Để tìm hiểu câu ca dao buồn này, chúng tôi tìm về xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi. Tiếng Mường, “đú” là từ chỉ đơn vị hành chính tương đương cấp xã; “sáng” là ánh sáng. Khi được thành lập vào năm 1963, hẳn người dân nơi đây đã gửi gắm vào cái tên một khát vọng. Thế nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21, Đú Sáng vẫn là một xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi. Trong số 17 xóm nghèo của xã, đáng buồn nhất là Bái Tam.
Đây là xóm có 103 hộ người dân tộc Mường thì có tới 44 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 42,7%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3 triệu đồng một năm ở thời điểm năm 2009. Mặc dù có diện tích khá rộng, tới 116ha, mỗi hộ có tới hàng ngàn mét vuông đất ở, nhưng cả xóm là một vùng rừng cây tạp um tùm, cành cây xòa cả vào trong nhà. Trồng trọt chủ yếu là ngô và lúa lấy lương thực. Chăn nuôi thì lợn, gà, trâu, bò thả rông như… thú rừng. “Ngày ấy, muốn thịt một con gà thì phải đợi đến đêm, khi gà ngủ đậu trên cành tre mới có thể mang sào ra hái!”, ông Bùi Văn Tặng, Trưởng thôn Bái Tam kể.
Vì nằm cheo leo lưng chừng núi, cách trung tâm xã tới 10km đường rừng, ô tô không thể vào Bái Tam. Ở trong xóm, các ngõ gần như quanh năm lầy lội trơn trượt bởi nước từ trên cao đổ về, xe đạp, xe máy không thể đi lại. Thế nên “nhà nọ muốn sang thăm nhà kia cũng ngại. Trai gái yêu nhau, muốn sang thăm nhà nhau, để khỏi bẩn quần áo đẹp thì chỉ còn cách… cưỡi trâu! Ngày đó, nhà nào cũng dành gầm sàn làm chuồng cho trâu, bò, lợn…, ruồi, muỗi, ong ong, phân bùn ngập ngụa. Nhiều khi khách tới chơi, ngồi ăn cơm ở trên, trâu đánh sừng cồng cộc, lợn ủi phân bùn sòng sọc ở dưới. Nhiều khi đang bữa, trâu nó còn tuôn cho một tràng phèn phẹt, hôi thối lắm!”, ông Bùi Văn Tray, một lão nông kể.
Trưởng thôn Bùi Văn Tặng tiếp lời: “Kinh khủng nhất là chuyện đi vệ sinh. Ngày ấy, nhà cầu của người xóm Bái Tam chỉ là một vài đoạn cây bắc ngang hố đất lộ thiên ngoài bìa rừng. Người đi vệ sinh phải cầm theo… gậy, vì bầy lợn luôn vẩn xung quanh”.
Kể lại những chuyện này, nét mặt của cả Trưởng thôn Bùi Văn Tặng và lão nông Bùi Văn Tray vẫn vương nét kinh hoàng.
Đói nghèo luôn đi kèm tăm tối. Sự thực thì người dân Bái Tam không phải không nhận ra những cái dị mọ trong đời sống của họ. Nhưng cái khó bó cái khôn. “Vẫn biết sống thế là mất vệ sinh, là bệnh tật. Nhiều nhà trong xóm muốn thay đổi lắm, nhưng chưa có cơ hội”, lão nông Bùi Văn Tray phân trần.