuy nhiên, với những yêu cầu sử dụng khác nhau mà phần quần này có thể được may với những kiểu cách khác nhau, ví như may ống quần hẹp lại, hoặc là may ngắn hơn bình thường. Khi may quần người ta thường chọn loại vải mềm có độ rủ, và màu sắc tương đồng với màu áo, hoặc có thể chọn vải màu trắng vốn là màu có thể phối được với tất cả các màu khác. 

Trong cuộc sống ngày hôm nay, dẫu rằng có nhiều các loại trang phục khác nhau để ta lựa chọn, thế nhưng áo dài vẫn là một trong những trang phục được ưa thích. Bởi tính đơn giản, mang vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, tính cá nhân hóa, lại là loại trang phục sử dụng được trong nhiều trường hợp từ thông thường như đi học, đi chơi, đến các trường hợp trang trọng ví như dự tiệc, lễ lộc, trong việc cưới xin. Không chỉ vậy áo dài còn là biểu tượng cho truyền thống văn hóa của người Việt, đại diện cho bản sắc của cả một dân tộc, chính vì thế trong các dịp trọng đại của quốc gia, trong các cuộc thi, các chương trình, sự kiện áo dài đã trở thành trang phục chính của những người tham gia, để quảng bá, tôn vinh nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với thế giới. Nét đẹp của áo dài không chỉ nằm trong đời sống mà nó còn nhiều lần đi vào thơ văn, tác phẩm nghệ thuật với vai trò là đề tài chính hoặc là chất liệu độc đáo làm cho các tác phẩm thêm phần độc đáo, mang tính dân tộc rõ nét. Trong giới thời trang, tà áo dài cũng là một trong những đối tượng được các nhà thiết kế thời trang để tâm thiết kế, cách điệu để cho ra các bộ sưu tập độc đáo, mới lạ, vừa sáng tạo những vẫn giữ lại những nét truyền thống trên tà áo, tôn vinh vẻ đẹp của cả người mặc và tà áo. 

Áo dài là biểu tượng, là nét đẹp trong văn hóa của dân tộc, là di sản văn hóa vật thể cần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ. Đối với tôi người phụ nữ Việt Nam ở trong trang phục áo dài vẫn là những người phụ nữ đẹp, duyên dáng và hấp dẫn nhất. Bởi ở họ toát lên những vẻ đẹp yểu điệu, thướt ma vừa hiện đại nhưng cũng có cái gì đó vừa e ấp, vừa chất chứa những nét truyền thống đặc biệt của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
Nga
14/01/2021 16:10:28
+4đ tặng

Tục ngữ Việt Nam có câu "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân". Suy ngẫm nhiều, chúng ta thấy đúng là y phục góp phần quan trọng vào vẻ đẹp mỗi con người, góp phần quan trọng vào dáng vẻ thướt tha của phụ nữ. Một trong những kiểu y phục ấy là chiếc áo dài Việt Nam.

Áo dài Việt Nam có từ rất xa xưa, theo từng thời kì lịch sử mà chiếc áo dài có những hình dáng khác nhau và thay đổi theo từng phương. Miền Bắc ngày xưa có kiểu áo dài viền năm tà, miền Trung lại có một kiểu sợi dây cột ngang lưng, miền Nam cũng có áo dài cổ cao theo một cách đặc biệt.

Đến đầu thế kỉ XX, áo dài Việt Nam lần này được thiết kế lại với hai tà ôm sát thân mình. Cách may cắt cũng ngày càng tinh xảo hơn để bớt đi những chỗ lòng thòng, những nếp nhăn, số lượng nhiều tà chỉ còn lại hai tà phía trước và phía sau, sợi dây cột ngang lưng cũng được bỏ đi. Theo thời, có lúc tà áo dài đến mắt cá, có lúc tà áo thu lên ngang gần đầu gối, có lúc tà rộng, có lúc tà hẹp.

Những năm đầu thế kỉ này, tà áo dài theo hai khuynh hướng. Phối hợp với y phục phương Tây, các nhà tạo mẫu cho ra đời những kiểu áo dài kéo sau lưng, những kiểu áo trái tim, kiểu cổ truyền. Một khuynh hướng khác là trở về nguồn. Các nhà tạo mẫu dùng những hoa văn hình chim hạc để thiết kế ở thân trước áo dài, cổ áo dài.

Hoặc họ dùng những hoa văn trên thổ cẩm để làm viền, tạo nên những chiếc áo dài vừa duyên dáng vừa cổ điển, vừa hiện đại. Trang phục kèm áo dài cũng thay đổi theo thời gian như quần màu đen, trắng hòa cùng màu với áo, khăn đóng ngày nay thay thế bằng vương miện dùng trong ngày cưới của cô dâu.

Nhờ sự khéo léo của những nhà thiết kế, chiếc áo dài Việt Nam đã tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng và thể hiện nét kín đáo thiết tha của người phụ nữ. Vì sao vậy? Phần trên thường kín cổ, thể hiện vẻ kín đáo nhưng cũng làm hiện lên bờ vai và đôi tay trắng thon dài của cô gái. Nhờ cắt may khéo léo, phần trên chiếc áo thể hiện nét đẹp khỏe mạnh gọn gàng và thùy mị của cô gái Việt Nam.

Đồng thời hai tà áo lúc mở lúc khép, quấn quýt theo làn gió, tạo vẻ thướt tha dịu dàng của chiếc áo dài. Nét đẹp đó làm say mê bao văn nhân, thi sĩ Việt Nam, làm say mê bao khách nước ngoài khi giao dịch, tham quan du lịch Việt Nam, nhà thơ Nguyên Sa từng viết:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Thơ anh viết vẫn nguyên màu lụa trắng!

Cố nhạc sĩ Văn Cao cũng đưa hình ảnh áo dài Việt Nam vào trong bài "Bến xuân" của mình: Tà áo em rung trong giấc mộng ngập ngừng ngoài bến xuân.

Hiện nay, tuy nước ta đã theo nhiều trào lưu y phục phương Tây nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn không quên giữ gìn và phát huy vẻ đẹp của chiếc áo dài. Trong vài thập niên gần đây, tà áo dài đã' là đồng phục quy định của nhiều công sở và trường học. Ngay cả những dịp quan trọng như ngày Tết, ngày lễ, ngày cưới, người ta cũng dùng áo dài làm trang phục chính. Với những loại vải quí phái, chất liệu đặc biệt như tơ tằm, lụa với màu sắc lộng lẫy hoặc nhu hòa, chiếc áo dài làm tăng thêm vẻ sang trọng và tươi đẹp cho người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài Việt Nam là một trong những nét đẹp truyền thống, gắn liền với phong tục và văn hóa của người Việt Nam. Bảo vệ nét đẹp áo dài Việt Nam là bảo vệ văn hóa và phong tục của ta vậy.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư