- Đoạn văn Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) sử dụng phép lập luận chứng minh. Cách thức lập luận rõ ràng, chặt chẽ, logic theo kết cấu tổng – phân – hợp giàu sức thuyết phục:
+ Câu mở đầu nêu luận điểm: Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Xứng đáng thế nào? Bác chứng minh:
+ Các câu 2, 3, 4 sử dụng phép liệt kê và từ trái nghĩa để chứng minh một cách đầy đủ, toàn diện tinh thần yêu nước của nhân dân ta được diễn ra ở khắp nơi, ở mọi lứa tuổi, mọi đẳng cấp, ngành nghề, giới tính như “các cụ già… các cháu thiếu niên nhi đồng; các kiều bào… đồng bào…; nhân dân miền ngược… miền xuôi; những chiến sĩ ngoài mặt trận… các công chức ở hậu phương; những phụ nữ… bà mẹ; … công nhân và nông dân… đồng bào điền chủ…”
+ Sử dụng trường nghĩa, liệt kê chi tiết những hành động, biểu hiện tấm lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân: “Ai cũng có một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc,… nhịn đói… bám sát… tiêu diệt… nhịn ăn… ủng hộ… khuyên… xung phong… vận tải,… săn sóc yêu thương…, thi đua tăng gia sản xuất,… không quản khó nhọc… giúp… quyên…”
+ Sử dụng các cặp từ chỉ quan hệ: từ - đến tạo ra lối điệp cấu trúc cú pháp vừa trùng điệp vừa nhịp nhàng, cân đối, trôi chảy, cuốn hút người đọc, người nghe.
- Kết luận: Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm nhưng đều giống nhau ở nơi nồng nàn yêu nước.
=> Với cách lập luận chặt chẽ, cách sử dụng câu, từ và các biện pháp nghệ thuật hết sức tài hoa, Hồ Chí Minh không chỉ ngợi ca tấm lòng yêu nước của nhân dân mà từ đó còn kích thích, động viên mọi người phát huy cao độ tinh thần yêu nước ấy trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.