Bài làm
Câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" tuy ngắn gọn nhưng để lại cho ta bài học sâu sắc. Ở câu tục ngữ này, ông cha ta đã mượn các hình ảnh quen thuộc “ăn quả” và “trồng cây” để làm hình ảnh ẩn dụ cho lời nhắn nhủ của mình. Trước hết, về nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu rằng khi ăn những trái ngon quả ngọt, ta phải nhớ tới người trồng cây, chăm sóc cây đến ngày hái ra quả. Nghĩa bóng “ăn quả” nghĩa là thừa hưởng những thành quả vật chất hay tinh thần của người đã làm ra nó; còn “kẻ trồng cây” là lớp người đi trước đã tạo ra những thành quả vật chất tinh thần cho chúng ta hưởng thụ. Được thừa hưởng thành quả ấy, ta phải nhớ tới công ơn người gây dựng, làm ra nó. Từ đó, qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn nhắc nhở chúng ta rằng sống phải có lòng biết ơn, trân trọng quá khứ và nâng niu bao nghĩa tình mà cuộc đời mang lại. Đó là thông điệp mà người xưa muốn gửi gắm tới chúng ta ngày nay. Có thể khẳng định rằng biết ơn là nền tảng của đạo lí, là thước đo phẩm chất, đạo đức của mỗi con người. Câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã mang đạo lí ý nghĩa đến thật tinh tế; nhắc nhở chúng ta sống phải biết ơn những người đã giúp đỡ ta. Từ đó mà ta hãy rèn luyện và phát huy tinh thần biết ơn trong ta.
- Chú thích:
Câu rút gọn: in đậm
=> Rút gọn chủ ngữ Ta